Siết mua bán nhà đất "hai giá", trả lại hơn 60 nghìn hồ sơ, tăng thu ngân sách hơn 320 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong 3 tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản "hai giá", giúp tăng thu ngân sách 326 tỷ đồng.

Tại cuộc họp về chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản được tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp nhỏ vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, trong thời gian qua, ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt siết chặt việc xử lý hình sự đối với hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc đẩy mạnh triển khai giải pháp chống thất thu thuế từ bất động sản đã có những kết quả tích cực.

Ba tháng đầu năm, cơ quan thuế đấu tranh với 60.289 hồ sơ có chuyển nhượng BĐS "hai giá"

Ba tháng đầu năm, cơ quan thuế đấu tranh với 60.289 hồ sơ có chuyển nhượng BĐS "hai giá"

Theo đó, năm 2020 tăng gần 1,8 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021.

Trong giai đoạn 1/1/2021 đến 15/1/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng và chỉ tính riêng giai đoạn 1/1/2022 đến 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.

Cụ thể, tại TP. Hà Nội năm 2021 tăng 550 tỷ đồng so với năm 2020, tỷ lệ tăng 24% trong khi lượng hồ sơ tăng 11,7%; tại TP.HCM  năm 2021 tăng 20% với năm 2020, 3 tháng đầu năm 2022 tăng 57,11% so với cùng kỳ. Cá biệt qua đấu tranh tại một số địa phương, các tổ chức cá nhân đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản tăng từ 2-5 lần so với giá kê khai ban đầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu các Cục Thuế đẩy mạnh rà soát đấu tranh với các tổ chức cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Yêu cầu các đơn vị tự điều chỉnh giá kê khai tính thuế sát với giá thị trường chi tiết đến từng con đường, tuyến phố trong dự án.

"Đối với các trường hợp cố tình vi phạm cần chuyển hồ sơ sang Cơ quan Công an điều tra, xử lý nghiêm, đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, về lâu dài, ngành Thuế sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu cho các cơ quan chức năng sửa đổi các chính sách pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản", Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Hành vi khai gian giá mua bán bất động sản có thể sẽ rủi ro cho cả bên bán và mua

Hành vi khai gian giá mua bán bất động sản có thể sẽ rủi ro cho cả bên bán và mua

Trước đó, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 438 về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục thuế để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, chuyển nhượng bất động sản hai giá nhằm ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước; các tỉnh, thành trên cả nước rầm rộ ra văn bản siết việc mua bán bất động sản hai giá.

Luật sư Nghiêm Quang Vinh -  Giám đốc công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong trường hợp khai gian giá mua bán bất động sản có thể sẽ rủi ro cho cả bên bán và mua nếu giá trong hợp đồng thấp hơn giá thực tế khi có tranh chấp xảy ra.

"Nếu điều đó xảy ra, đương nhiên, đây là thiệt thòi lớn đối với người mua. Có thể người bán sẵn sàng trả lại tiền cho khách hàng nhưng sẽ chỉ trả lại số tiền ghi trong hợp đồng. Lúc này người mua cũng đành chấp nhận vì giấy trắng mực đen rất rõ ràng, không có bằng chứng để chứng minh mình đã đưa tiền cho người bán nhiều hơn", luật sư Nghiêm Quang Vinh phân tích.

Chưa hết, người bán cũng sẽ có thể mất trắng số tiền ngoài không ghi trong hợp đồng nếu có xảy ra trục trặc giao dịch. Bởi, với những vụ việc như vậy đưa ra tòa án giải quyết thì cũng chỉ được giải quyết số tiền ghi trong hợp đồng. Có thể thấy, nhiều giao dịch vẫn chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà nghĩ về lâu về dài, coi chừng lâm tình cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

Bên cạnh đó, theo luật sư Vinh, để có thể ngăn chặn mua bán khai gian giá, chống thất thu thuế thì phía Nhà nước cần khảo sát giá cả theo thị trường từng khu vực và quy định đúng hoặc tiệm cận theo thị trường.

“Có thể thấy, nguyên trong năm 2021 thuế thu được từ giao dịch bất động sản rất lớn, nên khoản thu này là cực kỳ quan trọng. Nhưng, hiện nay, quy định về giá giao dịch ở từng địa phương có mức khác nhau nhưng chưa phù hợp với thị trường và 5 năm mới sửa 1 lần. Để chặt chẽ trong việc thu thuế giao dịch bất động sản thì cần liên tục cập nhật mức giá, vì trong mấy năm nay giá cả bất động sản đã liên tục tăng cao”, ông Vinh nói.

Loạt doanh nghiệp nợ thuế đất hàng trăm tỷ, có  cả công ty thành viên của Tân Hoàng Minh

Đứng đầu danh sách nợ thuế lần này là Khu Liên hợp thể thao Quốc gia nợ 839 tỷ đồng. Ngoài ra, loạt công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng bị Cục Thuế TP. Hà...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN