Sau Tết, khi mọi người vui du xuân tôi đã chốt xong hai lô đất
“Tiền mặt để đó cũng sốt ruột, trong lúc chưa biết làm gì tôi tiếp tục tìm đất nền để giữ tiền. Khi mọi người còn vui du xuân, tôi đã tranh thủ xuống tiền đầu tư hai lô đất”... Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Bảo – một nhà đầu tư BĐS tại Thanh Xuân (Hà Nội).
Sau tết, nhà đầu tư tin tưởng đất nền tiếp tục tăng giá
“Chúng tôi tin là sẽ có những đợt sốt đất như đã từng xảy ra vào các thời điểm sau dịch năm ngoái. Thời điểm này đi săn tìm được nguồn hàng tốt là cơ hội chờ tăng giá trong tương lai” – Anh Nguyễn Đức Bảo (Thanh Xuân, Hà Nội) .
Anh Bảo cho biết, buổi chiều hôm mùng 10 tháng giêng, tình cờ biết có một người cần bán gấp lô 1.000m2 tại Hòa Bình, lô đất có vị trí và giá hợp lý nên anh đã chốt luôn trong buổi chiều hôm đó.
Lô thứ hai anh Bảo mới đặt cọc sáng hôm qua. Sau một tuần ráo riết anh cũng đã tìm được miếng ưng ý, lại vừa túi tiền tại Thanh Trì, Hà Nội.
“Phần lớn nhà đầu tư có niềm tin vào sức bật của thị trường bất động sản sau Tết, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19. Một số bạn đầu tư của tôi đều tin rằng, sẽ còn có những đợt sốt đất như đã từng xảy ra vào các thời điểm sau dịch năm ngoái. Thời điểm này đi săn tìm được nguồn hàng tốt là cơ hội chờ tăng giá trong tương lai” – anh Bảo nói thêm.
Tương tự, anh Trinh, một người bạn trong nhóm đầu tư cùng anh Bảo cũng cho hay, bản thân anh đang tìm mua đất thổ cư trong khu vực Hà Đông, đặc biệt là những khu vực có hạ tầng phát triển là đất thương mại dịch vụ khu vực Đồng Mai, Biên Giang, Yên Nghĩa,...
Theo anh Trinh, so với đất các tỉnh, đất nền khu vực Hà Đông, Chương Mỹ, Hòa Bình vẫn có mức độ tăng giá ổn định, phù hợp với những người mua để ở hoặc đầu tư lâu dài.
Chị Huyền, một môi giới BĐS lâu năm tại Hà Đông cho biết, ngay tuần đầu sau Tết Nguyên đán, chị đã có những giao dịch thành công đầu tiên ở phân khúc đất nền là lô đất thổ cư gần 200 mét vuông tại Yên Nghĩa, Hà Đông.
Đặc biệt, có lô đất trong một ngày có 3 NĐT cùng muốn đặt cọc. Lo giá đất tăng cao nên chủ nhà đã đánh tháo, chưa bán.
“So với những ngành kinh doanh khác, đầu năm nay lĩnh vực BĐS đã được nhiều người quan tâm, xuống tiền đầu tư” - Chị Huyền chia sẻ.
Tại phía Nam, chị Phương, một nhà đầu tư kiêm tư vấn tại TP HCM cho biết nhu cầu mua đất, đặc biệt là đất nền tại những khu vực thuận lợi về du lịch và nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư vẫn khá lớn.
Theo lời chị Phương, chỉ vài ngày đầu năm mới, chị và những đồng nghiệp của mình đã chốt cọc thành công hàng chục lô đất nền tại các dự án nghỉ dưỡng ở Bà Rịa Vũng Tàu, Bảo Lộc – Lâm Đồng cho những nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP HCM,… Thậm chí có ngày mình chị nhận đặt cọc giữ chỗ 4 lô đất nền nghỉ dưỡng của những khách hàng đầu tư.
Trên trang cá nhân của mình, hot girl Đặng Thị Mỹ Dung (Midu) cũng chia sẻ ngày trở lại với công việc của mình sau kỳ nghỉ Tết âm lịch dài ngày bằng buổi hẹn hò trao sổ hồng cho khách đã mua đất của mình. Hot girl mới nổi trong giới đầu tư BĐS tiết lộ một kỷ lục mới khi một khách hàng nữ sinh năm 1998 đã xuống tiền mua đất do mình bán.
