Nguồn cung mới khan hiếm, phân khúc bất động sản này được săn lùng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trong 3 tháng đầu năm, tại các thành phố lớn ghi nhận nguồn cung căn hộ mới sụt giảm từ 25 – 27% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhu cầu ở thực không ngừng tăng khiến nhiều người chuyển hướng săn lùng căn hộ cũ.

Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 30 triệu đồng, vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn (tỉnh Hải Dương) hơn một năm nay vẫn đang chật vật tìm mua căn hộ. Năm ngoái, khi tham khảo một số chung cư tầm trung mới xây trên địa bàn quận Thanh Xuân, anh Tuấn được biết giá bán đều đã 40 triệu đồng/m2. Một căn hộ chỉ 87m2 đã xấp xỉ 3,5 tỷ đồng, mức giá này vượt quá khả năng chi trả của gia đình anh. 

Căn hộ chung cư mới khan hiếm, tăng giá khiến nhiều người có nhu cầu mua chật vật tìm kiếm

Căn hộ chung cư mới khan hiếm, tăng giá khiến nhiều người có nhu cầu mua chật vật tìm kiếm

Theo anh Tuấn, 2 năm qua, giá chung cư mới tại các quận trên địa bàn quận nội thành và cả các quận vùng ven liên tục tăng cao. Thậm chí, giá chung cư mới trên một số điểm thuận tiện giao thông trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, đã vượt mức 40 triệu đồng/m2. 

Với mức thu nhập trung bình ở ngưỡng 30 triệu như gia đình anh Tuấn Anh, có thể nói để mua được căn hộ chung cư mới trên địa bàn các quận nội thành vào thời điểm này thật không dễ. Do đó, phương án mua căn hộ chung cư cũ đã được anh Tuấn Anh và vợ tính đến. 

“Tầm hơn 2 tỷ đồng, tôi có thể mua căn hộ 70m2 ở một chung cư cũ tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa. Chung cư này tuy cũ nhưng đã có sổ hồng và các dịch vụ như trường, chợ, giao thông khá tiện. Vì khả năng tài chính có hạn nên tôi thấy đây là lựa chọn phù hợp trong thời buổi giá nhà leo thang như hiện nay”, anh Tuấn Anh nói. 

Tương tự, vợ chồng anh Trường vừa ký hợp đồng mua một căn hộ tái định cư 64 m2 trên địa bàn quận Cầu Giấy với giá 2,1 tỷ đồng. 

Theo anh Trường, chung cư này đã đưa vào sử dụng được 12 năm, phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị giải toả. Lúc mới xây, các căn hộ tại đây chỉ có giá 800 triệu đồng. Nay, khi nhu cầu về nhà ở tăng cao, những căn chung cư cũ 2 phòng ngủ, vị trí thuận tiện như nhà anh Trường liên tục tăng giá.

“Tuy cũ nhưng chung cư này có vị trí khá thuận lợi, gần trung tâm và đã có sổ hồng. Sống trong các chung cư cũ thì phải chịu cảnh cơ sở vật chất xuống cấp một chút, mọi thứ không được như ý nhưng với mức tiền này thì hiện tại rất khó để mua được căn hộ mới ở cùng khu vực”, anh Trường phân tích. 

Nhiều người chuyển hướng tìm mua căn hộ tái định cư và tập thể cũ 

Nhiều người chuyển hướng tìm mua căn hộ tái định cư và tập thể cũ 

Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm, cả Hà Nội và TP.HCM đều ghi nhận nguồn cung căn hộ mới sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, báo cáo thị trường bất động quý I/2023 của Savills Việt Nam cho thấy nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM là 1.610 căn, giảm -25% theo năm trong khi con số này ở Hà Nội là 2.040 căn, giảm -27% theo năm.

Báo cáo phân tích do các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn, trong khi lạm phát và lãi suất cao dẫn đến tình hình hoạt động bị ảnh hưởng.

Riêng tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới giảm -14%/năm trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022 với giá bán trung bình tăng 13%/năm. Hiện nay, giá căn hộ sơ cấp tại Hà Nội đang cao hơn 48% so với các sản phẩm thứ cấp. Điều này đã thúc đẩy thị trường thứ cấp hoạt động sôi động hơn.

Ngoài ra, nguồn cung thứ cấp trên thị trường cũng có xu hướng tăng nhẹ do một nhóm nhà đầu tư cá nhân gặp khó khăn với bài toán cân đối dòng tiền trong bối cảnh lãi suất tăng, buộc phải bán ra.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định nguồn cung bất động sản nói chung, trong đó có loại hình căn hộ chung cư sẽ khó có đột phá. Căn hộ chung cư từ phân khúc bình dân đến trung, cao cấp sẽ tiếp tục khan hàng dẫn đến giá bán khó giảm, thậm chí sẽ tăng; đồng thời, các giao dịch hướng đến nhu cầu ở thực sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường nói chung sẽ khó cao vì nguồn cung hạn hẹp, siết tín dụng, lãi suất ngân hàng vẫn cao.

Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá thị trường căn hộ hiện nay có điểm đặc biệt là hầu như không có nguồn cung sơ cấp, đồng nghĩa với việc không có nguồn cung nhà ở mới cho người mua nhà với nhu cầu ở thực. Điều này buộc họ phải tìm đến nguồn cung từ thị trường thứ cấp. Từ đầu năm đến nay, thị trường căn hộ thứ cấp đang nóng lên cả ở TP.HCM và Hà Nội.

“Chúng tôi đang chứng kiến một số đợt tăng giá thứ cấp trên khắp TP.HCM, lên đến hơn 5%, đặc biệt là các quận như Tân Bình, quận 11. Trong khi đó, giá căn hộ thứ cấp tại 9 quận còn lại có xu hướng giảm”, ông Troy Griffiths nói thêm.

Ông Troy Griffiths cũng chỉ ra một điểm đáng chú ý về thị trường thứ cấp là yếu tố pháp lý chắc chắn của các sản phẩm. Đa số các dự án đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Trong khi ở thị trường sơ cấp, chúng ta thấy khá nhiều dự án đang gặp trở ngại xung quanh vấn đề này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Savills ở khía cạnh khác, thị trường thứ cấp cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.

“Với mức lãi suất vay ngân hàng lên đến 14-15%, đây là mức khá cao khiến người mua nhà buộc phải cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nếu lãi suất có thể quay trở lại như giai đoạn trước COVID-19 khoảng 10-12% thì thị trường này sẽ bắt đầu hấp dẫn hơn và tăng tính thanh khoản”, vị chuyên gia phân tích.

Bất ngờ: Trợ lý giám đốc chỉ tiêu 200 nghìn mỗi tuần, phụ vợ bán hàng mỗi ngày

Ông chồng “quốc dân” khiến nhiều người trầm trồ không chỉ tiêu 200 nghìn mỗi tuần, mà còn phụ vợ bán hàng mỗi khi rảnh rỗi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN