Loạt khách sạn hạng sang tại các TP biển chung “thảm cảnh” chưa từng có
Dịch Covid-19 hoành hành gần hai năm qua, biến những thành phố biển nổi tiếng quốc tế nằm dọc đất nước trở nên vắng lặng. Câu chuyện dường như chưa có hồi kết, nhiều chủ khách sạn không đủ sức chịu đựng, đã rao bán hàng loạt.
Hội An: 70-80% người kinh doanh trả mặt bằng
Tại Hội An – những con phố cổ sầm uất dường như chưa bao giờ vắng bóng khách, thì giờ đây cả ngày lẫn đêm đều im ắng không bóng người.
Đường phố Hội An vắng bóng du khách
Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, hầu hết hàng quán, cửa hàng tại phố cổ Hội An, Quảng Nam phải đóng cửa vì không có khách đến tham quan, mua sắm. Các tuyến đường trước đây luôn đông đúc du khách như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng, Nguyễn Phúc Chu... nay vắng tanh. Các cửa hàng kinh doanh vải, quần áo, ăn uống cũng đóng cửa gần hết.
Nhiều người kinh doanh tại đây cho biết, họ phải đóng cửa gần một năm do không có khách du lịch.
Cũng do vắng khách, nhiều ngôi nhà cổ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai treo bảng cho thuê hoặc bán với giá hàng chục tỷ đồng vì chủ nhà không cầm cự được qua 4 đợt dịch liên tiếp.
Nhiều ngôi nhà cổ có vị trí đẹp treo biển "bán nhà"
Anh Vũ, quản lý nhà hàng Hoa anh đào trên đường Bạch Đằng, phường Minh An chia sẻ: "Trước đây, nhà hàng của chúng tôi thuê 300 triệu đồng/tháng ngôi nhà 2 tầng có 3 mặt tiền, lượng khách rất đông đúc, gần như kín du khách trong và ngoài nước. Nhưng do 4 đợt dịch Covid-19, khách nước ngoài không có đành phải bán cà phê cầm chừng. Doanh thu hàng tháng cũng không bao nhiêu nhưng tôi vẫn mở cửa".
Ngôi nhà 2 tầng với diện tích hơn 200 m2 trên đường Nguyễn Thái Học được chủ nhà rao báo với giá 60 tỷ đồng. Theo người này, trước khi bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đây là nơi sầm uất và được cho thuê làm nhà hàng. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên người kinh doanh trước đã trả mặt bằng và hiện đóng cửa để rao bán.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết do ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay có từ 70-80% các doanh nghiệp kinh doanh tại phố cổ Hội An trả mặt bằng vì mức giá thuê cao và không có khách.
Nha Trang: Loạt khách sạn trăm tỷ được rao bán
Tương tự, tại Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), hàng loạt khách sạn hạng sang cũng chung số phận.
Hàng loạt thông tin bán khách sạn "cắt lỗ" được rao trên các trang mạng về BĐS của Nha Trang
Bà V. chủ một khách sạn 4 sao tại khu vực Bãi Dương - TP Nha Trang cho biết đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng khách sạn 180 phòng và đưa vào hoạt động tháng 11/2018.
Từ ngày đưa vào vận hành, công suất buồng phòng tại khách sạn của bà V. luôn ở mức trên 90% và đạt doanh thu gần 4 tỷ đồng mỗi tháng.
Để xây khách sạn, bà V. đã vay ngân hàng 110 tỷ đồng, mỗi tháng trả gốc lẫn lãi khoảng hai tỷ. "Với doanh thu gần 4 tỷ, trừ chi phí nhân viên và ngân hàng chúng tôi vẫn có lời", bà V. cho biết.
Tuy nhiên, khi hoạt động được khoảng 15 tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, khách sạn 180 phòng của bà V. gặp khó khăn vì không đón được khách.
Không có doanh thu trong thời gian dài, buộc chủ doanh nghiệp này phải rao bán khách sạn của mình để chi trả các khoản nợ gốc, lãi cũng như tìm hướng làm ăn khác. Dẫu vậy, nhiều tháng trôi qua, khách sạn của bà V. vẫn chưa tìm được chủ mới.
Được biết, tình trạng khách sạn bà V. là một trong những trường hợp điển hình của hàng loạt khách sạn xây mới hoạt động được khoản hai năm thì gặp dịch COVID-19 khiến chủ đầu tư phải xoay sở để trả khoản vay cho ngân hàng và khoản vay bên ngoài.
Nhiều khách sạn được chủ rao bán 2 -3 lần nhưng vẫn không thể tìm được chủ mới
Theo chia sẻ của anh H. một người chuyên môi giới trong lĩnh vực khách sạn tại Nha Trang được biết, đối với các khách sạn 3-5 sao hiện có hơn 40 doanh nghiệp gửi anh bán giúp.
“Trước sức ép nợ và lãi vay ngân hàng quá sức chịu đựng, nhiều người đã phải giảm đến 30% giá bán so với giai đoạn đầu dịch nhưng vẫn không có khách", anh H. thông tin.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, hiện trên địa bàn có gần 1.150 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 50.000 phòng, trong đó, có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4 - 5 sao.
Tổng lượt khách lưu trú ước tính 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 457.100 lượt khách, giảm 38,5% so với cùng kỳ, đạt 9,14% so kế hoạch năm 2021. Công suất phòng bình quân trong 6 tháng chỉ ước đạt khoảng 10%.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết, một trong những nguồn thu lớn của các tỉnh miền Trung đặc biệt là Nha Trang – Khánh Hòa đến từ kinh tế biển và du lịch.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài gần hai năm, cùng với đó là việc tuân thủ những quy định về giãn cách an toàn xã hội, cũng như đóng cửa các chuyến bay quốc tế đã khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng.
"Hoạt động du lịch nội địa cầm chừng, phân khúc cho thuê và mua bán khách sạn không còn nhộn nhịp như trước và tình trạng khách sạn rao bán trong giai đoạn gần đây là khó tránh khỏi", ông Hoàng nhận định.
Cũng theo ông Phan Việt Hoàng, nếu buộc phải rao bán khách sạn trong thời điểm này các chủ đầu tư đều biết phải chấp nhận bất lợi về giá cả vì người mua không nhiều và họ có hàng loạt lý do khách quan để "down giá".
“Thiệt hại nặng nề nhất là nhóm khách sạn khai sinh từ giữa năm 2018. Đa số doanh nghiệp đều phải dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng nhưng hiện nay nguồn thu không có nên việc rao bán sản phẩm tâm huyết của mình cũng là bất khả kháng để giải quyết bài toán tài chính", ông Hoàng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc mua lại các khách sạn đã đi vào hoạt động là một kênh đầu tư hấp dẫn và có thể sinh lời khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn thế giới.
Với việc giá thép và nhu cầu xuất khẩu liên tục tăng mạnh thời gian qua, các “đại gia” trong lĩnh vực này như Hòa Phát,...
Nguồn: [Link nguồn]