Lưu bài Bỏ lưu bài

Người mua nhà quay cuồng vì lãi suất liên tục tăng, chuyên gia hiến kế hỗ trợ

Theo kiến nghị của các chuyên gia, Chính phủ cần có những giải pháp khẩn trương, kịp thời để giải quyết 4 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý, vốn, quan hệ cung cầu và quy hoạch...

Nỗi “ám ảnh” nhà riêng

Anh Nguyễn Văn Trường (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh mua căn hộ chung cư 70m2 với giá gần 2,8 tỉ đồng. Để đủ tiền mua, anh Trường vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng với thời hạn 15 năm.

Cuối năm 2022, mỗi tháng anh phả trả khoản gốc và lãi tổng cộng 5,9 triệu đồng. Nhưng bắt đầu từ tháng 1/2023, ngân hàng gửi thông báo lãi suất tăng lên 13,5%/năm, theo đó, số tiền thanh toán vào kỳ này tổng cộng gần 7,5 triệu đồng.

"Lãi suất tăng quá nhanh, tôi không biết có thể xoay sở nữa hay không", anh Trường nói.

Nhu cầu tìm một nơi an cư tại thủ đô luôn hiện hữu với nhiều gia đình

Nhu cầu tìm một nơi an cư tại thủ đô luôn hiện hữu với nhiều gia đình

Thu nhập của vợ chồng anh Tân trung bình 20 - 25 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền học của con đã hơn 5 triệu đồng. "Nghĩ đến lãi ngân hàng là tôi lo ngay ngáy. Tháng nào cũng phải cân đong đo đếm mới đủ chi tiêu", anh Trường kể.

"Lãi suất tăng quá nhanh, tôi không biết có thể xoay sở nữa hay không", Nguyễn Văn Trường (Hà Nội).

Cũng là người ngoại tỉnh lập nghiệp tại Hà Nội, vợ chồng anh Minh (quê Bắc Giang cho hay), hai vợ chồng lập nghiệp tại Hà Nội đã hơn 5 năm và luôn mong ước sớm được sở hữu nhà riêng.

Tuy nhiên, với công việc của nhân viên văn phòng, tổng thu nhập hai vợ chồng chỉ trên dưới 20 triệu đồng/tháng nên việc mua một căn nhà ở xã hội vẫn luôn là điều mơ ước của anh chị.

Thời điểm trước Tết, vợ chồng anh Minh đang “ngắm” một căn hộ có giá hơn 1,2 tỷ đồng tại một dự án nhà ở xã hội ở Bắc Từ Liêm. Vợ chồng anh hy vọng, ngoài 500 triệu tiền tiết kiệm, thời gian tới vợ chồng anh sẽ được hỗ trợ chấp nhận làm thủ tục tiếp cận vốn vay ưu đãi số tiền còn lại.

“Với Ngân hàng Chính sách, phải có tiền gửi trước 6 tháng, chứng minh thu nhập, hộ khẩu thường trú ổn định. Ngân hàng thương mại thì điều kiện “dễ thở” hơn, nhưng lãi suất lại quá cao. Tôi hy vọng hai vợ chồng sẽ được xét duyệt, hỗ trợ đủ điều kiện được vay ưu đãi để những vợ chồng trẻ như chúng tôi có chỗ an cư”, anh Minh chia sẻ.

Người mua nhà quay cuồng vì lãi suất liên tục tăng, chuyên gia hiến kế hỗ trợ - 2

Nhiều người dành thời vài tháng tới vài năm để tìm được nơi an cư phù hợp

Chị Lan (nhân viên văn phòng) cho biết sau nhiều năm tích góp, gia đình chị đang có số tiền 1,8 tỷ đồng với số tiền này, anh chị tính sẽ mua căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích khoảng 60 m2 ở khu vực quận Đống Đa để thuận tiện cho việc đi lại.

Tuy nhiên, suốt từ tháng 9/2022 đến nay, gia đình chị vẫn chưa thể tìm được căn hộ trong tầm giá 30 triệu đồng/mét vuông. “Tầm này ở nội thành Hà Nội tìm đâu ra chung cư mới giá 30 triệu đồng/m2”, là câu trả lời mà vợ chồng chị thường xuyên nhận được khi tham khảo tư vấn của môi giới trong quá trình tìm nhà.

Ngán ngẩm với chung cư mới, chị Lan tìm đến các căn hộ cũ với hy vọng mức giá sẽ giảm xuống. Thực tế, mức giá cũng không hề rẻ hơn trong khi chất lượng nhiều khu tập thể đã xuống cấp trầm trọng.

