Sốt đất nhiều nơi, các đại gia BĐS tranh thủ xin lập quy hoạch những dự án hàng nghìn ha
Trước cơn sốt đất đang diễn ra ở nhiều địa phương cả nước, các đại gia trong lĩnh vực BĐS đã đi tắt, đón đầu bằng việc xin lập quy hoạch những dự án lên tới hàng nghìn ha nhằm chuẩn bị nguồn cung trong tương lai.
Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, không thuận lợi để kinh doanh nên nhiều nhà đầu tư chọn bất động sản là kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền.
Trong thời gian qua, những khu vực vùng ven của TP Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM, Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,... trở thành những nơi thu hút những nhà đầu tư và tạo nên áp lực tăng giá.
Theo dự báo của hầu hết các chuyên gia, thị trường BĐS vẫn sẽ là "vùng trũng" hút dòng tiền trong năm 2022. Trong năm tới, thị trường BĐS sẽ nhận được nhiều tín hiệu và xung lực tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng.
Tại tọa đàm trực tuyến về thị trường BĐS mới đây, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, về kinh tế học khi lạm phát xảy ra, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ neo vào kênh như bất động sản. Nếu mua một căn nhà với giá 1 tỷ đồng, khi lạm phát xảy ra, giá sẽ tăng lên 1,2-1,5 tỷ đồng.
Ông Khương khuyến nghị, lạm phát xảy ra, càng đầu tư bất động sản càng lớn, càng tốt. Nếu nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính thì việc xuống tiền ngay từ bây giờ là hợp lý. Tuy nhiên, ông Khương cũng cho rằng, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lạm phát xảy ra thì rủi ro rất lớn. Ví như, một căn nhà trị giá 1 tỷ, người mua chỉ bỏ ra 300 triệu đồng và đi vay 700 triệu đồng. Khi lạm phát xảy ra, lãi suất càng cao, khả năng chi trả của người mua sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý tỷ suất sinh lời cao và nhanh ở thời điểm hiện tại sẽ khác so với những năm trước. Không phải cứ đầu tư năm nay là năm sau kiếm được 40-50%.
BĐS vẫn là kênh thu hút nhiều nhà đầu tư bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19
Trước nhu cầu đầu tư vào BĐS ngày càng lớn của các nhà đầu tư cá nhân, thời gian gần đây nhiều “đại gia” cũng tranh thủ xin lập quy hoạch những dự án hàng nghìn ha.
Theo đó, cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn KDI Holdings đã báo cáo đề xuất ý tưởng đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, 2 tập đoàn đã đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, bao gồm: Quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Cái và phát triển các dự án tại TP. Nha Trang; vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa tại các xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với đầy đủ chức năng như: Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suối khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf với diện tích quy hoạch lên tới hơn 2.800 ha.
Cùng với đó, Tập đoàn FLC cũng đã thông tin về việc, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã có buổi làm việc để nghe FLC báo cáo về các đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lãnh đạo FLC báo cáo chi tiết về đề xuất nghiên cứu đầu tư Khu phức hợp nghỉ dưỡng đô thị sinh thái cao cấp tại vịnh Nha Phu, thị xã Ninh Hòa, với quy mô nghiên cứu khoảng 8.650 ha (4.000 ha mặt nước và khoảng 4.650 ha đất nghiên cứu xây dựng).
Tại Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Sacom Tuyền Lâm (thành viên thuộc SAM Holdings) đã có hai công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị được tài trợ khảo sát, lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án trên khu đất khoảng 1.430 ha tại xã Lộc Phát, Lộc Thắng (TP. Bảo Lộc) và khu đất khoảng 2.115 ha tại xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm).
Còn tại Phú Yên, Tập đoàn Everland cho biết hiện đang tài trợ lập Đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch biển phân khu Nam Sông Cầu tại Vịnh Xuân Đài với diện tích khoảng 315ha.
Được biết, tại Vịnh Xuân Đài ngoài Khu đô thị du lịch biển phân khu Nam Sông Cầu còn có hơn 50 dự án bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị đang được khảo sát, lập quy hoạch xin chủ trương đầu tư.
Hướng đến mục tiêu đưa Sông Cầu trở thành thành phố thuộc tỉnh sau năm 2025, những năm gần đây, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu du lịch hiện có; tạo điều kiện phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, thể thao, văn hóa, vui chơi, giải trí.
Tại khu vực phía Bắc, Lạng Sơn đang trở thành tâm điểm đầu tư của những ông lớn trong lĩnh vực BĐS. Theo đó, thời gian qua, nhiều ông lớn bất động sản như Tổng Công ty Viglacera, Tân Hoàng Minh, FLC, Sovico,... liên tục có đề xuất đầu tư vốn về tỉnh.
Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera đã có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc đề xuất đầu tư Tổ hợp Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tại huyện Hữu Lũng với quy mô khoảng 1.000 ha.
Mới đây Tân Hoàng Minh đề xuất lập quy hoạch hai dự án khu đô thị 12.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại dịch vụ khoảng 10.000 tỷ đồng, dự án khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp khoảng 2.500 tỷ đồng.
Trước đó, vào 27/10, Lạng Sơn đã duyệt tiếp nhận kinh phí tài trợ từ CTCP Tập đoàn FLC để lập quy hoạch 1/500 khu đô thị mới nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Mai Pha - Yên Trạch, TP. Lạng Sơn.
Vào tháng 8/2021, FLC cũng đã có văn bản đề xuất nghiên cứu, tài trợ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị phía Nam Yên Trạch, huyện Cao Lộc.
Hồi tháng 6/2021 CTCP Tập đoàn Sovico đã công bố sẽ tham gia hồi sinh Khách sạn - Sân golf Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn…
Nguồn: [Link nguồn]
Sau khi ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng bị bắt để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thuduc House đã bổ nhiệm...