Ngân hàng bán loạt tài sản là BĐS cả trăm tỷ: Vì sao vẫn ế chỏng chơ?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều ngân hàng đang ồ ạt rao bán hàng loạt bất động sản để thu hồi nợ trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, trong đó có khoản nợ được thông báo rao bán lần thứ 12...

Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), thời gian gần đây đang rao bán loạt tài sản thế chấp để thu hồi nợ, trong đó có nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng giao dịch vẫn chưa thành công.

Cụ thể, VietinBank chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 12 khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tạm tính đến ngày 12/3/2024, dư nợ của khoản nợ tạm tính hơn 583 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn hơn 256 tỷ đồng.

Ngân hàng thông báo bán đấu giá lần thứ 12 khoản nợ của một doanh nghiệp để thu hồi nợ xấu

Ngân hàng thông báo bán đấu giá lần thứ 12 khoản nợ của một doanh nghiệp để thu hồi nợ xấu

Trong lần đấu giá này, giá khởi điểm của khoản nợ giảm còn hơn 92 tỷ đồng, giảm 22 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 1/2024 và giảm hơn 230 tỷ đồng so với lần rao bán vào tháng 7/2023.

VietinBank chi nhánh Thành An cũng vừa có thông báo bán đấu giá (lần 3) khoản nợ của Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, tổng dư nợ tính đến hết ngày 16/1/2024 là 646,4 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc gần 496 tỷ đồng, nợ lãi hơn 160 tỷ đồng (lãi trong hạn hơn 155 tỷ đồng, lãi phạt hơn 5 tỷ đồng).

Mới đây nhất, VietinBank - Chi nhánh Sa Đéc cũng vừa công bố thông tin về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là 3 thửa đất cho khoản vay của Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang chuẩn bị đấu giá 9 thửa đất có diện tích từ 100 đến hơn 7.100m2 tại Cần Thơ, là tài sản đảm bảo của Công ty Dầu khí Bông Sen Vàng. Những tài sản này được đấu giá với mức khởi điểm là 50 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng là một trong những doanh nghiệp đầu mối bị Bộ Công Thương rút giấy phép kinh doanh xăng dầu vào tháng 2/2023.

Đáng chú ý, những tài sản này được cho là có mối liên hệ với "ông trùm" xăng giả Trịnh Sướng. Các tỉnh miền Tây Nam Bộ từng là địa bàn do “đại gia” xăng giả Trịnh Sướng thâu tóm phần lớn thị phần. 

Những tháng đầu năm 2024, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đang ồ ạt rao bán hàng loạt nhà đất và các tài sản thế chấp khác, như ô tô, nhà xưởng,... tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Sơn Tây, Thanh Trì (Hà Nội)... nhằm thu hồi nợ vay tồn đọng.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, tính đến 31/12/2023, bất động sản thế chấp tại VIB đạt hơn 375.298 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với đầu năm, chiếm 66% tài sản thế chấp của khách hàng. Trong cơ cấu cho vay của VIB có tới 84% dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cá nhân, còn lại là cho vay các tổ chức, doanh nghiệp.

Nợ xấu tại VIB tính đến 31/12/2023 tăng mạnh 47% so với đầu năm, lên mức 8.374 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng vọt 116% lên mức 3.697 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng tới 61%, chiếm hơn 2.479 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ mức 2,45% của đầu kỳ lên tới 3,14% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).

Thời gian gần đây, với việc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng. Để xử lý nợ xấu, các nhà băng đã liên tục công bố danh sách ngày càng nhiều bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cần xử lý để thu hồi nợ với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết: Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng vẫn khó thanh khoản. Mua bất động sản phát mãi có thể là cơ hội để sở hữu món “hời”, thế nhưng đồng thời người mua cũng đối mặt rủi ro.

Cũng theo ông Đính, hiện tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80-90% và lớn hơn nhiều lần tổng dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng từng thừa nhận, việc thanh lý tài sản vừa qua khó khăn. Rất nhiều khoản đảm bảo trị giá lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng. “Định giá phát mại tài sản không theo trị giá thực tế, mà tính gộp cả gốc và lãi thì sao bán được. Mỗi lần giảm cũng chỉ được 5-10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được”, ông Hùng cho hay.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá cổ phiếu của CTCP PIV (UPCoM: PIV) tiếp tục với phiên thứ 7 tăng hết biên độ, đánh dấu chuỗi tăng trần 7 phiên liên tiếp từ 20/03/2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN