Sốt đất, thu lời tiền tỷ và sự thật ngã ngửa ít người biết
Vẫn là một lô đất, lúc đầu có giá 100 triệu đồng một mét ngang, sau vài ngày đã tăng lên 300 – 400 triệu đồng. Và cũng là câu chuyện sốt đất, nhưng tại một địa phương khác, chỉ sau 4 phút cả chục lô đất đã được khách đặt cọc...
Tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây liên tục diễn ra các cơn “sốt” đất.
Từ những vùng đất bỏ hoang hàng chục năm bỗng chốc đội giá lên gấp 2 – 3 lần, thậm chí cao hơn nhiều lần so với giá trị thực.
Chứng kiến những cơn “sốt” đất, mong được đổi đời từ đất, hàng trăm nhà đầu tư đổ xô đi mua. Rất nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng không ít người trong số họ phải khóc hận khi cơn sốt đất ảo đi qua. Tuy nhiên, ít ai biết được sự thật phía sau những câu chuyện sốt đất thường gặp.
“Tấu hài”, chỉ 4 phút chốt cọc hơn chục lô đất!
Đầu năm 2021, thông tin Bình Phước đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng có quy mô 500ha tại các xã An Khương, Tân Lợi, huyện Hớn Quản đã khiến cơn sốt đất cục bộ diễn ra tại khu vực này.
Nhiều người dân địa phương chứng kiến cho biết giá đất mặt tiền các tuyến đường nhựa liên tục được đẩy giá, thậm chí tăng theo từng giờ. Những lô đất có giá từ 100 triệu đồng một mét ngang trong vài ngày đã tăng lên 300 – 400 triệu đồng. Nhiều người bỏ hàng chục tỉ đồng để thâu tóm các khu đất lớn rồi nhanh chóng cho máy móc san ủi để phân thành nhiều lô nhỏ hơn.
Những giao dịch diễn ra chớp nhoáng bằng hình thức đặt cọc rồi sang tay liên tục. Cứ như vậy có người kiếm được hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng chỉ trong vài ngày.
Cũng tại Bình Phước, trong mấy ngày gần đây, clip “độc lạ” về việc một công ty bất động sản có trụ sở ở Bình Dương đã đến địa phương này “làm trò sốt đất” gây xôn xao dư luận, hình ảnh về “phiên chợ” mua bán đất được chia sẻ gần như phủ kín mọi trang mạng. Trong clip hàng chục xe ô tô nối đuôi dài, một dãy rạp được dựng trên một khu đất trống. Tiếng nhạc xập xình, nhiều môi giới nam nữ chạy như chơi trò đuổi bắt để kịp báo cho cô MC chốt cọc cho khách. Chỉ sau vài phút cả chục lô đất tại một khu đất thuộc ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, H.Lộc Ninh (Bình Phước) đã được khách đặt cọc.
“Lợi nhuận từ đất quả thật rất hấp dẫn, nhưng không dễ dàng và không phải ai cũng may mắn kiếm được” - Phúc Anh, nhân viên môi giới bất động sản.
Sau khi theo dõi clip dài 4 phút trên, anh Phúc Anh - một môi giới bất động sản ở Hà Nội thấy tức cười và chia sẻ: “Với những người bình thường nhất không hiểu biết gì về bất động sản thì ngay khi xem xong clip cũng đã thấy nó bất thường. Còn với những người trong nghề, chỉ cần xem vài chục giây thì đã nhận ra ngay công ty kia đang diễn trò."
Phúc Anh cho biết, anh thấy khó hiểu vì trong bối cảnh phương tiện thông tin đã quá phổ biến, nhà đầu tư ngày càng giàu kinh nghiệm thì “vở tuồng” trên làm sao mang lại lợi ích cho công ty. Chắc chắn những khách hàng hiểu biết sẽ chẳng dại gì mà bỏ tiền mua, còn nếu dùng clip này tạo hiệu ứng sốt ảo thì chưa biết lợi sao mà trước mắt đã thấy chuốc hoạ rồi.
Cụ thể là, ngay sau khi clip trên được lan truyền thì chính quyền địa phương đã ngay lập tức vào cuộc điều tra, xác minh khu đất mà công ty trên rao bán không phải là dự án. Đồng thời, sau sự việc trên UBND huyện Lộc Ninh đã ra quyết định xử phạt Công ty Địa ốc Nam Khương số tiền 100 triệu đồng sau clip chốt đất như chạy giặc.
Ngoài ra, huyện cũng đề xuất lập đoàn thanh tra toàn diện việc mua bán đất của Công ty Địa ốc Nam Khương tại khu đất ở xã Lộc Khánh.
“Lợi nhuận từ đất quả thật rất hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng may mắn kiếm được. Những nhà đầu tư bán chuyên, nếu muốn tham gia thị trường nên tìm đến những đơn vị, cá nhân tư vấn uy tín, tìm hiểu kỹ pháp lý cũng như vị trí dự án để tránh “tiền mất tật mang” nếu không may gặp phải những “cò đất” tự phát”, nhân viên môi giới trên cảnh báo.