Khó khăn trong việc mua nhà, hiện tại chị cùng gia đình vẫn đi thuê nhà và công cuộc tìm mua căn hộ giá 30 triệu đồng/m2 vẫn tiếp tục diễn ra mà không biết bao giờ sẽ kết thúc.

Chị Lan không phải người dân duy nhất gặp khó khăn khi tìm mua căn hộ chung cư mới trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và điều kiện xem xét vay vốn ngày càng được các ngân hàng siết chặt. Điều này xuất phát từ việc nguồn cung nhà ở giá bình dân tại Thủ đô ngày càng hạn chế, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho BĐS đã bị hạn chế nhiều kể từ nửa sau năm 2022.

Góp ý về câu chuyện hỗ trợ tín dụng cho ngành bất động sản, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ CLB bất động sản Hà Nội cho biết, lãi suất tăng cao trong thời gian qua đã tác động tới tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Khi người mua phải cân nhắc tới vấn đề thu chi và không xuống tiền mua. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi khó khăn ở kênh trái phiếu và không tiếp cận được tín dụng vì lãi suất.

Khó khăn về tín dụng khiến nhiều gia đình gặp khó khi muốn tìm mua BĐS thời điểm hiện nay

Khó khăn về tín dụng khiến nhiều gia đình gặp khó khi muốn tìm mua BĐS thời điểm hiện nay

“Người mua nhà họ đều có một khoản tiền nhất định, còn lại sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cao khiến người mua không dám vay mua. Do đó, sức mua sụt giảm nghiêm trọng kéo theo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về dòng tiền”, ông Điệp nói.

“Người mua nhà họ đều có một khoản tiền nhất định, còn lại sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cao khiến người mua không dám vay mua” - ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ CLB bất động sản Hà Nội.

Tương tự, trong LandShow số 22 của VTV Money, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất tăng khiến chi phí vốn tăng và có thể sẽ làm tăng giá nhà. Nhưng đồng thời cũng làm giảm khả năng mua nhà của người dân.

Để hỗ trợ người mua nhà, ông cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải có gói hỗ trợ như trước đây là gói 30.000 tỉ đồng và trong bối cảnh hiện nay thì quy mô gói hỗ trợ lên tới 50.000 tỉ đồng với lãi suất đâu đó khoảng 6% để giúp người có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở

Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, chương trình cho vay của các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay phần nào đã lỗi thời và cần một sự cải tổ. Đơn cử, ngân hàng có các gói vay 10 năm, 20 năm, 30 năm nhưng lãi suất lại áp dụng lãi suất thả nổi. Do đó, nếu lãi suất tăng lên thì họ phải chịu một khoản chi phí tài chính cao hơn. Nhìn sang Mỹ, người đi mua nhà có thể trả một mức lãi suất cố định cho 30 năm và thậm chí còn lâu hơn.

Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất

Để hỗ trợ người dân có nhu cầu mua nhà để “an cư, lạc nghiệp”, những doanh nghiệp BĐS xây dựng các dự án phục vụ nhu cầu ở thực, trong Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản diễn tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước hôm 8/2 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: “Ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng”.

Để hỗ trợ lĩnh vực BĐS, nhiều ngân hàng cho biết đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Để hỗ trợ lĩnh vực BĐS, nhiều ngân hàng cho biết đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay

Trước đó, vấn đề về lãi suất tăng cao đã tác động mạnh đến tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Do đó, thông tin về việc hạ lãi suất ngay lập tức nhận được sự chú ý của các nhóm đối tượng trên thị trường.

“Các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng” - Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank.

Động thái giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản kích hoạt thanh khoản trở lại. Anh Trường hy vọng trong thời gian tới lãi suất của khoản vay của mình sẽ được các ngân hàng điều chỉnh giảm xuống để có thể “dễ thở” hơn trong việc trả gốc và lãi. Trong khi đó, vợ chồng anh Minh cũng mong rằng lãi suất cho vay mới với người mua nhà sẽ xuống thấp hơn khoảng 10% đến 11%/năm để có thể sớm mua được nhà ổn định chỗ ở.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng bất động sản. Ảnh: NHNN.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng bất động sản. Ảnh: NHNN.

Cũng tại Hội nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa nói và cũng chưa bao giờ có văn bản nào chỉ đạo việc siết tín dụng vào bất động sản. Quan điểm chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng vào những lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào.

Nhưng... thị trường bất động sản vẫn “khát vốn”

Dù phía Ngân hàng Nhà nước và hệ thống Ngân hàng liên tục khẳng định không siết tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) thực tế hiện nay, thị trường bất động sản gần như không tiếp cận được nguồn vốn để phát triển. Thực trạng không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đang khiến cho các dự án đang triển khai buộc phải dừng, giãn, hoãn vì không có vốn thanh toán cho nhà thầu, trả lương cho công nhân.