Trước đó, trong tháng 1/2022, hot girl này cũng đã có nhiều buổi trực tiếp trao sổ hồng cho những khách hàng đã mua đất của mình. “Đại gia bất động sản", “Người đẹp bán đất" - là rất nhiều những cụm từ người ta dùng để nói về Midu tại thời điểm này, khi cô công khai việc mình sở hữu rất nhiều lô đất thổ cư có, nông nghiệp có, view đồi núi có, sông suối có, hồ biển cũng có…
Báo cáo thị trường tháng 1/2022 của một chuyên trang về bất động sản cho thấy, dù mức độ quan tâm chung toàn thị trường giảm 24% so với tháng 12/2021, tuy nhiên một số tỉnh thành ghi nhận mức tăng cao: Hưng Yên (107%), Quảng Nam (41%), Long An (31%), Khánh Hòa (30%).
Đáng chú ý nhất là phân khúc đất nền khi ghi nhận mức độ quan tâm tăng 13% và lượng tin đăng tăng vọt 64%. Có thể nói, phân khúc đất nền đang có bước trở mình từ cuối năm 2021 tại thị trường các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Bên cạnh đó, các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Hưng Yên ghi nhận lượng tìm kiếm đất nền tăng mạnh so với tháng trước đó. Đáng chú ý, nhu cầu tìm mua đất nền tại Hà Nam tăng tới hơn 36%... Điểm chung là những thị trường này đều là các "điểm nóng" trong các đợt sốt đất đầu năm 2020 và 2021.
… không phải đất nào cũng ra tiền!
Chứng kiến nhiều nhà đầu tư BĐS thắng lớn trong năm 2020 và 2021 khi giá đất nhiều nơi tăng mạnh, nhưng anh Tuấn một nhà đầu tư đến từ Hà Nam cho biết bản thân vẫn mắc kẹt với khoản đầu tư vào đất dự án gần khu công nghiệp Đồng Văn – Hà Nam.
Theo anh Tuấn, thửa đất của anh và nhiều nhà đầu tư khác tại dự án này dù đã đóng 95% tiền từ cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao đất. Thời gian qua nhiều người mua đất tại dự án đã tập trung căng băng rôn đòi quyền lợi không được đảm bảo khi mua sản phẩm của dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa biết khi nào mới có thể nhận được đất mình đã mua bởi chủ đầu tư thừa nhận đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện những thủ tục đầu tư tại dự án này. Để giải quyết vấn đề, chủ đầu tư đã đưa ra phương án thanh lý hợp đồng và trả tiền lãi suất cho các nhà đầu tư chấp nhận thanh lý hợp đồng.
“Đóng 70% tiền mua đất dự án nhưng gần 2 năm vẫn chưa có sổ. Tôi mắc kẹt chưa biết đến khi nào”… anh Tính, NĐT tại Bình Dương.
Tại Bình Dương, anh Tính một nhà đầu tư đến từ Nam Định cũng đang mắc kẹt khi đầu tư vào đất dự án. Anh Tính cho biết giữa năm 2020 được giới thiệu một dự án khu dân cư với mức giá phù hợp với tài chính của mình nên đã quyết định xuống tiền đầu tư.
Anh Tính cho biết khi ký hợp đồng mua bán, anh đã đóng được 70% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, sau quãng thời gian gần 2 năm qua đến nay anh vẫn chưa nhận được sổ đỏ của mảnh đất mình xuống tiền mua. Anh cũng thừa nhận chưa biết đến khi nào mới nhận được bàn giao đất từ chủ đầu tư vì mỗi lần hỏi môi giới về dự án này thì đều được hứa hẹn hết tháng này đến tháng khác.
Sốt ảo và những cái bẫy "chôn tiền"?
