Lão nông làng Cự Đà làm nhà giả cổ, riêng tiền công ngốn hết cả tỷ đồng
Khi bắt tay vào xây dựng ngôi nhà này, nhiều người cho rằng ông “dở hơi” khi bỏ hàng tỷ đồng để xây nhà giả cổ trong khi nhiều gia đình khác đang phá đi để xây nhà cao tầng kiên cố.
Sinh ra và lớn lên tại làng miến Cự Đà, một trong những ngôi làng cổ giàu truyền thống tại miền Bắc. Ông Vũ Văn Tuấn, trú tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có đam mê đặc biệt với những nếp nhà cổ. Vậy nên, ông luôn ấp ủ dự định sẽ xây dựng cho riêng mình một ngôi nhà năm gian theo phong cách truyền thống.
Bắt tay vào làm kinh tế, ông Tuấn đã bươn trải đủ nghề để kiếm thêm thu nhập, từ việc nhận thêm đất ruộng canh tác, mở dịch vụ xay xát, nấu rượu đến mở trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi.
Ngôi nhà cổ được xây dựng trong vòng 25 năm bằng cả tâm huyết của lão nông làng Cự Đà.
Sau một thời gian, khi có được số tiền kha khá trong tay, ông bắt đầu đi các nơi, tìm hiểu và nghiên cứu những kiến thức văn hóa về nhà cổ. Mỗi chuyến đi, ông đều chụp ảnh và ghi lại những kiến trúc độc đáo của từng ngôi nhà rồi nghiên cứu cho phù hợp với ngôi nhà của mình.
“Tôi đi hết 7 tỉnh thành và tham quan hơn 30 nếp nhà cổ khác nhau rồi tự thiết kế và lên ý tưởng cho ngôi nhà 5 gian của chính mình. Từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện ngôi nhà, tôi mất khoảng 25 năm”, ông Tuấn chia sẻ.
Từng họa tiết được chủ căn nhà lựa chọn khắt khe và tinh tế bởi nhiều thân gỗ không đạt yêu cầu khi làm sẽ nhanh hư hỏng.
Thời điểm bắt đầu xây dựng ngôi nhà năm gian, ông Tuấn đã bỏ qua những lời nói ra vào, cười cợt, nói ông dở hơi khi bỏ tiền tỷ xây nhà giả cổ, trong khi trong làng rất nhiều gia đình đang phá nhà cổ để xây nhà cao tầng kiên cố.
Để có được ngôi nhà cổ như ý, ông đã đi khắp nơi tìm kiếm thợ có tay nghề và tìm hiểu, tìm mua từng loại gỗ.
“Tôi nhận thấy, gỗ xoan và gỗ mít rất thích hợp để làm nhà cổ truyền thống vì gỗ mít không bị mối mọt, cây mít cũng là loại cây gần gũi với người dân thôn quê Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ mít lâu năm.
Tuy nhiên, để kiếm được những cây mít to để lấy gỗ lõi thì không phải là chuyện dễ dàng, nhất là làm cột chính. Ông Tuấn phải tận dụng các mối quan hệ thân quen và những người thợ chuyên về gỗ ở các tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái, Đắk Lắk … tìm mua giúp.
Theo ông Tuấn, những ngôi nhà cổ thường làm thấp và nhỏ nên cảm giác sẽ bị bí. Do đó, để có ngôi nhà mang phong cách cổ truyền nhưng không bị lỗi thời, khi xây dựng, ông đã nới rộng và làm cao hơn so với những ngôi nhà cổ trước đây.
Từng đường nét hoa văn chạm trổ của ngôi nhà cổ được thể hiện theo đúng nét văn hóa của làng quê Việt xưa.
Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ mít lâu năm với các hoa văn được chạm khắc tinh tế bởi những người thợ có tay nghề cao. Toàn bộ hoa văn, tranh gỗ trong ngôi nhà đều mang những ý nghĩa khác nhau. Từng chi tiết trong ngôi nhà được ông tìm hiểu cẩn thận.
Chỉ tay vào bộ tứ linh ông Tuấn cho hay, từng chi tiết đều mang đậm nét đặc trưng từ thời Lý được chạm khắc cách điệu bay bổng và tỉ mỉ. Thoáng nhìn, người không am hiểu sẽ nghĩ là con rồng nhưng thực chất nó lại là cây cúc. Hay bức tứ quý: Xuân, hạ, thu, đông, tích văn chương cầu hiền, mây cuốn phong thư, bầu rượu túi thơ... cũng được ông bố trí rất hài hòa, đẹp mắt quanh ba gian giữa của ngôi nhà.
Bộ bức tranh cây cúc hóa long, cây mai hóa ly, từng chi tiết đều mang đậm nét đặc trưng từ thời Lý được chạm khắc cách điệu bay bổng và tỉ mỉ.
“Riêng tiền công để hoàn thiện ngôi nhà này cũng lên tới cả tỷ đồng nhưng đây là đam mê, là niềm tự hào mà tôi đã ấp ủ bấy lâu nay. Với tôi, đây là sự cố gắng của cả đời mình để nối tiếp nét văn hóa cổ xưa của cha ông và cũng là tác phẩm để lại cho con cháu thế hệ sau”, ông Tuấn bộc bạch.
Riêng tiền công làm ngôi nhà này cũng lên tới hàng tỷ đồng.
Nhà được làm theo phong cách truyền thống nhưng không bị lỗi thời.
Theo ông Tuấn, ngôi nhà là tâm huyết cả đời của mình để lại cho thế hệ sau.
Biệt phủ gây ấn tượng với diện tích rộng, thiết kế kiểu nhà truyền thống Bắc bộ xưa với nội thất toàn bộ làm...
Nguồn: [Link nguồn]