Làm sao để biết đất có tranh chấp, thuộc diện quy hoạch hay không?
Đất có nằm trong vùng quy hoạch hay đang xảy ra tranh chấp hay không là điều quan tâm của nhiều người khi có dự định mua đất.
Theo quy định người dân có quyền biết thông tin về đất đai (trừ danh mục tài liệu mật về đất đai thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an) như:
- Danh mục dữ liệu có trong cơ sở dữ liệu đất đai
- Thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt
- Khung giá đất, bảng giá đất đã công bố
- Thông tin về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai
Làm sao để biết đất có tranh chấp, quy hoạch hay không?. (Ảnh minh họa)
Hệ thống thông tin đất đai rất đa dạng nhưng người dân khi nhận chuyển quyền sử dụng đất (mua đất, chuyển đổi…) thì cần biết dữ liệu về một thửa đất cụ thể để tránh rủi ro.
Tuy nhiên, người có yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai phải ghi rõ mục đích sử dụng dữ liệu và cam đoan không sử dụng dữ liệu được cung cấp trái với quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ quan Nhà nước từ chối cung cấp dữ liệu đất đai thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Xác định đất có nằm trong vùng quy hoạch ở đâu?
Với thông tin quy hoạch, thì cơ quan phòng Tài nguyên của huyện, nơi mảnh đất tọa lạc sẽ nắm thông tin này và sẽ cung cấp thông tin khi có yêu cầu của người dân.
Căn cứ Khoản 2 Điều 49 Luật đất đai 2013 quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:
Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Theo quy định trên, nếu đất nằm trong diện quy hoạch đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện quyền sử dụng đất của mình. Nếu đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai 2013, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Khi đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Đất đang có tranh chấp sẽ không được thực hiện quyền chuyển nhượng
Theo Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, người sử dụng đất chỉ được thực hiện quyền chuyển nhượng mảnh đất này khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Để biết được đất có tranh chấp hay không thì người mua có thể hỏi, tìm hiểu qua các nguồn sau đây:
- Các chủ đất liền kề của thửa đất
- Cán bộ địa chính xã, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn.
- Cùng với chủ đất đến phòng tài nguyên môi trường để hỏi về tình trạng pháp lý của thửa đất.
Dính líu tới một vụ tranh chấp đất đai, ông chủ Facebook -Mark Zuckerberg có thể sẽ phải ra “hầu tòa”.