Loạt biệt phủ xa hoa của các đại gia giàu nức tiếng phố Cổ Hà Nội một thời
Những căn nhà có diện tích hàng trăm m2, nằm ở các vị trí đắc địa của phố Cổ là nơi ở của các đại gia giàu có nức tiếng Hà Nội xưa. Ngày nay, các công trình này không chỉ có giá trị “khủng” về bất động sản mà còn có ý nghĩa lịch sử, truyền thống với lối kiến trúc vô cùng độc đáo.
Biệt thự vườn rộng 700 m2 của đai gia buôn vàng thời xưa ở phố hàng Bạc
Nằm ở mặt tiền phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những vị trí đắt đỏ bậc nhất phố cổ hiện nay, căn biệt thự của ông Phạm Ngọc Giao gây bất ngờ với lối kiến trúc nhà vườn rộng 700m2, đủ loại cây cối, hoa cỏ. Đây cũng là giá trị đặc biệt nhất của căn nhà khiến ông Giao từng từ chối nhiều cuộc trả giá hấp dẫn.
Ông Phạm Ngọc Giao (81 tuổi) là chủ nhân đời thứ 3 của căn biệt thự cổ. Để sở hữu được căn biệt thự rộng 700m2 xuyên phố, bố mẹ ông Giao (xưa là chủ hiệu vàng Sư Tử “danh bất hư truyền” nức tiếng giàu có ở phố Cổ) đã phải bán đi 3 căn biệt thự trên phố Hàng Vôi, Hàng Bạc, Hàng Bè.
Biệt thự được xây năm dựng năm 1945, đến năm 1947 hoàn thiện với phong cách kiến trúc Pháp kết hợp cùng nét đẹp của đình làng Việt, vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Chính sự kết hợp Đông - Tây đã tạo ra sự khác biệt mà ít căn biệt thự cùng thời nào có được: Kết cấu bên ngoài nhìn vào là nhà ống nhưng bên trong lại là nhà vườn với hệ thống sân vườn rộng 180m2 gồm đủ loại sinh vật cảnh, cây cối… sau đó mới tới hệ thống nhà ở.
Khu vực bên trong ngôi nhà cũng không kém phần xa hoa với nhiều đồ nội thất, trang trí đắt đỏ. Trong phòng đọc sách, ông Giao giới thiệu về bộ bàn ghế cổ họa tiết mang phong cách Louis XIV. Bộ bàn ghế có từ những năm 1935 do nghệ nhân Pháp làm ra.
“Từ khi bà cụ nhà tôi mất, căn phòng nơi cụ ở trở thành phòng thờ và mọi đồ đạc vẫn được giữ nguyên vẹn. Đây, hai câu đối này là gia đình tôi được tặng bởi một nhà nho vào năm 1926 và được lưu giữ cho đến nay. Nó như một món đồ kỉ niệm thiêng liêng” – Ông Giao vừa chỉ tay về phía đôi câu đối vừa chia sẻ.
Cầu thang lên các phòng của ngôi nhà được chế tác bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân chuyên xây dựng các biệt thự cổ, có chiều rộng 1m, các bậc cách nhau 20 phân.
Biệt thự cổ hơn 1 thế kỷ của đại gia buôn lụa giàu nhất nhì phố Hàng Đào
Nằm nép mình trên phố hàng Đào (Hoàn Kiếm – Hà Nội), căn nhà số 72 của gia đình ông Thái An sau hơn 1 thế kỷ tới nay vẫn giữ vẹn nguyên lối kiến trúc cổ xưa. Căn nhà từng được nhiều đại gia trả giá hàng trăm tỷ nhưng chủ nhân vẫn kiên quyết không bán.
Ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943) là con trai trưởng trong một gia đình địa chủ giàu có ở Hà Nội. Bố mẹ ông Thái An thuộc thế hệ những thương lái đầu tiên kinh doanh và mở tiệm vải lớn nhất nhì phố hàng Đào. Nhờ vậy, thời điểm 40 năm trở về trước, gia đình ông đã nổi tiếng khắp Hà Nội và trở thành một trong những địa chủ giàu có sở hữu căn nhà mặt đường 3 tầng to nhất phố hàng Đào.
Căn nhà được xây dựng dựa trên ý tưởng từ lối kiến trúc Pháp. Bố mẹ ông Thái An đã thuê kiến trúc sư người Pháp về tiến hành xây dựng căn nhà theo đúng mong muốn của mình.
