Sốt đất, béo "cò": Sau mỗi hợp đồng đút túi hàng trăm triệu đồng
Thời gian qua, thị trường chứng kiến môi giới BĐS (cò đất) dễ dàng kiếm từ vài chục, vài trăm triệu đồng mỗi giao dịch, thậm chí có nhiều người bỏ việc công chức để đi làm môi giới BĐS... Tuy nhiên, công việc này nhận về không ít ý kiến trái chiều.
“Cò đất” thu nhập tiền tỷ
Anh Hải Phong – một môi giới BĐS tự do tại Hà Nội chia sẻ, trước đây anh đã từng có gần 10 năm làm nhân viên môi giới BĐS cho một sàn có tiếng tại Hà Nội. Thông thường, Giám đốc bán hàng có thể chốt tới hàng chục mảnh đất trong một tháng, mang lại thu nhập từ 2-3 tỷ/tháng là chuyện thường. Những mùa sôi động, các cá nhân có tiếng có thể bán hàng chục thậm chí hàng trăm mảnh đất trong một tháng thậm chí trong một tuần.
Sau mỗi hợp đồng được chốt, môi giới BĐS có thể thu về hàng trăm triệu đồng
Theo anh Phong, để mua một căn nhà thì bạn cũng phải chi đến hàng tỷ đồng, để mua một lô đất cũng phải đôi ba tỷ thậm chí hàng chục tỷ đồng. Với mỗi giao dịch hàng tỷ đồng cho một mảnh đất, một căn nhà thì việc cắt % cho công ty môi giới từ 100 triệu đến 200 triệu đồng là rất bình thường.
Trong số tiền đó, công ty môi giới phải chi 5-25% tiền hoa hồng cho chuyên viên kinh doanh bất động sản. Như vậy trung bình bán một căn nhà hay mảnh đất tầm một tỷ đồng thì chuyên viên kinh doanh bất động sản có hoa hồng từ 1-2.5% giá trị giao dịch, tương đương 10 - 25 triệu một mảnh. Mỗi tháng trung bình các chuyên viên kinh doanh bất động sản bán từ 5-7 mảnh đất thì có thu nhập từ 50 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
“Tổng lượng tiền giao dịch là cực lớn, giá trị mà các môi giới, cò kiếm được từ bất động sản tuy cao song tỷ lệ phần trăm trên mỗi giao dịch họ được hưởng lại khiêm tốn, nên tôi và một số anh em có kinh nghiệm đã tự tách ra làm môi giới tự do” – anh Phong nói.
Với những ai quan tâm theo dõi thị trường bất động sản, thì sẽ thấy trước, trong và sau mỗi cơn "sốt đất" không thể thiếu bóng dáng của “cò đất”. Và thực tế, nhiều người đã đổi đời, giàu lên từ công việc môi giới bất động sản mà chẳng cần bằng cấp chuyên ngành, kinh nghiệm hay tài sản vốn liếng gì. Đó có thể là bất cứ ai, người có tài ăn nói, kỹ năng phân tích thị trường, biết làm chênh giá, đôi khi là một chút may mắn nữa...
Chính bởi vậy, khi cơn sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nhiều người đã bỏ công việc ổn định như giáo viên, nhân viên văn phòng,... để "rẽ ngang" sang làm “cò đất”.
Méo mó thị trường
Có rất nhiều người giàu lên từ việc chuyển sang làm người môi giới đất, số tiền kiếm được đã giúp họ có cuộc sống tốt hơn, tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, nhiều trường hợp không có kiến thức, thiếu kinh nghiệm nhưng chạy theo đám đông đã phải nhận “kết đắng”. Nhiều người, vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng lừa dối khách hàng, hoặc dùng những chiêu trò như thổi giá, tạo sốt ảo,...
Thực tế, không phải ai cũng có thể có thu nhập như lời đồn
Anh Mạnh Dũng (môi giới bất động sản lâu năm khác tại Hà Nội) thì cho biết, thực chất làm môi giới bất động sản không phải lúc nào cũng giàu lên nhanh chóng, vẫn có những người cả mấy tháng trời hay cả năm không bán được lô đất nào. “Nhiều khi những tấm ảnh giao dịch mà mỗi ngày họ đăng chỉ là những giao dịch ảo, dùng để 'câu' khách chứ khách thật không có nhiều như vậy đâu”.
Cũng theo anh Dũng, những môi giới “không đàng hoàng” chỉ là số nhỏ. “Ngày nay khách hàng rất thông minh, nếu môi giới tư vấn không chuẩn thì sẽ không tồn tại được”.
Nói về người làm nghề môi giới, chị Châu – một nhà đầu tư BĐS đến từ Quảng Ninh cho rằng, nhiều người chỉ không có thiện cảm với người không có đạo đức nghề nghiệp chứ không phải là nghề môi giới bất động sản.
“Tôi đã từng mua và bán đất và thực sự phải cảm ơn các bạn môi giới. Việc họ được hưởng hoa hồng từ 0,5 -1% nếu giao dịch thành công cũng là xứng đáng. Tuy nhiên, tôi cũng chứng kiến khá nhiều “cò đất” phối hợp thành đội nhóm thổi giá BĐS rất cao, kích giá ảo, kể cả làm chuyện phi pháp, nên nếu họ có bị lên án cũng không oan” – chị Châu nói.
Tương tự, anh Mạnh – một người làm bên lĩnh vực kinh doanh ô tô cũng cho rằng, mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi duyên. Nếu bạn giỏi bạn có thể mang về thu nhập hàng tỷ đồng, tất nhiên thu nhập cao chỉ mang tính thời điểm. Nhiều người tưởng dễ dàng, sẵn sàng bỏ việc chuyên môn để làm môi giới BĐS nhưng chỉ được vài bữa, sau đó lại mất công đi tìm nghề khác mà kiếm sống...
Từ những thông tin đồn thổi về quy hoạch trên mạng xã hội kết hợp cùng chiêu trò tâm lý đám đông mà các “cò đất” tạo ra mà nhiều mảnh đất được tăng giá trị gấp 2 - 3 lần so với giá thực tế. Điều này làm không ít các nhà đầu tư “sa bẫy”, bán tháo nhà, đất hay vay tiền để mua bất động sản.
Hơn nữa, môi giới bất động sản là lĩnh vực mang lại nhiều thu nhập so với các ngành nghề khác trong xã hội. Thế nhưng, phần lớn các môi giới hiện nay chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Điều này gây bất bình đẳng trong xã hội, làm thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Góp ý về việc này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, trong những tháng đầu năm 2022, hiện tượng "sốt ảo giá đất" đi đôi với hoạt động "đầu cơ" đã có dấu hiệu quay trở lại. “Các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời đối với các "đầu nậu", "cò đất", "cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường BĐS” - Chủ tịch HoREA khuyến cáo.
Nguồn: [Link nguồn]
Thaiholdings vừa trình ĐHĐCĐ thông qua việc chuyển nhượng cổ phần của 13 cổ đông cho ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy). Nếu thành công, ông Thụy sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại...