Mất ăn mất ngủ khi lô đất 2 tỷ mất giá hơn 700 triệu sau một năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang “mất ăn, mất ngủ” với khoản đầu tư của mình bởi nếu bán sẽ phải chấp nhận lỗ cả trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Trong thời kỳ sốt đất giai đoạn 2019 đến đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư BĐS đã thắng lớn. Việc giá đất tăng từng ngày giúp nhiều người nhanh nhạy với thông tin có thể kiếm từ vài chục tới vài trăm triệu mỗi lần sang tay lô đất.

Tuy nhiên, khi cơn sốt đất qua đi, nguồn tín dụng dành cho BĐS bị thắt chặt kể từ giữa năm 2022 khiến nhiều nhà đầu tư yếu về tài chính gặp áp lực do lãi vay ngân hàng liên tục tăng cao, có thời điểm lãi suất thả nổi với khách hàng đã lên tới 15-16%/năm.

Chị Tâm (TP HCM) cho biết tháng 3/2022 mẹ đẻ của chị được môi giới chào mời mua một lô đất tại Trảng Bom - Đồng Nai với mức giá 2,25 tỷ đồng. Để có đủ tiền mua mảnh đất này, mẹ chị đã phải vay con gái, vét sạch tiền dưỡng già, vay người thân và ngân hàng với hy vọng sẽ kiếm lời nhanh bởi môi giới tư vấn cho biết thời điểm này giao dịch khu vực này diễn ra nhộn nhịp, giá đất tăng từng ngày.

Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2022 khi nguồn tín dụng bị siết chặt, thị trường BĐS cũng dần trầm lắng khiến gia đình chị mắc kẹt với khoản đầu tư vào BĐS này.

Đến nay áp lực trả nợ người thân, ngân hàng khiến gia đình chị đau đầu do giá đất đã liên tục giảm thời gian qua. Chị Tâm cho biết đến nay khách mua chỉ đồng ý trả 1,5 tỷ đồng cho mảnh đất trên, tương đương nếu chấp nhận bán để lấy tiền trả nợ, gia đình chị sẽ lỗ hơn 700 triệu đồng.

“Chỉ vì xuống tiền mua BĐS khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin thị trường khiến gia đình tôi đang phải trả một cái giá đắt cho quyết định của mình”, chị Tâm thừa nhận.

Nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt do thị trường BĐS trầm lắng

Nhiều nhà đầu tư đang mắc kẹt do thị trường BĐS trầm lắng

Tuy nhiên, gia đình chị Tâm không phải là nhà đầu tư duy nhất đối diện nguy cơ thua lỗ từ khoản đầu tư BĐS của mình. Theo đó, anh Thái (Hà Đông – Hà Nội) cho biết cũng đang khá áp lực khi mảnh đất thương mại, dịch vụ gần nhà mua đầu năm 2022 với mức giá 3,95 tỷ đồng nay cũng đang bị xuống giá hàng trăm triệu đồng. Nhà đầu tư này thừa nhận quyết định xuống tiền đầu tư BĐS có phần vội vã đầu năm 2022 đến nay khiến anh bay mất cả chiếc “xế xịn”, bởi với số tiền 3,95 tỷ bây giờ sẽ có rất nhiều sự lựa chọn khi trong khu vực nhiều nhà đầu tư đang phải bán cắt lỗ mảnh đất đã mua với mức giá từ 2,6 đến 3,5 tỷ đồng.

Trước sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua, anh Thức – một môi giới tại Hà Đông, Hà Nội cho biết thời gian qua nhiều người anh quen biết đã buộc phải bán cắt lỗ một số khoản đầu tư để cơ cấu lại danh mục. Quyết định cắt lỗ đa phần đến từ những người mua đất nhằm “lướt sóng” hoặc dùng đòn bẩy tài chính quá cao.

Theo anh, giá đất tại nhiều khu vực tại vùng ven Hà Nội đã giảm từ 10 đến 30% so với mức đỉnh nhưng giao dịch vẫn trầm lắng khi người bán nhiều hơn người mua. Với những người muốn bán nhanh khoản đầu tư của mình sẽ buộc phải bán với giá thấp hơn thị trường từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại một hội thảo về BĐS mới được tổ chức cho biết giá bất động sản, nhất là đất nền, đã được điều chỉnh lại nhằm tương xứng với nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính đã buộc phải cắt lỗ 10-30%, thậm chí lên đến 30-50% giá trị sản phẩm.

Một số cá nhân còn bị ngân hàng phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Điều này khiến áp lực về tính thanh khoản của thị trường ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, từ đầu tháng 3, sau khi Nhà nước có hàng loạt động thái nhằm tháo gỡ khó khăn trong ngành địa ốc, thị trường đã bắt đầu ghi nhận thêm những tín hiệu quan tâm từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chủ tịch VARS đánh giá những văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản sẽ xuất hiện nhiều hơn trong quý II. “Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh hợp lý, tiệm cận với khả năng của những người có nhu cầu thực. Có thêm hàng, có dòng tiền, doanh nghiệp có thêm vốn từ các kênh huy động khác, thị trường sẽ có thêm những khởi sắc”.

Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư BĐS, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra lời khuyên: “Các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin hay mua bất động sản cần cân nhắc kỹ các thông tin, tính pháp lý của sản phẩm, đặc biệt cẩn trọng khi tiếp cận các khu vực đang nóng sốt do thông tin quy hoạch”.

Khi tiếp xúc với môi giới, các nhà đầu tư nên liên hệ với những môi giới có uy tín. Cần thận trọng khi môi giới có các đặc điểm như giới thiệu quá bùi tai, khi tư vấn trực tiếp thì liên tục có người đến xin tư vấn, đòi chốt hợp đồng; cẩn trọng những lời rao vặt trên tờ rơi, mạng xã hội…

Nguồn: [Link nguồn]

Người lỗ tiền tỷ phải bán tháo BĐS, kẻ lại thả tiền đi săn đất: Thị trường đã tới đáy chưa?

Trái ngược với quyết định cắt lỗ của những nhà đầu tư gặp khó về tài chính, thị trường BĐS nhiều nơi đang ấm trở lại khi một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN