Nghe bạn thân, đầu tư đất nền đón “sóng” quy hoạch ai ngờ ôm “trái đắng”

Trước hàng loạt thông tin quy hoạch mới, BĐS khu đô thị Mê Linh (Hà Nội) năm 2010 sốt rần rần, chị Phạm Minh Thu đã giấu chồng đầu tư lô đất 112m2 để rồi ôm “trái đắng”.

Chị Phạm Minh Thu (Minh Khai, Hà Nội) cho biết, hết năm 2020 chị mới trả hết khoản nợ ngân hàng 200 triệu đồng vay từ năm 2010, tuy nhiên đất và nhà thì vẫn chưa thấy đâu.

Dự án khu đô thị Mê Linh sau hàng chục năm vẫn chỉ là cánh đồng "nuôi cỏ"

Dự án khu đô thị Mê Linh sau hàng chục năm vẫn chỉ là cánh đồng "nuôi cỏ"

Theo lời chị Thu, thời điểm tháng 1/2010 chị ký hợp đồng góp vốn tại lô đất có diện tích 112m2 thuộc dự án Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân các khu công nghiệp xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Thời điểm đó, mức giá giao dịch trên hợp đồng là 5.040 nghìn đồng/m2, ngoài ra chị Thu phải nộp tiền chênh lệch là 5 triệu/m2 (tổng số tiền chênh lệch của lô đất là 560 triệu chị Thu phải nộp ngay thời điểm ký hợp đồng).

Dự án thực hiện gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên đất; giai đoạn 2 là góp vốn xây dựng công trình trên đất, nhà xây thô, hàng rào và cổng.

Theo nội dung hợp đồng, trong giai đoạn I chị Thu đã thanh toán 4 lần (theo thông báo của CĐT), tương đương 85% giá trị lô đất. Số tiền 15% còn lại chị Thu và các khách hàng khác sẽ đóng nốt khi chủ đầu tư chính thức bàn giao mốc giới lô đất có cơ sở hạ tầng cho bên B (Thời gian hoàn tất cơ sở hạ tầng là 210 ngày kể từ ngày ký hợp đồng góp vốn – hợp đồng ghi rõ).

Trong hợp đồng cũng thể hiện rõ: “Dự án trên với tiến độ thi công hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật vào cuối quý IV năm 2010 (giai đoạn I); nhà xây thô, cổng và hàng rào, hoàn thành vào quý IV năm 2011 (giai đoạn II)”.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 11 năm trôi qua kể từ thời điểm ký hợp đồng, chị Thu và hàng trăm khách hàng khác vẫn trong cảnh chờ đợi chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn I.

Tìm hiểu được biết, lô đất chị Thu mua nằm trong 47 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha, nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Do có sự điều chỉnh quy hoạch nên sau cả chục năm các dự án trên nhưng vẫn “ngủ quên” trong cảnh hoang tàn, dang dở.

Còn nhớ, thời điểm đó khi Mê Linh chính thức sáp nhập về Hà Nội, thị trường bất động sản (BĐS) nơi đây trở thành một trong những điểm nóng và giá nhà đất nhanh chóng được đẩy lên cao ngất.

“Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, giá đất các dự án tại Mê Linh từng gây sốt trên thị trường BĐS phía Bắc Hà Nội với giá đạt ngưỡng từ 18 – 22 triệu đồng/m2. Dù đã lãi gần gấp đôi, nhưng tôi cũng như nhiều khách hàng khác vẫn không bán, mong muốn khi hoàn thiện hạ tầng sẽ có mức giá hời hơn nhưng đâu ngờ…

Sau khoảng hơn một năm thị trường BĐS vỡ bóng, giá đất xuống từng ngày trong khi dự án của chúng tôi vẫn chỉ là cánh đồng nuôi cỏ. Đến ngày hôm nay, dù thị trường đã có vài lần sóng nữa nhưng khu đô thị Mê Linh dường như không tồn tại. Số tiền đầu tư hàng tỷ đồng giờ tôi cũng không biết phải làm sao” – chị Thu buồn rầu nói.

Chị Thu cũng như hàng trăm nhà đầu tư khác không ngờ đầu đón "sóng" lại thành ôm "trái đắng"

Chị Thu cũng như hàng trăm nhà đầu tư khác không ngờ đầu đón "sóng" lại thành ôm "trái đắng"

Tiếc của nhưng chị Thu cho biết số tiền đầu tư lô đất trên chủ yếu là tiền tích lũy của hai vợ chồng. “Xót lắm chứ, mỗi khi nhớ tới anh nhà tôi lại mắng tôi. Thôi thì coi như của để dành vậy”, chị nói thêm.

Đáng buồn hơn, một số “nhà đầu tư” khác dù đang kinh doanh trong các lĩnh vực khác không liên quan gì đến bất động sản cũng rủ nhau vay tiền để đầu tư “lướt sóng”.

Năm 2018, anh Phạm Thanh - một chủ buôn ô tô tại Hà Nội, cũng theo chân bạn thân vào Đà Nẵng “lướt sóng” nhà đất. Anh Thanh cho biết, hiện anh còn 2 lô đất, mỗi lô 100 m2 tại Hòa Tiến - Hòa Vang, trước đây mua gần 1 tỷ đồng/lô, nhưng đến cuối năm 2019 vẫn không bán được dù chấp nhận bán bằng 2/3 giá mua, bởi tình trạng ế ẩm chẳng có giao dịch nào ở đây.

“Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 tạm ổn, nhờ môi giới tôi đã có khách mua với mức giá 2/3 giá mua, lỗ cũng đành chấp nhận. Với khoản lãi vay 1,2 tỷ đồng từ ngân hàng. Ngày nào còn chưa bán được tôi còn đau đầu, thôi coi như bài học đắt giá” – anh Thanh than thở.

Từ cuối năm 2020 đến nay, thị trường BĐS nhiều nơi tiếp tục dậy sóng. Dù nhiều người khẳng định đã thu lời bạc tỷ nhờ giá đất tăng gấp 2 – 3 lần, song đâu đó vẫn có nhiều người khốn khổ do đầu tư “lệch sóng”.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đánh giá hiện tượng "sốt đất" có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương do mất đi nguồn thu nhập chính. Những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm dùng đến đòn bẩy kinh tế có thể sẽ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kì vọng, dẫn đến gánh nặng tài chính quá lớn. Về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất mà chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất. Vì thế người dân cần được nâng cao về nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn "sốt ảo".

Nguồn: [Link nguồn]

Giá đất tăng chóng mặt, làng trên xóm dưới “đổi đời” nhờ bán đất

Từ cuối năm 2020 đến nay giá đất tại nhiều địa phương như Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì,… không ngừng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Những kênh đầu tư năm 2021 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN