Bất động sản "đại hạ giá", nhà đầu tư mới bắt tay gom hàng
Thị trường bất động sản hiện đang có xu hướng bán tháo tại một số địa phương. Khi áp lực tài chính ngày càng đè nặng lên các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, giá nhà đất tại một vài thị trường đã giảm sâu.
Chấp nhận bán cắt lỗ
Hồi giữa năm 2021, nhà đầu tư lâu năm Nguyễn Thị Lệ Hằng (trú tại Hà Nội) đã mua vào một mảnh đất biển tại phường Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn, Bình Định) với giá 55 triệu đồng/m2. Tuy nhiên đến nay, chị Hằng đang phải nhờ nhiều môi giới nơi này bán ra với giá chỉ 45 triệu đồng/m2.
Cũng tại Quy Nhơn, chị Hằng còn 4 mảnh đất nằm ở vị trí đẹp hơn, mua cùng thời điểm năm 2021 với giá là 40 triệu đồng/m2, hiện tại đang phải rao bán với giá 30 triệu đồng/m2.
Chị Hằng chia sẻ, vì thua lỗ chứng khoán và kinh doanh không thuận lợi nên càng về cuối năm thì càng chịu áp lực lớn về dòng tiền, buộc phải bán cắt lỗ.
Trên thị trường đất nền Quy Nhơn (Bình Định), động thái cắt lỗ không còn là hiện tượng nhỏ lẻ mà đã trở thành làn sóng. Tại dự án Nhơn Hội New City, không ít nhà đầu tư mua đất nền dự án với giá từ 1,5 - 1,6 tỷ đồng vào năm 2020, đến nay bán ra đúng bằng giá mua vào, thậm chí là chấp nhận chịu lỗ. Vậy nhưng vẫn không có người mua.
Tại khu vực ven biển Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), hiện tượng giảm giá loại hình đất nền cũng diễn ra khá mạnh. Đất đường 14/8 trước đó có giá 30 - 35 triệu đồng/m2, bây giờ được giảm xuống dưới 30 triệu đồng/m2.
Sau khi “cầm cự” trong thời gian dài, nhiều nhà đầu tư “ôm” đất nền ven biển buộc phải bán cắt lỗ sâu hơn nữa so với giai đoạn còn “cố thủ” giữ giá, chờ tin thị trường tích cực lên. Anh Viết Trung - môi giới đất nền Quy Nhơn (Bình Định) cho hay, thực tế thị trường đang có một số biến chuyển tích cực như Ngân hàng nới room tín dụng, tuy nhiên việc cho vay lại chưa ưu ái đối với lĩnh vực bất động sản.
Hiện đã có một số nhà đầu tư chi tiền để gom đất tại nhiều thị trường tỉnh lẻ
Càng sát Tết Nguyên đán 2023, áp lực về dòng tiền của nhiều nhà đầu tư càng lớn vì có rất nhiều người là chủ doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở kinh doanh riêng. Bởi vậy mà họ buộc phải cắt lỗ sâu và kỳ vọng sớm có thể thoát hàng, thu hồi nguồn vốn còn lại.
Nhà đầu tư bắt đầu gom hàng
Chị Hường – một môi giới tại Bình Định cho biết, khoảng một tuần trước, một nhóm các nhà đầu tư đến từ Hà Nội bay vào Quy Nhơn để đi xem một vài mảnh đất cắt lỗ sâu 40%.
“Khả năng cao là họ chốt mua vài lô vì việc đàm phán đã xong. Nhóm nhà đầu tư này hứa sẽ chuyển cọc trước Tết nguyên đán cho chủ đất. Hiện tại tâm trạng tôi khá phấn chấn. Các thương vụ này thành công là cái Tết ấm no” – Chị Hải nhìn nhận.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàn, một nhà đầu tư đến từ Quảng Ninh vừa gom hàng đất ven biển giảm giá tại Khánh Hòa và Phú Yên, cho biết thời điểm này đi săn là khá thích hợp vì Tết đang đến gần, nhiều người áp lực dòng tiền cuối năm nên phải cắt lỗ để thu lại vốn.
“Cuối năm cũng là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư muốn thu hồi dòng tiền từ các lĩnh vực họ đang làm, họ sẵn sàng đổ số tiền này vào việc săn tìm bất động sản có mức giá hời” - Anh Hoàn nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Lê Văn Biên, một nhà đầu tư đến từ TP.HCM cho biết, trong dịp này đã đi rút số tiền khoảng 20 tỷ để gom một số lô đất ở những khu vực nóng sốt trước đây, giờ bán với giá thấp như ở Nhơn Trạch, Long Thanh, Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai).
Ông này đã đặt cọc được khoảng 4 lô đất tại các khu vực này và dự định sẽ gom một số lô đất vùng ven biển ở Bà Rịa – Vũng Tàu sau dịp Tết. “Chắc chắn sau dịp Tết nguyên đán giá đất sẽ tiếp tục “lao dốc” nên đây là thời điểm hợp lý để mua vào chờ thời cơ mới”, ông Biên nói.
Tại khu vực Quảng Bình, nhà đầu tư Nguyễn Văn Hữu cho biết, giá đất tại các điểm nóng cũng đã giảm khá sâu, một số nơi đã về mức giá thấp hơn so với thời điểm trước năm 2018, nên nhà đầu tư này cũng đã bắt đầu đi gom đất.
“Tôi đã chi khoảng hơn 5 tỷ đồng để mua lại một số mảnh đất của các nhà đầu tư bán cắt lỗ khu vực xung quanh TP. Đồng Hới, sắp tới tôi sẽ tiếp tục chi thêm tiền để mua lại một số mảnh đất được cho là phù hợp với xu thế phát triển, nhất là đất khu vực ven biển”, nhà đầu tư này nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãi suất tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư còng lưng gánh lãi vay ngân hàng vì sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư thời điểm giá đất cao ngất ngưởng.