Lãi tiết kiệm tăng mạnh ở nhiều ngân hàng, người vay mua nhà, BĐS lo lắng
Trong tháng cuối cùng của năm 2021 một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất tiết kiệm để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Khi những người có tiền gửi tiết kiệm được hưởng lợi thì những người vay, đặc biệt là vay mua nhà lại có thêm lý do để lo lắng.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Đầu tháng 12, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng mạnh dành cho khách hàng cá nhân để hút tiền gửi, đồng thời áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, tặng quà. Mức tăng lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng từ 0,1 đến gần 1 điểm %/năm.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 1/12 của GPBank, lãi suất tiết kiệm của nhà băng này sẽ tăng 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại GPBank là 6,5%/năm, cho kỳ hạn 13 tháng.
Từ tháng 12, Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng tăng lên 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,7%/năm,...
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động ở tháng cuối cùng của năm 2021
Ngân hàng TMCP Đông Á cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn từ tháng 12. Với kỳ hạn từ 3-5 tháng, lãi suất huy động tăng 0,1 điểm %, lên mức 3,5%/năm. Kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng tăng đồng thời 0,1 điểm % và cùng niêm yết với mức 5,4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi đã tăng 0,2 điểm %, lên mức 6%/năm.
Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến (online) trong mùa dịch, nhiều nhà băng tung chương trình ưu đãi nhận quà và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online.
Kienlongbank tăng lãi suất huy động từ 0,16-0,26 điểm % với một số kỳ hạn với khách gửi tiết kiệm online, như gửi kỳ hạn 9 tháng được hưởng lãi suất 5,96%/năm, tăng thêm 0,26 điểm %/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,16 điểm %/năm, lên 6,76%/năm so với trước đó.
Tương tự, VPBank cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tới 0,4-0,8 điểm%/năm. Khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online, số tiền gửi từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất tới kịch quy định cho phép là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.
Nhìn chung, số lượng các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao từ khoảng 6,4% cho kỳ hạn từ 12 tháng hiện khá đông trong hệ thống. Hơn hết, các ngân hàng này đặc biệt ưu tiên lãi suất "cộng thêm" cho khách hàng có khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài, chưa kể còn 1 số điều kiện nếu đáp ứng sẽ được cộng thêm khác tùy theo chương trình ở mỗi nhà băng như gửi online, gửi vào sinh nhật, đáp ứng số tuổi (càng cao càng được ưu đãi), lãnh lãi cuối kỳ… Điển hình như dẫn đầu ở lãi suất huy động cao trên thị trường là mức 7,1% của Techcombank. Đây là lãi suất có điều kiện dành khách hàng gửi 999 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 12 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ.
Người vay mua nhà, BĐS phập phồng lo lắng
Khi những người có tiền nhàn rỗi được hưởng lợi khi lãi suất huy động của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong tháng cuối cùng của năm 2021 thì nhiều người vay, đặc biệt là vay mua nhà, đầu tư vào BĐS đang phập phồng lo lắng về khả năng ngân hàng tăng lãi suất cho vay.
Chị Nguyễn Thanh tại Hà Đông, