"Méo mặt" khi chi tiền tỷ đầu tư đất nền ở tỉnh
Từng mang về lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư nhưng khi cơn sốt đất nền ở các tỉnh đi qua, nhiều người đang mắc kẹt tiền tỷ khi xuống tiền đầu tư.
Cùng với sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua, giá đất nền tại nhiều địa phương cũng đã ghi nhận mức sụt mạnh ở mọi phân khúc, không còn dễ “ăn bằng lần” như trước. Nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt cả tỷ đồng khi xuống tiền đầu tư đất nền ở tỉnh.
Chị Huyền, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết trong cơn sốt đất năm 2021, gia đình chị xuống tiền mua lô đất tại Thủy Nguyên - Hải Phòng với mức giá 1,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có 1 tỷ đồng và vay ngân hàng thêm 800 triệu.
Đến đầu năm 2022, khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu trầm lắng, chị nhờ môi giới bán đi lô đất của mình nhằm thu tiền về. Tuy nhiên, vì mức giá cao, đúng thời điểm thị trường có tín hiệu chững, lô đất chị Huyền rao bán không tìm được khách mua.
Nhà đầu tư này cho biết đã có nhiều thời điểm cảm thấy mệt mỏi khi giá trị khoản đầu tư vào lô đất nền của mình bị giảm sâu bên cạnh đó còn phải “gồng lãi suất” ngân hàng trong hơn một năm qua.
BĐS nói chung và đất nền ở các tỉnh nói riêng thời gian qua đã rơi vào trầm lắng
“Nếu rao bán ở thời điểm hiện tại, tôi phải chấp nhận bán dưới giá mua, tính khoản trả lãi ngân hàng, tôi cũng đã lỗ nặng. Nên tôi quyết định gồng gốc lãi và đợi thị trường hồi hoàn toàn”, chị Huyền chia sẻ.
Không chỉ chị Huyền, nhiều nhà đầu tư vào đất nền tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam… trong cơn sốt đất năm 2021 cũng đang bị chôn vốn tiền tỷ. Anh Tuấn, nhà đầu tư đến từ Hà Nội cho biết đầu năm 2022 xuống tiền ôm 2 lô đất tại Bắc Giang với giá 3 tỷ đồng, trong đó số vốn tự có là 2 tỷ và vay ngân hàng 1 tỷ đồng với kỳ vọng giá đất nền sẽ tiếp tục tăng sau đó.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sau khi hoàn tất thủ tục mua bán cũng là lúc thị trường rơi vào trầm lắng, lãi suất vay giai đoạn cuối năm 2022 lên cao khiến bản thân anh chịu nhiều áp lực. Đến đầu năm nay tình hình tài chính của gia đình bị ảnh hưởng nên từ tháng 4 anh đã rao bán lỗ cả 2 mảnh đất với hy vọng giữ được một phần tiền vốn. Dù vậy, phải đến cuối tháng 6 vừa qua anh mới giao dịch thành công 1 lô đất nền với mức cắt lỗ 20%.
Tương tự, anh Tú một nhà đầu tư khác đến từ Hà Nội cũng cho biết đang mắc kẹt với khoản đầu tư 4,2 tỷ đồng vào một lô đất có diện tích 90m2 tại một khu đất đấu giá tại Bắc Giang. Thời gian qua anh đã rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình nhưng vẫn chưa thành công.
Anh Quang, chủ một văn phòng môi giới ở TP Bắc Giang cho hay, cũng giống như hầu hết các tỉnh sau sốt đất, thị trường bất động sản tại Bắc Giang hiện đi ngang. Hiện tượng cắt lỗ tăng, giá đất nền trên thị trường thứ cấp giảm 10-25%, đặc biệt là các sản phẩm vay tiền để đầu tư. Môi giới này cho biết: “Mức giá giảm phổ biến khoảng 15 - 30% so với đỉnh cơn sóng. Những lô đất ngộp mức giá giảm sâu hơn thì thanh khoản khá dễ. Tuy nhiên, việc cắt lỗ đa phần đến từ nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn và mua vào đúng đỉnh. Còn những nhà đầu tư đã mua từ lâu, hiện nay dù cắt lỗ cũng vẫn lãi nhiều”.
Trong khi những nhà đầu tư yếu về tài chính vẫn đang phải rao bán “cắt lỗ” khoản đầu tư vào đất nền của mình thì thời gian gần đây thị trường BĐS cũng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2023 của BHS Group, trong thời gian tới các địa phương được đầu tư hạ tầng giao thông và thu hút vốn FDI mạnh mẽ nhất sẽ là những điểm sáng phát triển kinh tế và phục hồi bất động sản. Cụ thể, tại miền Bắc có Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng; miền Trung có Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng; miền Nam có TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Dương.
Xét về phân khúc, BHS đưa ra dự báo đất nền có thể 1 lần nữa lại dậy sóng vào nửa cuối năm 2023, đặc biệt là các sản phẩm đất nền gần khu dân cư, khu công nghiệp. Tuy nhiên sẽ không còn sự thổi giá ồ ạt như thời kỳ trước.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý II/2023 thị trường BĐS đã có những diễn biến tích cực hơn quý đầu năm nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể tạo sức bật, giúp thị trường sớm “đảo chiều”.
Những dự báo về đà phục hồi của thị trường BĐS đều hướng vào thời điểm cuối năm 2023, khi các tín hiệu về lãi suất, chính sách gỡ khó từ Chính phủ được tăng cường. Theo các chuyên gia trong ngành, khoảng 3 tháng nữa, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu về sức cầu. Tuy nhiên, giá bán ở một số phân khúc trên thị trường thứ cấp có thể vẫn sẽ giảm do tâm lý chung thị trường chưa hồi phục rõ nét.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù số lợi nhuận thu được liên tục giảm trong thời gian gần đây nhưng mỗi ngày người dân vẫn mang cả nghìn tỷ đồng đầu tư vào kênh này để lấy lãi.