Xuất hiện thông tin quy hoạch Sóc Sơn lên thành phố: Loạt nhà đầu tư “chơi lớn” gom tiền mua đất lô lớn
Thời gian gần đây, Sóc Sơn trở thành một trong những thị trường được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vậy, Sóc Sơn có gì “hot” và thị trường nơi đây được gọi là lên cơn “sốt” hay chưa?
Rẻ nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng đủ lực
8h sáng một ngày cuối tuần, nhóm 6 người chúng tôi hẹn nhau, cùng xuất phát lên Sóc Sơn. Tại Sóc Sơn, có anh Tùng - một người dân địa phương, là người quen trong nhóm, thông thuộc địa bàn hỗ trợ đưa mọi người đi lại.
Anh Tùng cho hay, tuy xa một chút nhưng điều kiện tự nhiên nơi đây tốt hơn hẳn các thị trường ngoại thành Hà Nội khác, hơn nữa giá đất nơi đây còn khá thấp. Từ năm 2020, ăn theo cơn sốt trên cả nước giá đất ở đây có tăng nhẹ, tùy vị trí tăng từ 20-50%.
Giá BĐS tại Sóc Sơn được cho là thấp hơn so với các khu vực ngoại thành khác
“Hiện một lô đất phục vụ nhu cầu đầu tư, xây dựng nhà xưởng, nhà vườn sinh thái, làm homestay ở đây được chính chủ rao bán với giá 4 triệu đồng/m2, tăng khoảng 1 triệu đồng so với thời điểm đầu năm” – anh Tùng nói.
Trên địa bàn huyện, hiện xã Minh Phú, Minh Trí là một trong những điểm nóng được nhiều người quan tâm.
Tại xã Minh Trí, khu vực gần hồ Đồng Đò - đang được giới đầu tư chú ý. Họ săn tìm đất bán lại cho người có nhu cầu đầu tư làm du lịch sinh thái. Cạnh đó là một sân golf khá nổi tiếng cũng tạo thêm sức hút cho bất động sản tại đây.
Gần đây, khi có thông tin TP.Hà Nội dự định đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố, thì Sóc Sơn trở nên sôi động hơn hẳn. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần, lượng xe ô tô đổ về đây tăng lên đột biến.
Cũng theo lời anh Tùng, lượng khách ghi nhận có tăng lên trong thời gian gần đây nhưng không hẳn là sốt, bởi đa số người mua là những người có xu hướng chuyển dịch từ trung tâm ra ngoại ô, lựa chọn cuộc sống khí hậu thiên nhiên trong lành, tốt cho sức khoẻ mà giá cả nhà đất lại rẻ. Đi lại giao thông thuận lợi.
Xuất hiện loạt NĐT gom mua chung
Anh Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch một công ty chuyên về may mặc, cho hay, anh có một nhóm mấy người bạn đầu tư chơi chung tại Hà Nội, từ vài năm nay thường góp vốn cùng nhau mua chung BĐS đất nền.
Sau một thời gian khảo sát Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Sóc Sơn, nhóm anh Hùng quyết định dồn tiền tập trung với đất Sóc Sơn.
Mỗi lô đất được các nhà đầu tư mua chung có diện tích hàng vài nghìn m2
Theo lời anh Hùng, Sóc Sơn cách Hà Nội không quá xa, lại có thiên nhiên ưu đãi như rừng núi, nhiều hồ nước và khí hậu trong lành. Nơi đây cũng có nhiều dự án thể thao văn hoá đang xây dựng, như: sân golf, trường đua ngựa,... Đặc biệt, có khá nhiều các nghệ sỹ, doanh nhân, nhà đầu tư đã lựa chọn Sóc Sơn để làm ngôi nhà thứ 2.
“Chúng tôi bắt đầu đầu tư mua một số lô đất ở Minh Phú từ năm 2020. Nhận thấy nơi đây có rất nhiều khu sinh thái nghỉ dưỡng và Homestay thu hút nhiều khách du lịch về đây nghỉ cuối tuần, nên thay vì lướt sóng chúng tôi sẽ xây dựng 5 khu homestay 3*. Nếu dịch ổn định, đầu năm 2022 dự án sẽ triển khai” anh Hùng chia sẻ.
Theo anh Hùng, với đất ở các huyện ngoại thành đa số là đất vườn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất sử dụng có thời hạn,… Đất ở thường có diện tích rộng hơn, xen lẫn giữa đất ở lâu dài (đất thổ cư) và đất trồng cây lâu năm để người dân vừa ở vừa canh tác sản xuất nông lâm nghiệp trên bản đồ địa chính hay sổ đỏ nó cũng thể hiện chung trong sổ…
Nhà đầu tư cần xác định đầu tư dài hơi
Nói thêm về việc này, anh Hùng cho rằng tất cả loại hình đất mà nhà nước cho phép chuyển nhượng như đất ở, đất vườn, đất công nghiệp dịch vụ... đều có thể đầu tư. “Có điều NĐT cần xác định đầu tư dài hơi, chứ không có chuyện lướt sóng dễ dàng thu lời nhanh được”.
Đặc biệt, anh Hùng cho rằng đặc thù ở Sóc Sơn là các lô đất thường có diện tích lớn hàng nghìn m2 với số tiền khá nhiều nên dù rẻ nhưng không phải ai cũng có thể xuống tiền.
“Vì số tiền đầu tư lớn, nên các NĐT thường cùng mua chung một nhóm 3 – 5 người, hoặc một người có thể mua chung tại nhiều lô khác nhau để số tiền mình đầu tư không đọng vốn tại 1 chỗ”..., anh Hùng lưu ý thêm.
Liên quan thông tin về quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn lên thành phố, các chuyên gia cũng cho rằng chỉ mới là đề xuất, do đó các nhà đầu tư cần cẩn trọng để không tạo ra các cơn "sốt" đất ảo.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định thông tin đề xuất quy hoạch 3 huyện của Hà Nội lên thành phố có những điểm tương đồng với việc TP HCM sáp nhập 3 quận để thành lập TP Thủ Đức.
Theo ông Khương, khi xuất hiện các thông tin về hạ tầng giao thông, xây dựng khu đô thị thì giá đất các khu vực lân cận sẽ có xu hướng tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng nhà đầu tư cần tính toán giá trị tăng đó so với thời gian có đáp ứng được như kỳ vọng hay không. Ngoài ra, khi chưa nắm rõ thông tin về quy hoạch thì nhà đầu tư cần cân nhắc, lưu ý đến vấn đề quản trị rủi ro, thận trọng vấn đề pháp lý.
Trước các thông tin qui hoạch mới tại một số địa phương nào đó, ngay lập tức rất nhiều nhà đầu tư xuất hiện “săn”...
Nguồn: [Link nguồn]