Sống tạm cạnh nghìn căn hộ… bỏ hoang ở TPHCM

Trong lúc hàng chục nghìn hộ dân đang phải thuê nhà trọ tạm bợ, chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì tại TPHCM còn hơn 14.000 căn hộ giá rẻ phục vụ tái định cư cho các dự án bị bỏ hoang nhiều năm.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) hoang vắng. Ảnh: H.Thịnh.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) hoang vắng. Ảnh: H.Thịnh.

Có tiêu chuẩn: Không mua

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) có quy mô gần 31 ha, tổng vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng được chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010 gồm 45 lô chung cư với 2.240 căn hộ và trên 500 nền đất nhằm phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc chương trình nâng cấp đô thị. Gần 10 năm qua, toàn khu chỉ có vài trăm hộ dân dọn về ở nên vắng lặng đến rợn người. Nhiều căn hộ đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Sáng 20/9, có mặt tại khu vực này, tìm đỏ mắt, chúng tôi mới gặp gia đình ông Nguyễn Ngọc Hoài Tâm đang ngụ tại lô C10 chung cư Vĩnh Lộc. Căn hộ hơn 40m2 nơi gia đình ông Tâm ở bố trí sơ sài một phòng phía trước và một phòng phía sau. Lô C10 chỉ lác đác vài hộ dân đến ở nên hầu hết các căn hộ trong tòa nhà bỏ trống. Từ căn hộ của gia đình ông Tâm nhìn ra bốn phía đều là các lô chung cư nhưng hầu hết chưa có người ở. Lớp sơn bên ngoài các tòa nhà đã phai màu loang lổ. Bụi bám đầy cầu thang, tay vịn, khóa cửa gỉ sét. Nhà thiếu vắng bóng người, cây cỏ dại mọc lấn vào nhà. Nhiều công trình phúc lợi, hạ tầng như đường sá, siêu thị cũng đang bị hư hỏng nhanh.

Ông Tâm cho biết gia đình bị giải tỏa trong dự án cầu - đường Nguyễn Văn Cừ và đã dọn về khu tái định cư Vĩnh Lộc B hơn ba năm. Những anh em còn lại trong gia đình tuy cũng có tiêu chuẩn nhưng chọn cách thuê nhà trọ, không ai muốn mua căn hộ tái định cư ở đây vì trường học, công ăn việc làm đã ổn định tại nơi ở cũ cách khu tái định cư hơn 10 cây số, đi lại rất bất tiện.

Trường hợp vắng bóng người cũng diễn ra tại khu tái định cư Thủ Thiêm (quận 2) dành để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị Thủ Thiêm. Khu tái định cư có quy mô lên tới 12.500 căn hộ trên tổng diện tích 38,4 ha đã hoàn thành hơn 5 năm qua nhưng đến nay hàng nghìn căn hộ còn bỏ trống, trong đó có những block chưa có người ở. Theo ghi nhận của Tiền Phong, Khu tái định cư Thủ Thiêm cũng trong tình cảnh xuống cấp, hư hỏng vì thiếu bảo dưỡng, sửa chữa.

Theo Sở Xây dựng, TPHCM hiện có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại quận 2 trong dự án khu dân cư tái định cư 38,4 ha với hơn 12.000 căn hộ và tại khu khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ. Do công trình ngày càng xuống cấp, để tránh lãng phí, thu hồi khoản kinh phí hàng nghìn tỷ đồng đã đầu tư, mới đây UBND TPHCM đã xin Chính phủ cho bán đấu giá 3.790 căn hộ chung cư tái định cư bỏ trống ở Thủ Thiêm. Ngoài ra, TPHCM cũng quyết định tổ chức bán đấu giá 953 căn hộ trống thuộc 22 lô chung cư tại Khu dân cư Vĩnh Lộc B để thu hồi vốn cho ngân sách.

Muốn mua: Không có tiêu chuẩn

Tuy nhiên, việc bán đấu giá các căn hộ nói trên không hề dễ dàng. Ngay từ năm 2015, UBND TPHCM đã đồng ý bán 953 căn ở khu dân cư Vĩnh Lộc B và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tổ chức tiếp nhận và đưa ra bán đấu giá nhưng không thành mà nguyên nhân chính là các căn hộ được xây xong từ những năm 2011, hiện tại có nhiều căn đã xuống cấp nên cần thẩm định lại giá. Tháng 12/2017, UBND TPHCM cũng cho chào bán đấu giá 3.790 căn hộ tại Khu tái định cư 38,4 ha. Qua hai lần bán đấu giá, hơn 3.790 căn hộ tái định cư nói trên vẫn chưa có người mua.

Trong khi hàng nghìn căn hộ đang bị bỏ hoang và dần xuống cấp thì huyện Bình Chánh lại là một trong những địa bàn “nóng” nhất của TPHCM về vấn nạn xây dựng không phép bởi nhu cầu nhà ở ngày càng tăng. Các khu nhà trọ chật chội, tạm bợ mọc lên như nấm nhằm đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho một lượng lớn người nhập cư từ các tỉnh đến TPHCM tìm sinh kế.

Phòng trọ xập xệ cách khu tái định cư Vĩnh Lộc khoảng 2 km.

Phòng trọ xập xệ cách khu tái định cư Vĩnh Lộc khoảng 2 km.

Ghé khu phòng trọ của vợ chồng anh Lê Mạnh Cường (31 tuổi) chỉ cách khu tái định cư Vĩnh Lộc B khoảng 2 km, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Phòng trọ chỉ rộng khoảng 10 m2, nhà vệ sinh được bố trí ngay trong phòng nên phần diện tích để ở không còn là bao. Đồ dùng sinh hoạt cũng đơn giản, gồm 1 tủ vải đựng quần áo, chiếc nệm gấp, quạt bàn, kệ để chén bát, một vài xoong nồi và bếp gas... Mới 9 giờ sáng nhưng không khí trong phòng rất ngột ngạt. Chiếc quạt bàn chạy hết cỡ vẫn không đủ xua đi cái nóng. Thấy tôi ái ngại, Cường phân trần: “Riết rồi cũng quen anh ơi. Ở đây, tụi em ngán nhất là trời mưa!”.

Anh Cường làm thợ hồ, là dân Bình Chánh chính hiệu. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh “ở ké” bố mẹ một thời gian. Đến lúc vợ sinh con, do nhà cửa chật chội, không muốn tiếp tục sống trong cảnh “tứ đại đồng đường”, hai vợ chồng Cường quyết định dọn ra ngoài. Mỗi lần đi ngang qua khu tái định cư rộng lớn vắng bóng người, vợ chồng anh lại thấy chạnh lòng.

“Phòng trọ của em thấp hơn mặt đường, mỗi khi mưa lớn là nước tràn vào. Em định mua chiếc giường để vợ con nằm nhưng diện tích phòng trọ chật quá. Mấy năm trước nghe thành phố định bán mấy căn hộ bỏ trống, hai vợ chồng dành dụm được một ít tiền định vay mượn thêm nhưng nhưng liên hệ lại thì người ta báo là mua không được”, anh Cường cho hay.

Gần nửa triệu hộ dân ở TPHCM chưa có nhà ở

Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM, TPHCM đang có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình, trong đó có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức. Ngoài ra, TPHCM còn có hơn 20.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, nâng cấp hoặc tái định cư và hầu hết đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền với giá khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn.

Căn hộ 30m2 chật hẹp, tối tăm như rộng gấp đôi sau cải tạo

Cặp vợ chồng trẻ mong muốn biến không gian chật chội, tối tăm của căn hộ có tuổi đời gần 10 năm thành nơi ở tràn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Thịnh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN