Nghe môi giới đổ tiền tỷ đầu tư condotel, giờ méo mặt ôm trái đắng
Đầu tư vào căn hộ condotel, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào các mức lợi nhuận cam kết từ 10-12%/năm mà nhiều môi giới chào hàng. Tuy nhiên giờ đây cam kết vỡ, người mua condotel đành ôm trái đắng.
Chưa bao giờ ông Thắng lại tưởng tượng được căn hộ một phòng ngủ đầy đủ nội thất, từ điều hoà, bếp, máy giặt, máy sấy đến bàn ghế, giường tủ… nằm ngay tại tuyến đường trung tâm của Nha Trang, có view nhìn ra biển của mình lại cho thuê được vỏn vẹn 3,5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ đi phí dịch vụ, ông chỉ nhận về có 3 triệu. “Mỗi căn hộ của tôi đầu tư tới mấy trăm triệu, nội thất cao cấp để phục vụ làm homestay cho gia đình, thế mà giờ giá thuê không bằng phòng trọ cho sinh viên".
Năm 2018, theo chân bạn vào thành phố biển Nha Trang, ông bỏ ra hơn chục tỷ mua liền 6 căn hộ tại toà nhà vị trí ngay sát biển. Thời điểm đó, giá cho thuê mỗi căn đều trên dưới 12 triệu/tháng. Ông thậm chí còn tính dọn về Nha Trang để tự kinh doanh homestay do thấy nhu cầu của du khách quá cao.
Dịch Covid-19 đến, ông cũng ngậm ngùi chấp nhận bỏ không vì đó là tình cảnh chung. Tuy nhiên, sau dịch, trong khi nhiều thành phố du lịch khác tấp nập trở lại thì Nha Trang vẫn vắng vẻ.
Chị Hương, từng có thời gian đứng ra thuê lại hàng chục căn condotel để kinh doanh lưu trú với đầy đủ nhân viên lễ tân, dọn phòng, sửa chữa. Tuy nhiên, hiện giờ văn phòng của chị đã phải đóng cửa.
“Trước kia khách du lịch nước ngoài tới Nha Trang chủ yếu là từ Nga và Trung Quốc, giờ cả 2 nhóm khách này đều rất ít. Các khách sạn 4, 5 sao ở đây cũng chỉ cho thuê 5-700 ngàn/đêm gồm cả ăn sáng mà vẫn trống phòng thì làm sao kinh doanh homestay chúng tôi trụ được.”
Căn hộ 1 phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi nằm sát biển cho thuê 3,5 triệu/tháng
Khi thị trường condotel sôi động, nhiều chủ đầu tư đã cam kết lợi nhuận tới 10-15%/năm, mức được nhiều chuyên gia thời điểm đó nhận định là không ai trên thế giới dám đưa ra. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, nhiều nhà đầu tư không lỗ đã là may mắn.
Giai đoạn khó khăn này cũng bộc lộ rõ những nhược điểm của mô hình bất động sản du lịch khi chưa có khung pháp lý cụ thể. Ví dụ giờ đây, khi dịch vụ toà nhà xuống cấp, các nhà đầu tư cũng không biết kêu ai, họ cũng không thể thành lập ban quản trị như ở chung cư để bảo vệ quyền lợi cho mình.
“Khách vắng, dịch vụ xuống cấp, tôi bán căn hộ đi là lỗ 300-400 triệu. Cho thuê thì không bõ nên cũng chỉ biết đóng cửa để đấy hoặc mời anh em bạn bè vào ở miễn phí.” ông Thắng cho biết
Báo cáo quý III của DKRA đều ghi nhận sức cầu đối với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các vùng phụ cận vẫn ở mức thấp. Việc tăng cường kiểm soát tín dụng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, hầu hết các dự án có tình trạng bán hàng chậm, nhiều dự án đóng giỏ hàng.
Trong khi đó, theo ông Mauro Gasparotti Giám đốc Tư vấn Khách sạn, Savills Châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á, “ước tính trong ba năm tới, nguồn cung tại các điểm đến du lịch trọng điểm sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không tăng theo kịp thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công suất phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước”
Khu đất 152 Trần Phú có 3 mặt tiền, rộng hơn 30.000m2 được định giá lên tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) chỉ thu về được hơn 370 tỷ...
Nguồn: [Link nguồn]