Lo lãi suất tăng, người rao bán BĐS cắt lỗ hàng trăm triệu đồng, người mỏi mắt tìm mua
Trong khi những nhà đầu tư vốn mỏng rao bán BĐS cắt lỗ do lo ngại lãi suất tăng thì những người có nhu cầu nhà đất ở thực vẫn đang mỏi mắt tìm mua bởi mức giá người rao bán đưa ra vẫn vượt khả năng về tài chính.
Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động thời gian gần đây khiến những người vay vốn đầu tư và “lướt sóng” BĐS thời gian qua đứng ngồi không yên bởi viễn cảnh tăng lãi suất cho vay là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để giảm áp lực về tài chính, một số nhà đầu tư vốn mỏng đã buộc phải rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình. Anh Khải, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết đang chôn vốn 7 tỷ đồng vào 2 lô đất tại Sóc Sơn và Đông Anh. Trong đó có 3 tỷ đồng là sử dụng vốn vay ngân hàng. Trước áp lực về tài chính, thời gian qua nhà đầu tư này đã rao bán cắt lỗ lần lượt 200 triệu và 300 triệu đồng cho lô đất của mình để thoát hàng nhưng chưa chốt được khách.
Tương tự, anh Thành (Thanh Hóa) cũng cho biết đang rao bán 2 mảnh đất tại Bắc Giang để giảm áp lực về tài chính. Nhà đầu tư này cho biết chi 4 tỷ đồng mua hai lô đất này vào cuối năm 2021, trong đó có 50% là tiền đi vay.
Mục đích của anh là lướt sóng kiếm lời, với kỳ vọng mỗi mảnh lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng mỗi mảnh. Tuy nhiên, thị trường chững lại từ đầu năm khiến kế hoạch đổ bể. Hơn hai tháng qua anh rao bán cắt lỗ 300 triệu đồng hai lô đất nhưng chỉ vài người khảo giá chứ không xuống tiền chốt cọc.
Dù một bộ phận nhà đầu tư rao bán cắt lỗ nhưng BĐS vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn
Trong khi nhiều nhà đầu tư BĐS vùng ven và các tỉnh gặp khó khăn về thanh khoản thì những người đang tìm một chốn an cư tại Hà Nội vẫn đang mỏi mắt tìm những sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Chị Lan Anh (Nam Định) cho biết đã hơn 1 tháng nay gia đình mình tìm mua đất trong khoảng tài chính 1 tỷ đồng tại khu vực Hà Đông nhưng vẫn chưa tìm được thửa đất như ý. “Những thửa đất trong tầm giá 1 tỷ đồng được rao bán hiện nay là rất ít và phải đi xa, chưa kể vị trí không thuận lợi. Trong khi đó, những khu vực gần trung tâm, đông dân cư, vị trí thuận lợi lại có giá từ 1,4 đến 1,8 tỷ đồng khiến gia đình chưa thể chốt cọc vì vượt khả năng về tài chính”.
Cũng vì không muốn vay mượn ngân hàng để mua nhà đất thời điểm hiện nay nên trải qua gần 2 tháng chị Phượng (Bắc Giang) cũng chưa thể tìm được một nơi an cư cho gia đình.
Chị Phượng cho biết đầu tháng 9 đạt được thỏa thuận với chủ nhà về mảnh đất có giá trị 1,35 tỷ đồng tại khu vực Yên Nghĩa – Hà Đông. Tuy nhiên, vào phút cuối chủ nhà bẻ kèo không nhận cọc khiến kế hoạch mua đất xây nhà của gia đình chị vẫn chưa thực hiện được bởi thời gian gần đây mức giá được môi giới chào phần lớn từ 1,45 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng/lô.
Trước hiện tượng một số nhà đầu tư rao bán cắt lỗ BĐS để giảm áp lực tài chính trong thời gian gần đây, ông Lê Quốc Kiên – một nhà đầu tư BĐS cá nhân lâu năm tại TP HCM cho biết đã qua rồi giai đoạn cứ xuống tiền đầu tư BĐS là thắng.
Theo ông Kiên thị trường đang rơi vào giai đoạn trầm lắng do đó các nhà đầu tư cần hạn chế sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính, nếu sử dụng phải cân đối trong khả năng “dòng tiền ổn định có thể đóng ngân hàng hàng tháng mà ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”. Tăng khoản dự phòng, đề phòng trường hợp thu nhập bị sụt giảm đột ngột trong tình hình kinh tế khó khăn.
Ông Kiên lấy ví dụ bình thường có 1,5 tỷ tiền mặt, thu nhập hàng tháng 50 triệu là có thể mua BĐS 3 tỷ bằng 50% vốn tiền mặt (1,5 tỷ) và 50% vốn vay (1,5 tỷ). Tuy nhiên, tình hình hiện nay nên giảm giá trị mua còn 2,1 tỷ để tỷ lệ vốn tiền mặt trên vốn vay là 70% : 30% (1,5 tỷ : 0,6 tỷ), hoặc vẫn là tỷ lệ vốn tiền mặt trên vốn vay là 50% : 50% (1,05 tỷ : 1,05 tỷ) nhưng giữ lại 450 triệu cho quỹ dự phòng.
Tương tự, chia sẻ với báo chí ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản cho rằng, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Quan trọng là đầu tư vào phân khúc nào, chỗ nào sinh lợi nhiều nhất thì xuống tiền đầu tư.
"Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang tăng thì tốt nhất không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Nếu chọn được đúng phân khúc chất lượng và khả năng sinh lời cao thì hãy xuống tiền", ông Đính đưa ra lời khuyên.
Nguồn: [Link nguồn]
Nữ doanh nhân sinh năm 1979 người Hà Nội này vừa được bầu giữ vị trí Tổng giám đốc tại doanh nghiệp đang quản lý khối tài sản lên tới 10.000 tỷ đồng.