Tổng diện tích căn nhà khoảng 200m2, được xây 3 tầng với 12 phòng. Trong đó toàn bộ tầng 1 xưa là nơi buôn bán tơ lụa của gia đình, các phòng còn lại lần lượt là nơi sinh hoạt của chung và phòng riêng của 12 anh chị em.
Lối kiến trúc đối xứng kiểu Pháp với cầu thang lộ thiên ở giữa khiến cho căn nhà luôn có ánh sáng vào cửa. Đây cũng là điểm khác biệt khiến ông Thái An tự hào nhất trong căn nhà của mình.
Ông Thái An cho biết, dù không được chứng kiến quá trình xây dựng ngôi nhà, nhưng theo lời kể của bố mẹ ông, những viên gạch này được bố ông gửi mua từ Paris (Pháp) đến nay vẫn còn nguyên vẹn và chưa có ý định thay thế.
Hệ thống giếng trời là điểm nhấn chính trong căn nhà. Khi Hà Nội càng trở nên đông đúc với nhịp sống hối hả, giếng trời tạo ra khoảng không gian vừa thoáng mát, vừa riêng tư cho căn biệt thự cổ.
Từng có rất nhiều đại gia tới hỏi mua căn nhà với mức giá lên tới nghìn tỷ đồng nhưng ông Thái An nhất định không bán. Ông bảo: “Tôi sẽ giữ căn nhà nguyên vẹn tới khi nào tôi chết. Về sau, con cháu mình có còn đủ hoài niệm để giữ nó lại không thì tôi không ép. Nhưng chừng nào tôi còn sống thì chừng đó nhịp sống của căn nhà này vẫn được giữ nguyên.”
Biệt thự cổ 800m2 của đại gia thầu khoáng với nội thất nhập toàn bộ từ Châu Âu
Căn biệt thự Pháp cổ nằm ở phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng năm 1925 hiện thuộc sở hữu của cụ Trương Thị Mô. Cụ Mô từng là một tiểu thư “cành vàng lá ngọc”, con gái đại gia thầu khoáng giàu nhất nhì Hà thành những năm đầu thế kỷ 20.
Căn biệt thự có tổng diện tích 800m2, công trình này được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp cùng với sự hỗ trợ của khoảng 100 nhân công xây dựng quy tụ từ các tỉnh lân cận Hà Nội. Biệt thự được xây dựng liên tục trong 1 năm mới hoàn thiện.
Với lối kiến trúc Pháp cổ đặc trưng, ngôi nhà có kết cấu chạy dài theo hình chữ nhật. Các phòng thông nhau ở giữa là giếng trời lấy ánh sáng cho cả căn nhà.
Thời xưa, khu vực nhà phụ phía sau là chỗ để phương tiện đi lại và nơi ở của gia nhân. Khu vực chính của biệt thự là phòng ngủ của gia chủ và các con, mỗi người một phòng.
Trong các phòng đều được bố trí nội thất gồm giường ngủ; bàn uống nước; bàn trang điểm; tủ quần áo… Hầu hết nội thất trong căn biệt thự được nhập khẩu từ châu Âu và Hồng Kông. Không chỉ vậy, để hoàn thiện công trình này, các cụ xưa đã phải mất nhiều công sức gom các loại gỗ quý, trong đó chủ yếu là gỗ lim cổ thụ.
Vào thời điểm đó, mỗi bộ bàn ghế như thế này hoặc một chiếc giường nhập khẩu có giá trị tương đương với một căn nhà nhỏ. Tuy đã trải qua thời gian gần 100 năm nhưng toàn bộ nội thất của căn biệt thự vẫn còn nguyên vẹn hình dáng và chức năng sử dụng.
Bà Lê Thanh Thủy (65 tuổi), con gái cụ Mô, chủ nhân đời thứ 3 của căn biệt thự chia sẻ: “Con cháu hết đời này qua đời khác đều sử dụng lại toàn bộ nội thất cũ mà không cần sửa chữa hay thay thế gì. Chính không gian này cũng là nơi gắn kết nhiều thế hệ trong dòng họ chúng tôi với nhau.”
Ông Jeff Bezos, tỷ phú Amazon có khối tài sản khổng lồ không chỉ là những con số. Nó được thể hiện cả bằng khối bất...
Nguồn: [Link nguồn]