Sự thật sau những “phiên chợ” bất động sản
Tiết lộ với phóng viên, chị Hà - một môi giới bất động sản có nhiều năm kinh nghiệm khác cho hay, chiêu trò phổ biến và quen thuộc nhất của giới đầu cơ bất động sản trong các cơn sốt là tạo ra không khí sôi động cho khu vực cần đẩy giá. Những người này thường liên kết để lập hội nhóm rồi đổ dồn về các khu đất, liên tục ký hợp đồng chuyển nhượng, đặt cọc, phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội (livestream) để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
Chỉ khoảng 10% là khách đến xem đất, còn lại đều là “cò”. “Sau khi “dụ” được các nhà đầu tư xuống tiền và nắm chắc lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường này và những người mắc kẹt thường là những nhà đầu tư mới (hay còn gọi là F0)”... môi giới tên Hà tiết lộ.
Trong hàng trăm người có mặt tại “chợ bất động sản” chỉ khoảng 10% là khách đến xem đất, còn lại đều là “cò”. Họ ăn mặc đẹp, một số thuê ô tô đến để đóng vai khách xem đất. Giá cả đều do “cò” quyết định tuy nhiên giao dịch thành công không nhiều.
“Nhiều khi chúng tôi phải diễn kịch, vờ có điện thoại đưa lên nghe, 3-5 phút lại nghe một lần rồi hét lớn các thuật ngữ chốt giá, tăng giá, lấy sổ đỏ, đặt cọc trăm triệu…” – môi giới này cho biết.
Chị cũng tiết lộ sau khi “dụ” được các nhà đầu tư xuống tiền và nắm chắc lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường này và những người mắc kẹt thường là những nhà đầu tư mới (hay còn gọi là F0).
Bà Đỗ Thu Giang, chuyên gia bất động sản tiết lộ hàng loạt chiêu trò quen thuộc của dân “cò” đất, đầu nậu bất động sản. Trong đó, 3 thủ thuật thường xuyên xuất hiện là tạo cơn sốt đất giả, nói khống, nói quá về thông tin dự án, ém sản phẩm chờ tăng giá.
Chiêu trò đầu tiên thường xuyên xuất hiện trong 3 năm gần đây chính là cò đất tạo ra các cơn sốt đất giả ở khắp mọi nơi. Ví dụ, như cơn sốt đất ở Đồng Trúc (Hà Nội) vào tháng 4 vừa qua, hoặc cơn sốt tại Bình Đa (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào tháng 2/2020.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện giá bất động sản nhiều nơi đang không phản ánh đúng giá trị thực. Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư cần chú ý đến việc định giá sản phẩm để xác định giá đầu tư phù hợp với thị trường.
"Đối với các nhà đầu tư F0 thì không nên tham gia đầu tư theo tin đồn, theo hiệu ứng đám đông mà cần tìm hiểu, phân tích tỉ mỉ sản phẩm trước khi đầu tư" - ông Đính nhấn mạnh.
Vẫn còn đó những cơn sốt đất cục bộ
Trước các diễn biến trên, các chuyên gia nhận định sốt đất vẫn có thể diễn ra cục bộ ở một số địa phương có các thông tin mới về quy hoạch, hạ tầng.
Ghi nhận của phóng viên, 2 tháng đầu năm 2022, tại Hà Nội, các huyện vùng ven như Hoài Đức đã có hiện tượng “nóng lên” bởi các thông tin từ tuyến đường Vành đai 4, giá đất rao bán tăng 10 – 20 triệu đồng/m2 so với hồi đầu năm 2021.
Tại Quảng Trị, cơn sốt tại TP Đông Hà vừa lắng xuống thì đợt sốt mới lại xuất hiện ở thị trấn vùng biên Lao Bảo, giá khu tái định cư Tân Thành – Lao Bảo bất ngờ tăng gấp đôi.
Hay tại Đắk Lăk, sau thông tin về dự án Bệnh viện đa khoa Trung ương khu vực Tây ngyên và đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tình hình giao dịch nhà đất tại TP.Buôn Ma Thuột tăng đột biến khiến giá đất bị đẩy lên cao. Cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã tiếp nhận gần 12.000 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, số lượng chưa từng có ở địa phương này.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho biết, đà hồi phục của kinh tế sẽ kích thích các nhà đầu tư tin rằng một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ bắt đầu, cần phải "xuống tiền" trước khi giá lên quá cao. Điều này có thể làm hiện tượng "sốt đất" ở một vài khu vực, tuy nhiên sẽ không xảy ra trên diện rộng và chỉ tập trung ở một số khu vực dự án.
“Mặt bằng giá ảo có thể xuất hiện ở một số địa phương, tuy nhiên sẽ nhanh chóng hạ xuống khi cơn sốt đất qua đi” - Ông Hoàng Liên Sơn – Tổng giám đốc Alpha Real
Ông Hoàng Liên Sơn – Tổng giám đốc Alpha Real cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước các làn sóng này bởi mặt bằng giá ảo có thể xuất hiện ở các địa phương, tuy nhiên sẽ nhanh chóng hạ xuống khi cơn sốt đất qua đi.
Các địa phương cần kịp thời cung cấp thông tin mới về quy hoạch. Minh bạch thông tin dự án hạ tầng, dự án đô thị là yêu cầu đầu tiên để dẹp các cơn sốt ảo.
Tương tự, cũng theo bà Giang, khi tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản, nếu nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm thì cần phải xem xét cân nhắc, nghiên cứu các yếu tố trước khi xuống tiền để tránh rơi vào "bẫy" của các đầu nậu, môi giới. Ngoài ra, “Chính phủ nên có những biện pháp mạnh tay, thậm chí là Luật hóa, hình sự hóa các chiêu trò của giới cò đất giúp thanh lọc thị trường”, bà Giang nhấn mạnh.