Nhiều người hy vọng sớm tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, đất

Nhiều người hy vọng sớm tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, đất

"Cần kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường BĐS, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực" - TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, việc thực thi chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn lạm phát cao, kinh tế thế giới nhiều bất ổn là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, nếu việc kìm nén hoạt động sản xuất, phát triển quá lâu sẽ khiến “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp suy yếu, không thể vực dậy nổi. Doanh nghiệp và người lao động sẽ lâm vào cảnh “lầm than, đói kém".

Để thị trường bất động sản không đổ vỡ, Chủ tịch VARS khiến nghị: Ngân hàng Nhà nước nên nhanh chóng mở room tín dụng, bơm vốn cho nền kinh tế. Trong đó có hoạt động phát triển và kinh doanh bất động sản để các dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường. Tuy nhiên, cần kiểm soát tốt dòng tiền bơm vào thị trường, hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, Ngân hàng Nhà nước nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoãn nợ các khoản vay đến hạn như thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát. Trường hợp các doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn bị nhảy sang nhóm nợ xấu hơn thì khôi phục lại, để doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay tín dụng mới, vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Lưu thông tiền tệ có ý nghĩa quan trọng với lĩnh vực BĐS

Lưu thông tiền tệ có ý nghĩa quan trọng với lĩnh vực BĐS

Đồng thời, không nên áp dụng mức lãi suất mới cho các khoản vay cũ, thậm chí hỗ trợ không tính lãi, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án nhà ở nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp. Đương nhiên để thực hiện được, phải cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ bù.

Các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hạn rất cần ngân hàng hỗ trợ như bảo lãnh hay mua lại trái phiếu phát hành...

Doanh nghiệp BĐS cơ cấu lại các khoản đầu tư để vượt khó

Trước những khó khăn về nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS được đề cập trong thời gian qua Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Chỉ trong 4 ngày, Thủ tướng đã có 4 công điện giải quyết 4 vấn đề nóng của nền kinh tế từ cung ứng vốn, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản cho tới thị trường lao động.

"Doanh nghiệp BĐS tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Trong hội nghị ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng nhấn mạnh giải pháp doanh nghiệp cần làm hiện nay là cơ cấu lại sản phẩm, rà soát các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi. "Tránh tình trạng nguồn lực chỉ có một nhưng thực hiện đến 5-7 dự án, vượt quá khả năng và dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án", ông Sinh dẫn thực trạng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh giải pháp doanh nghiệp cần làm hiện nay là cơ cấu lại sản phẩm - Ảnh: NHNN.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh giải pháp doanh nghiệp cần làm hiện nay là cơ cấu lại sản phẩm - Ảnh: NHNN.

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.

Chia sẻ với báo chí sau khi tham dự cuộc họp của NHNN mới đây, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cũng cho rằng tín dụng bất động sản là vấn đề cấp thiết, cần phải được tháo gỡ. Ông Châu hy vọng sau cuộc họp này sẽ có những giải pháp hiệu quả ngay, tránh tình trạng doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, khó khăn phải giải thể hàng loạt.

“Bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu” - Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV- tiền tệ Quốc gia.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng khẳng định Chính phủ cần có những giải pháp khẩn trương, kịp thời để giải quyết 4 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý, vốn, quan hệ cung cầu và quy hoạch.

Ông Lực cho rằng, vấn đề quan trọng cần phải tháo gỡ được pháp lý cho các dự án, từ đó mới có thể tăng nguồn cung. Về vốn cho bất động sản, ông Lực cho biết tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 vẫn ở mức 25%. Như vậy, tín dụng không ách tắc nhưng cần đồng bộ bởi vì nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, từ trái phiếu cũng đứt gãy dẫn đến doanh nghiệp khó khăn.

“Theo tôi, NHNN nên chủ động cấp hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm. Chậm nhất là trong tháng 2 này. Quan trọng hơn, cần tháo điểm nghẽn trái phiếu với Nghị định 65 để doanh nghiệp có sức khỏe tốt vẫn có thể phát hành trái phiếu. Cùng với đó, tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần sớm báo cáo về tình trạng thực tại, có giải pháp kịp thời”, ông Lực nhấn mạnh.

Ông Lực lưu ý, bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần có những giải pháp quyết liệt trong tái cơ cấu, có phương án thanh toán trái phiếu đến hạn, chủ động đàm phán với trái chủ để giãn nợ, thậm chí hoãn đổi trái phiếu sang bất động sản.

Người mua nhà quay cuồng vì lãi suất liên tục tăng, chuyên gia hiến kế hỗ trợ - 9

Hồng Hương – Trung Kiên

Thứ Hai, ngày 13/02/2023 05:00 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])