Lợi ích nhóm, “quân xanh quân đỏ” có tồn tại trong các vụ đấu giá đất?
Sau những lùm xùm đấu giá đất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản khi các doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án nhà ở giá bình dân; một số ĐBQH thì đặt câu hỏi "liệu có cấu kết, quân xanh quân đỏ"?
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm để lại hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo rà soát việc ban hành và thực hiện quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó nêu nhiều bất cập trong đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM.
Theo cơ quan này, đây là cuộc đấu giá các lô đất có giá trị lớn nhất từ trước đến nay, với tổng giá trúng đấu giá lên tới 37.346 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính dù chấp nhận mất khoản tiền đặt cọc.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM
Chỉ ra những nguyên nhân, cơ quan này cho rằng do quy định chưa rõ ràng, cụ thể về các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá, chưa ràng buộc được trách nhiệm thanh toán tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trúng đấu giá.
Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm cũng để lại nhiều phát sinh, hệ lụy. Trước hết là mặt bằng giá đất tại Thủ Thiêm nói riêng, TP.HCM nói chung bị đẩy lên cao, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản.
Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo sự tăng giá của các sản phẩm nhà ở, bất động sản, làm tăng lượng hàng tồn kho có giá trị lớn. Giá đất tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào và kéo theo tăng giá nhà ở, bất động sản khiến doanh nghiệp khó có cơ hội đầu tư dự án nhà ở giá bình dân, giá thấp, gây khó khăn cho người dân trong tiếp cận nhà ở.
Một bất cập nữa là thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như trong trường hợp của Thủ Thiêm) có thể bị các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như "thổi giá" bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng...
Kịch bản công ty trúng đấu giá đơn phương xin chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá cũng sẽ nảy sinh hệ lụy tiêu cực với toàn xã hội và đây "có thể chính là hình thức thổi giá đất của doanh nghiệp". Tức là họ lợi dụng việc đẩy giá đất tại khu vực lên cao để tranh thủ bán các bất động sản mà doanh nghiệp đó hoặc các doanh nghiệp có liên quan đang kinh doanh tại TP.HCM và các khu vực lân cận.
Trước nhiều bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất tại các đô thị và từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra việc đấu giá đất, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, có yếu tố trục lợi trong đấu giá đất.
Các cơ quan quản lý cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc đưa tài sản ra đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá, giá khởi điểm, giám sát quá trình tổ chức đấu giá và xử lý nghiêm các vi phạm.
Sửa đổi, bổ sung hoặc bỏ những quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn nhằm tăng tính minh bạch, công khai của đấu giá tài sản. Các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như phương pháp xác định giá đất đảm bảo theo giá phổ biến trên thị trường, điều kiện nhà đầu tư tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền đặt cọc và số tiền đặt cọc, có chế tài xử phạt...
ĐBQH lo ngại còn nhiều phi vụ sai phạm chưa được lật tẩy
Cũng tại phiên thảo luận tại Quốc hội mới đây, phản ảnh về những phiên đấu giá đất - về vấn đề nóng gần đây trong dư luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Bộ Công an lựa chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận phản ánh để xác minh, điều tra làm rõ.
ĐBQH Thủy đề cập đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng ghìm giá trong đấu giá đất
Cụ thể, theo đại biểu Thủy, thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng chiêu trò thắng thầu bỏ cọc. Thắng với mức đấu giá cao chót vót, rồi bỏ cọc, nhằm mục đích kích giá đất, thổi giá đất để thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Việc trả giá quá cao rồi bỏ cọc như thời gian vừa qua đã dẫn tới nhiều hệ luỵ.
"Lấy ví dụ ở Thủ Thiêm, ngay sau cuộc đấu giá đất, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng giá trúng thầu, thực chất là giá ảo để té nước theo mưa, đẩy giá đất, giá nhà ở TP Hồ Chí Minh lên cao, để kịp thời bán ra số lượng lớn nhà, đất mà họ đã mua trước đó", bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, có những nhà đầu tư còn lợi dụng để nâng giá trị cổ phiếu, trái phiếu của mình, nguy hiểm hơn có những nhà đầu tư còn lợi dụng để "đánh võng" giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng, mà nếu trót lọt là có thể rút ruột các ngân hàng.
Tiếp theo, bà Thủy đề cập đến tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng ghìm giá trong đấu giá đất. Việc bắt tay nhau để ghìm giá, mua rẻ tài sản của Nhà nước, nhất là đất đai diễn ra tại nhiều phiên đấu giá.
"Việc thông đồng có thể diễn ra với những người tham gia đấu giá với nhau, còn gọi là "quân xanh, quân đỏ", để lót đường cho một nhà đầu tư đã định sẵn với giá rẻ và giá trị thực của nhiều lô đất đã bị những "quân xanh, quân đỏ" dìm xuống. Thậm chí, một số người còn sử dụng xã hội đen để đe dọa khiến cho nhiều nhà đầu tư sợ hãi, bỏ cuộc, rút hồ sơ. Khi đó, cuộc đấu giá thực chất chỉ còn 1 người tham gia, một mình một chợ. ", bà Thủy nêu thực tế.
Thứ 3 là tình trạng bắt tay ngầm, rút ruột của Nhà nước. Bà Thủy cho biết theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản, không thể nào tác động được vào cuộc đấu giá nếu như không có "tay trong".
Ở mức độ vi phạm đơn giản cũng phải có tay trong cung cấp thông tin thì mới có thể tổ chức quây thầu, vây thầu với giá rẻ. Còn ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn thì đó là cấu kết với những người có thẩm quyền để tạo thành nhóm lợi ích, rút ruột của nhà nước tại các phiên đấu giá.
"Lấy ví dụ gần đây, vụ án ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với những người có trách nhiệm để điều chỉnh giá đất rẻ hơn 1 nửa so với giá ban đầu. Từ 500 tỉ đồng xuống còn 300 tỉ đồng, nếu như những vi phạm này trót lọt thì Nhà nước mất gần 1 nửa giá trị tài sản. Nhưng đến nay, vụ án này đã có 8 bị can bị khởi tố. Trong đó có 2 bị can là cán bộ quản lý dự án. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn liệu có còn nhiều những phi vụ như thế này chưa bị lật tẩy hay không?",... đại biểu đoàn Bắc Kạn đặt câu hỏi.
Bà Thủy cũng đề cập tình trạng móc ngoặc trong thẩm định giá. Theo bà Thuỷ, thẩm định giá là khâu rất quan trọng trong mỗi phiên đấu giá đất, tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, pháp luật đã trao cho tổ chức này chức năng quá lớn. Trong khi cơ chế kiểm soát lại rất lỏng lẻo. “Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong thẩm định giá đất trong thời gian vừa qua” – bà Thủy đề cập.
"Những hành vi này đều trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng và xâm phạm lợi ích của nhà nước", đại biểu Nguyễn Thị Thủy khẳng định.
Trước thực tế trên, đại biểu đoàn Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nhiều hơn về hoạt động đấu giá đất. Bên cạnh đó, Bộ Công an lựa chọn một số phiên đấu giá đất có nhiều dư luận phản ánh để xác minh, điều tra làm rõ, nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong hoạt động này.
“Vẫn biết giá nhà đất tăng cao, nhưng khi trực tiếp đi tìm mua nhà tôi mới thực sự sốc vì mức giá đội lên quá cao, vượt xa dự tính của vợ chồng tôi. Có lẽ vợ chồng...
Nguồn: [Link nguồn]