Mỗi tháng có 16.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, văn phòng cho thuê ế khách
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh… kéo theo tỉ lệ bỏ trống văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cao.
Chuyên cho thuê văn phòng trọn gói tại quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hà Nội, anh Trần Văn Hà (đơn vị cho thuê văn phòng tại Hà Nội) chia sẻ, giá thuê văn phòng cao cấp đang có xu hướng hạ nhiệt và dư thừa khi khá nhiều khách hàng trả lại phòng và chuyển sang các phân khúc trung cấp có mức giá bình dân.
Thực tế, hầu hết các toà nhà văn phòng cao cấp (hạng A) tại TP Hà Nội nằm ở trung tâm các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân,... đều đã được trang bị đầy đủ tiện ích nên có mức giá thuê khá cao.
Tại các quận trung tâm, giá thuê văn phòng cao cấp đang có xu hướng hạ nhiệt
Do tỉ lệ bỏ trống tại các văn phòng cao cấp (hạng A) tăng cao, để thu hút khách thuê, nhiều đơn vị gần đây đã liên tục đăng tin, giảm giá hoặc tăng khuyến mãi với những khách thuê dài hạn, như thuê 6 tháng miễn phí 1 tháng dịch vụ, ưu đãi 20% cho khách thuê lâu dài.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng đầu năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn tăng mạnh. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 66.800 DN, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; 36.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9%; 10.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Bình quân một tháng có 16.200 DN rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, chỉ trong nửa đầu năm đã có 16.900 DN tạm dừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 29%/năm và đạt mức cao kỷ lục. Số DN gia nhập thị trường và tiếp tục hoạt động kinh doanh cũng lần đầu tiên sụt giảm kể từ đầu năm 2020.
Cùng đó, nhiều DN phải đối mặt với khó khăn về tài chính. Điều này đã tác động không nhỏ tới công suất thuê văn phòng tại địa bàn Thủ đô. Riêng 2 quý vừa qua, diện tích cho thuê thêm đã giảm tới 33.400m2 so với cùng kỳ; trong đó, phân khúc hạng B có mức giảm nhiều nhất là 26.500 m2.
Theo Savills Việt Nam, nửa đầu năm 2023, diện tích cho thuê giảm thêm 33.400m2 so cùng kỳ
Theo Savills Việt Nam, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới hoạt động cho thuê văn phòng tại Hà Nội. Các DN phải cân đối lại ngân sách thuê, thậm chí trả mặt bằng trước thời hạn.
Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy: Nguồn cung văn phòng tại thị trường Hà Nội trong quý II/2023 đạt 2.14 triệu m2, giảm 2% theo quý và 1% theo năm sau khi một dự án hạng A và hai dự án hạng C ngừng cho thuê để sử dụng nội bộ. Diễn biến về giá và công suất của thị trường cũng đồng thời ghi nhận biến động.
Ngoài ra, việc nửa đầu năm 2023, 16.900 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể tại Hà Nội, tăng 29%/năm, đạt mức cao kỷ lục; cùng số doanh nghiệp gia nhập thị trường và tiếp tục hoạt động kinh doanh lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2020; nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn liên quan đến tài chính… đã tác động không nhỏ tới công suất thuê. Theo đó, ước tính nửa đầu năm 2023, diện tích cho thuê giảm thêm 33.400m2 so cùng kỳ. Trong đó, hạng B ghi nhận mức giảm nhiều nhất là 26.500m2.
Chia sẻ thêm về diễn biến của thị trường, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, nêu thực tế hiện nay phân khúc khách thuê trả trên 40 USD/m2 có xu hướng chậm lại, trong khi hợp đồng giá thuê khiêm tốn lại được ưa chuộng hơn. Mặt khác, những công ty về mảng công nghệ thông tin, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng chậm lại sau thời kỳ phát triển nóng. Thậm chí, một số doanh nghiệp tại Hà Nội còn buộc phải trả lại mặt bằng trước thời hạn.
“Thời điểm 2021 – 2022, doanh nghiệp công nghệ thông tin gần như dẫn đầu nguồn cầu thị trường văn phòng nhưng sang năm 2023, khi tình hình kinh tế chậm lại, các quỹ cũng dừng đầu tư vào công ty khởi nghiệp, những công ty này cũng bắt đầu xem xét, cân đối lại diện tích thuê. Nếu 6 tháng đầu năm 2022, số lượng giao dịch cho thuê với khách hàng doanh nghiệp công nghệ thông tin chiếm 32% thì đến năm nay, tỷ lệ này chỉ còn một nửa”, vị chuyên gia thông tin.
Nhìn nhận tình hình trên, đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), nhận định bất động sản văn phòng đang thực sự đối mặt với “khủng hoảng thừa”, bởi nhu cầu giảm do nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, phải giảm quy mô, trả mặt bằng, đóng bớt chi nhánh…
Còn bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield, thì đánh giá những khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp bất động sản, bao gồm cả giới chủ cho thuê văn phòng, làn sóng dịch chuyển ra vùng ven, thu hẹp diện tích văn phòng trở nên khá phổ biến.
Một số đơn vị khảo sát cũng xác nhận trong những tháng đầu năm, thị trường văn phòng diễn ra nhiều giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng. Khách “tháo chạy” tập trung vào các doanh nghiệp khó khăn về tài chính vì sức mua giảm, áp lực trả lãi vay tăng cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Thị trường bất động sản quý 2/2023 khó khăn, trong kỳ không phát sinh doanh thu mảng bất động sản, khiến lợi nhuận gộp của DN này suy giảm 88%.