Đưa ra những lời cảnh báo cho thị trường BĐS sau tết, các chuyên gia bất động sản (BĐS) cho rằng, năm 2022 nhà đầu tư BĐS cần hết sức thận trọng giữa ranh giới của đầu tư và đầu cơ, đặc biệt là hết sức giảm thiểu việc sử dụng đòn bẩy tài chính, vay ngân hàng để đầu tư BĐS…
Nhận định về thị trường BĐS năm 2022, ông Trần Khánh Quang - chuyên gia BĐS cho rằng, năm 2022 vẫn diễn ra hiện tượng "sốt đất" mang tính cục bộ như năm 2021. Tuy nhiên, trong năm 2022, các nhà đầu tư cần lưu ý ranh giới giữa đỉnh BĐS và "bong bóng" BĐS. Bởi mặc dù Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra các chính sách nhằm "siết" tín dụng BĐS nhưng thực tế thì giá BĐS vẫn không ngừng "leo thang" theo dòng tiền, điều này cho thấy dấu hiệu "bong bóng BĐS" vẫn sẽ hình thành ngay sau đỉnh mỗi đợt dịch COVID -19.
"Nhà đầu tư cần tỉnh táo điều tiết nhịp độ đầu tư của mình để có được vùng an toàn, bởi với tốc độ tăng hiện nay thì ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ BĐS mà tôi nhắc đến có thể hình thành ngay giữa năm 2022", ông Quang nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn tại miền Bắc cũng cho rằng, tiếp đà của "sóng" 2021, sang năm 2022, các dự án đất nền, nhà liền thổ vẫn sẽ tốt. Đất nền vẫn luôn là kênh đầu tư "vua", an toàn, thanh khoản nhanh.
“Tuy nhiên, muốn đầu tư vào đâu tốt nhất phải tìm hiểu, có kiến thức mới đầu tư; đừng thấy chỗ nào ‘sốt’ là ‘nhảy’ vào mua."
“Giống như chứng khoán, BĐS cũng vậy, chỗ nào cứ “sốt” đất, người ta cầm tiền "lướt cọc" thì chỗ đó là chỗ “thoát hàng” chứ không phải để mua” - ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc một sàn giao dịch BĐS.
Chỗ ‘sốt” đất là chỗ ra hàng chứ không phải là chỗ để đi mua hàng; giống như thị trường chứng khoán, khi thị trường hưng phấn là lúc để bán chứ không phải lúc để mua. Bất động sản cũng vậy, chỗ nào cứ “sốt” đất, người ta cầm tiền "lướt cọc" thì chỗ đó là chỗ “thoát hàng” chứ không phải để mua”, ông Hậu lưu ý.
Cùng với đó, theo ông Hậu, đầu tư đất nền năm 2022, nhà đầu tư vẫn luôn cần cảnh giác với những câu chuyện đã từng xảy ra như vụ Alibaba, đất nền phân lô từ đất nông nghiệp... Hiện vẫn có tình trạng bán đất nông nghiệp ra sổ luôn nên những trường hợp mua đất nông nghiệp rất rủi ro; khi không có quy hoạch đất thổ mà mua thì cực kỳ rủi ro cho nhà đầu tư.
“Việc đón "sóng" trong đầu tư BĐS không hề dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công. NĐT cần hết sức cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng”… - ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam
Còn theo nhận định của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam thì, BĐS là một câu chuyện muôn màu muôn vẻ, vì thế việc đón "sóng" không hề dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công. Do đó, để tránh những rủi ro không đáng có, nếu nhà đầu tư mua BĐS để ở, sinh sống thì cần cân nhắc đến hạ tầng và tiện tích xung quanh. Nếu các nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư ngắn hạn thì cũng phải cân nhắc lại phương án kinh doanh cũng như giảm thiểu kỳ vọng vì thị trường bây giờ không phải kiểu "lướt sóng" của nhiều năm trước nữa.
"Nhà đầu tư cần hết sức cẩn thận, kết hợp với giảm thiểu sử dụng đòn bẩy tài chính để vay ngân hàng khi mà thời gian chờ đợi quá lâu thì công việc "lướt sóng" sẽ bị hạn chế bởi vì tiền lãi gia tăng nhưng biên độ lợi nhuận lại không bù đắp được số tiền lãi đó", Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam lưu ý thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |