Nghịch lý tiền mặt dư thừa, vàng lặng sóng giao dịch BĐS vẫn ảm đạm
Trong khi thị trường vàng lặng sóng, tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp đang ùn ùn đổ vào ngân hàng dù lãi suất huy động rất thấp thì thị trường giao dịch BĐS vẫn rất trầm lắng. Nhiều chủ nhà đã chấp nhận giảm giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để có thể tìm được khách mua trong thời gian này.
Cùng với vàng và chứng khoán, bất động sản là một trong những kênh được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, bên cạnh nhu cầu ở thực thì BĐS ở hai thành phố lớn của cả nước còn là một kênh đầu tư sinh lời lớn với nhiều nhà đầu tư.
Không khó để tìm được những tin rao bán BĐS ở thời điểm này
Tuy nhiên, dịch Covid-19 kể từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến các giao dịch trong lĩnh vực BĐS. Nhiều phân khúc BĐS thậm chí các giao dịch đã “đóng băng” khi lượng tin rao bán rất nhiều nhưng các giao dịch thực tế rất ít, dòng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn đang ùn ùn đổ vào ngân hàng, dù lãi suất huy động của nhiều nhà băng đã giảm sâu. Theo tìm hiểu của phóng viên, lãi suất kỳ hạn 12, 13 tháng chỉ còn từ 5 đến 6,7%/năm, thậm chí lãi suất kỳ hạn 1 tháng nhiều ngân hàng huy động chỉ từ 2,7 đến 3%/năm.
Việc dòng tiền không còn đổ mạnh vào BĐS đã khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt. Tại một dự án căn hộ cao cấp trên đường Tố Hữu, một nhà đầu tư tên Hưng cho biết, căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 88m2 tầng trung có giá 3,3 - 3,85 tỷ đồng/căn (tương đương với mức giá từ 37 - 43,7 triệu/m2), nội thất liền tường, trừ khu bếp.
Tuy nhiên, sau một hồi trao đổi, anh Hưng đồng ý giảm tới 5% giá bán căn hộ của mình, tức giảm tới 165 - 192 triệu đồng/căn nếu người mua đồng ý chốt hợp đồng ngay. Nhà đầu tư này cho biết nếu tình hình kinh tế ổn định như mọi năm thì không bao giờ giảm giá bán bởi đây là một dự án có vị trí đắc địa, nhưng những tác động của dịch Covid-19 đã khiến cho việc quay vòng nguồn vốn gặp khó nên đành chấp nhận giảm giá bán để đẩy hàng. Theo anh thì thời gian này những nhà đầu tư bằng tiền đi vay lãi thực sự khó khăn.
Không chỉ anh Hưng chấp nhận giảm giá bán để đẩy hàng, trên nhiều trang rao bán về BĐS, nhiều chủ nhà và đơn vị phân phối thậm chí còn chấp nhận giảm thêm tới 500 triệu đồng và có thể tiếp tục thương lượng để có thể tìm được người mua ở thời điểm hiện tại.
Anh Trang, một môi giới BĐS khu vực Ba Đình cũng chia sẻ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các giao dịch khá trầm lắng. Những giao dịch mà bên anh thực hiện thời gian qua chủ yếu là những người mua có nhu cầu ở thực, muốn tìm mua một căn hộ khu vực trung tâm để tiện cho công việc và học hành của con cái. Trong khi đó, giao dịch với những nhà đầu tư mua để cho thuê lại thì ít hơn trước do thời gian qua nhiều đơn vị kinh doanh, cửa hàng gặp khó khăn đã phải đóng cửa và trả mặt bằng.
Chủ ngôi nhà này thậm chí đã giảm 500 triệu đồng để tìm khách mua - Ảnh Chụp màn hình
Anh Lê Văn Thông, giám đốc một sàn giao dịch BĐS với hơn 200 nhân sự tại TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận nhu cầu tìm mua nhà ở của người dân và các nhà đầu tư từ đầu năm 2020 đến nay giảm mạnh so với năm 2019. Anh Thông thậm chí nhận định, thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 đến 2022 có thể sẽ tiếp tục giảm so với giai đoạn 2018, 2019. Và phải đến tầm năm 2023 hoặc 2024 trở đi thì thị trường mới bắt đầu nhộn nhịp trở lại như trước đây.
Lý giải về điều này, anh Thông cho rằng khác với những kênh đầu tư khác như chứng khoán hay vàng chỉ cần vài chục triệu đến trăm triệu đồng là các nhà đầu tư có thể tham gia, BĐS là một tài sản lớn với nhiều người, để mua được một căn hộ chung cư tầm trung, thì số tiền người mua phải bỏ ra ít nhất cũng từ 1 tỷ đồng trở lên. Dù nhận được ưu đãi về lãi suất ngân hàng thời điểm này nhưng những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều người tạm dừng kế hoạch tìm cho mình một nơi an cư bởi lo sợ gặp khó khăn về tài chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư thì e ngại về khả năng xoay vòng nguồn vốn.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định cùng với hàng không, du lịch thì BĐS là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo ông Hiếu mỗi mảng BĐS khác nhau sẽ bị ảnh hưởng mức độ nhiều hay ít nhưng nặng nhất vẫn là BĐS du lịch, thương mại, mặt bằng cho thuê và BĐS khu công nghiệp. Bởi khi dịch Covid-19 tái bùng phát, các nhà đầu tư nước ngoài không còn ào ạt đổ tiền đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam khiến cho những nhà đầu tư BĐS vào loại hình khu công nghiệp này đối mặt nhiều rủi ro.
Trong bức tranh khá u ám của thị trường BĐS hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng với những nhà đầu tư hướng đến phân khúc mua nhà ở có thể cho thuê lại và những người có thu nhập thấp thì vẫn có thể tính đến chuyện đầu tư.
Những vị đại gia này nhờ kinh doanh xăng dầu mà trở nên giàu có, đã và đang gây xôn xao dư luận do vướng phải vòng lao...
Nguồn: [Link nguồn]