Sau 18 năm giá nhà quận Hoàn Kiếm tăng hơn 30 lần, trong khi vàng tăng 8 lần
Sau gần 20 năm, giá nhà quận trung tâm tăng tới 33 lần. Để mua được nhà, người lao động TP.HCM phải mất khoảng 30 năm và Hà Nội là 25-28 năm tích lũy.
Cụ thể, Theo thông tin do đại diện của trang chuyên về bất động sản cho thấy giá nhà quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm 2002 bình quân khoảng 11 triệu đồng/m2, đến năm 2020, giá nhà bình quân khu vực này đã lên tới 360 triệu đồng/m2; trong khi đó giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần.
"Giá nhà đã tăng tới 33 lần sau 18 năm. Mức tăng rất lớn" - ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc kênh Bất động sản nhận xét.
Sau 18 năm, giá nhà tại Hà Nội đã tăng tới 33 lần
Trong khoảng thời gian ngắn hơn là 10 năm (từ năm 2010 – 2020), giá nhà tại nhiều khu vực từ mức trung bình giờ đã vượt xa tầm tay của đại đa số người lao động tại Việt Nam, nhất là giá nhà ở thành phố lớn.
“Nếu quan sát đà tăng giá của thị trường trong 1 thập niên qua, cho thấy giá đất chủ yếu theo xu hướng tăng thẳng đứng hoặc đi ngang, không có chuyện giảm” – ông Quốc Anh thông tin.
Trong một thập niên, thị trường thường chia thành nhiều đợt biến động. Giá nhà đất đi ngang vào giai đoạn 2008-2010. Bước sang 2011-2013, giá BĐS xuống dốc không phanh, nhiều nhất là gần 50%, đến thời điểm 2014-2019 thì quay lại xu hướng tăng mạnh từ 50-300%.
Tính đến hiện tại, giá nhà đất ở nơi tăng thấp nhất trung bình cũng gấp 3 lần so với năm 2011.
Trước đó, một nghiên cứu khác của trang chuyên về bất động sản cũng đã chỉ ra, giá nhà tại trung tâm TP.HCM tăng 21 lần chỉ sau 16 năm.
Qua đó, có thể thấy rõ xu hướng này qua việc giá BĐS khu vực quanh TP.HCM và Hà Nội luôn có mức tăng trên 10% trong suốt giai đoạn 2018-2020.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về việc điều chỉnh giá đất ở Hà Nội giai đoạn 2020-2024.
Theo bảng giá này thì quận Hoàn Kiếm có giá đất cao nhất là gần 188 triệu đồng/ m2, thấp nhất là thuộc quận Hà Đông, hơn 4,5 triệu/ m2.
Tuy nhiên, trên thực tế, mức giao dịch mua bán nhà đất ở các quận trung tâm Hà Nội cao hơn gấp cả chục lần, mức phổ biến dao động từ 500-800 triệu/ m2, có nơi “kỷ lục” lên tới hơn 1 tỷ đồng/ m2.
Nhiều tuyến phố có giá đất tới hơn 1 tỷ đồng/1 m2
Theo khảo sát trên một website chuyên về bất động sản, kết quả cho thấy top 5 tuyến phố có giá đất dẫn đầu Thủ đô đều thuộc quận Hoàn Kiếm, đặc biệt là các tuyến phố xung quanh hồ Gươm. Bất động sản ở phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có mức giá trung bình cao nhất, phổ biến ở mức 1,02 tỷ đồng/ m2, tối đa 1,03 tỷ đồng/ m2.
Phố Hàng Đào thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được đánh giá là nơi thuận tiện cho giao thương buôn bán nhiều mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách,... Tuy có giá đất niêm yết khoảng 188 triệu đồng/ m2 nhưng hầu hết các ngôi nhà mặt tiền đều được cho thuê với giá từ 180 triệu – 220 triệu đồng/ tháng, mức giao dịch trên thị trường có giá trên 1 tỷ đồng/ m2.
Tiếp đến là phố Bảo Khánh. Cụ thể, một mét vuông đất trên phố Bảo Khánh hiện có giá gần 1 tỷ đồng.
Nằm nối tiếp phố Bảo Khánh về mức giá cao là phố Hàng Hành. Bất động sản phố Hàng Hành được xếp dưới phố Bảo Khánh nhưng vẫn đạt mức gần 950 triệu đồng/ m2.
Hai phố Bảo Khánh và Hàng Hành được xem là con phố sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội. Nơi đây tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng lớn phục vụ du khách quốc tế. Với mức giá xấp xỉ 1 tỷ đồng/ m2, giá đất ở đây được ví đắt đỏ ngang với những con phố lớn nổi tiếng trên thế giới như New York, Tokyo, Paris.
Phố mặt tiền Đinh Tiên Hoàng gần bờ Hồ Hoàn Kiếm cũng là tuyến phố trung tâm, có giá đất nằm trong top cao của Hà Nội.
Dữ liệu lớn (big data) của trang bất động sản này cho thấy, so với mức thu nhập bình quân của người dân, giá nhà tại Hà Nội và TP.HCM đang quá cao. Với mức giá 2.200-2.400 USD/m2, người lao động TP.HCM phải mất khoảng 30 năm và Hà Nội là 25-28 năm tích lũy mới mua được nhà. Đây là bài toán khó mà các cơ quan chức năng phải có hướng giải quyết.
Để cấp đổi sổ đỏ sang sổ hồng, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải chuẩn bị...
Nguồn: [Link nguồn]