Lộ lý do doanh nghiệp không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội
Theo chuyên gia, ở các nước, phân khúc nhà ở xã hội thường chiếm đến 80%, còn nhà ở cao cấp chỉ chiếm 20%; nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Vậy vì sao doanh nghiệp lại không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội?
Dù được hỗ trợ nhiều về đất và vốn nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội, vì sao vậy?
Lý giải vấn đề này, ông Bùi Khắc Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai chia sẻ rằng, đa số doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở xã hội vì dù được hỗ trợ nhiều về đất và vốn nhưng rào cản xây dựng 20% để lại cho thuê trong 5 năm là vấn đề lớn. Mỗi doanh nghiệp đều muốn làm dự án để quyết toán nhanh, đặc biệt là với các công ty cổ phần.
Ông Sơn cho hay, vốn trung hạn thì các ngân hàng không muốn tài trợ các dự án như vậy vì sau 5 năm mới quyết toán được, lợi nhuận chỉ có 10%. Khi xây dựng nhà ở xã hội phải tính toán rất kỹ các vấn đề công nghệ, vật liệu xây dựng và có trình độ quản lý thật tốt vì chi phí phải tiết kiệm để cho ra giá thành sản phẩm hợp lý.
“Khảo sát một số địa phương, chúng tôi thấy họ đều có nhu cầu làm nhà ở xã hội cho công nhân, cho khu công nghiệp. Tuy nhiên, nếu có đất thì chúng tôi mong muốn làm nhà ở thương mại, giá bán khoảng 12 - 13 triệu đồng/m2 với tiện ích đầy đủ. Xuân Mai đang làm dự án ở Thanh Hóa với giá 12 - 13 triệu đồng/m2 với chất lượng tốt, trả tiền sử dụng đất cho địa phương, người dân mua rất dễ dàng.
Câu chuyện để có giá nhà tốt thì cơ chế là vấn đề quan trọng, cơ chế tạo ra nhưng chưa chắc đã phù hợp với thị trường. Ví dụ như quy định quỹ nhà 5 năm cho thuê nhưng thực tế không biết cho thuê thế nào? Với mức giá ra sao vì khi khấu hao tính ra chi phí, lãi vay thì không thể đủ, không quyết toán được”, ông Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, khi khảo sát tại địa phương thì thấy nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng triển khai chậm, nhiều bất cập, khó khăn.
“Tôi muốn tìm hiểu xem khó vì chính sách hay khó vì vận hành và nhận thấy là có nhiều yếu tố, trong đó một phần là chính sách. Đã có nghị định triển khai nhà ở xã hội nhưng đến khâu triển khai thì còn tắc ở đâu đó. Khi tiếp cận thị trường quốc tế thì thấy có tới 80% là nhà ở xã hội, nhà ở cao cấp chỉ chiếm 20%; còn Việt Nam thì ngược lại”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, việc phát triển nhà ở xã hội chậm có lẽ là do chính sách. Chính sách cần đi vào thực tiễn hơn. Muốn thị trường bất động sản phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn cần đẩy phân khúc nhà ở xã hội mạnh mẽ hơn.
Từ góc độ đơn vị quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đưa ra 2 vấn đề khó khăn đối với việc phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Cụ thể, khó khăn thứ nhất là về nguồn vốn. Trong Luật Nhà ở, quy định Nhà nước dành lượng vốn nhất định cho vấn đề này.
“Giai đoạn có nguồn vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng chúng ta đã làm tốt, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất tăng thêm nguồn vốn mấy nghìn tỷ nữa nhưng vẫn chưa quyết được”, ông Khởi nói.
Khó khăn thứ hai, ông Khởi cho rằng, đó là việc triển khai thực hiện tại địa phương. Có địa phương quan tâm nhưng có địa phương không quan tâm, đất có nhưng không làm. Bên cạnh đó, việc chọn địa điểm nhà ở xã hội cũng có địa phương lựa chọn không phù hợp, dẫn đến không phát triển được dự án hoặc có phát triển dự án nhưng không có nhiều người về ở.
Nguồn: [Link nguồn]
UBND TP Hà Nội vừa trả lời kiến nghị của cử tri quận Tây Hồ về Dự án nhà ở và văn phòng làm việc theo hình thức...