Nhiều BĐS giảm giá 500 triệu đến cả tỷ đồng, người có nhu cầu thật vẫn khó mua
Dù mức giá giảm lên tới cả tỷ đồng, tuy nhiên những người có nhu cầu ở thực vẫn khó mua để hoàn thành giấc mơ an cư tại thủ đô.
Trước áp lực về lãi vay ngân hàng, thời gian qua nhiều chủ nhà tại Hà Nội đã buộc phải rao bán khoản đầu tư của mình với mức giá giảm từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường khó khăn, mức giá giảm trên vẫn chưa thể hấp dẫn người mua.
Theo đó, dù đang có nhu cầu tìm một nơi an cư tại Hà Nội sau nhiều năm thuê trọ, chị Thanh (Long Biên – Hà Nội) cho biết vẫn chưa thể tìm được căn nhà phù hợp với khả năng tài chính dù được giới thiệu nhiều căn nhà với mức giá giảm tới 500 triệu đồng.
Chị cho biết mới đây được các mội giới giới thiệu một loạt căn nhà thổ cư tại Long Biên với mức giảm từ 200 đến 500 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, với mức giá được chủ nhà đưa ra từ 4 đến 7 tỷ đồng hoàn toàn vượt qua khả năng của gia đình chị. Chị Thanh cho biết đang muốn tìm nhà đất với mức giá dưới 2,5 tỷ đồng, có vị trí giao thông thuận lợi và gần chỗ làm.
Anh Hoàn, một môi giới tại Long Biên – Hà Nội cho biết thời gian gần đây nhiều chủ nhà muốn thu hồi vốn nhanh đã rao bán căn nhà của mình với mức giá giảm từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, dù giá giảm như vậy nhưng vẫn vượt quá khả năng tài chính của những người có nhu cầu ở thật thời gian này bởi mức giá phổ biến cho những căn nhà này từ 4,5 đến hơn chục tỷ đồng. Đây được xem là những BĐS dành cho giới nhà giàu.
Phân khúc BĐS dưới 3 tỷ đồng phục vụ nhu cầu ở thực vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người
Trong khi đó những căn nhà trong khu vực được rao bán với mức giá từ 2,3 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng là không nhiều, bên cạnh đó giá rao bán trong phân khúc này cũng không giảm do nhu cầu của người dân vẫn giữ được sự ổn định.
Tương tự, tại khu vực Hà Đông – Hà Nội, nhiều BĐS đang được rao bán với mức giảm từ 100 triệu đến 300 triệu đồng so với đầu năm 2022. Tuy nhiên, những căn nhà này vẫn là niềm ao ước của nhiều người khi giá bán dao động quanh mức 2,3-4,5 tỷ đồng. Với những BĐS có giá dưới 2 tỷ đồng không có nhiều sự lựa chọn và mức giá bán cũng không giảm nhiều.
Anh Thái, chuyên môi giới biệt thự, bất động sản sinh thái ven đô, cho hay thời gian này số lượng biệt thự, các khu vườn sinh thái, nhà vườn rao bán với mức giảm giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng tăng lên khá nhiều. Lý do gia chủ rao bán khá đa dạng nhưng hầu hết vì túi tiền đã xẹp dưới tác động chung của thị trường và khủng hoảng kinh tế.
“Đa phần các tài sản BĐS trên đều có diện tích rộng, vài nghìn m2 cho đến vài ha, hoặc là các biệt thự với giá trị tài chính rất lớn. Những tài sản này thực sự kén khách, việc thanh khoản không dễ dàng”.
Chị Lan Anh - một người đang có nhu cầu tìm mua nhà tại Hà Đông cho biết giá nhà đất nhiều nơi xem qua đã giảm từ 10 đến 30% so với mức đỉnh. Dù đang có nhu cầu mua nhà đất để hiện thực hóa giấc mơ an cư tại Hà Nội nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn cũng khiến giao dịch của chị chưa thể hoàn tất.
Theo chị Dung với những người muốn mua nhà lần đầu như chị đa phần có số vốn khoảng 600 triệu đến 1,5 tỷ đồng, người mua nhà muốn vay ngân hàng khoảng 30 đến 50% giá trị của BĐS nhưng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thời điểm này vẫn khá khó ở nhiều ngân hàng do hạn mức tín dụng bị hạn chế. Bên cạnh đó, điều kiện vay, việc thẩm định cho vay cũng đã thắt chặt hơn rất nhiều so với năm trước.
Ngoài ra, mức lãi suất thả nổi sau ưu đãi đang neo cao quanh mức 12-14%/năm khiến nhiều người lo trở thành “con nợ” của ngân hàng khi ký vay vốn mua nhà thời điểm này.
Để phục hồi thị trường BĐS và giúp người dân có thể hiện thực hóa giấc mơ an cư của mình, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét bổ sung gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng trước đây để gỡ vướng cho thị trường. Về room tín dụng, ông Châu mong muốn Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng chỉ đạo của thống đốc hồi đầu năm là tăng trưởng 14% và trong trường hợp cần thiết sẽ tăng lên.
Nguồn: [Link nguồn]
Với đà tăng mạnh của thị giá cổ phiếu đang nắm giữ thời gian gần đây, khối tài sản của thạc sĩ 41 tuổi này cũng đã vượt mốc 1.200 tỷ đồng.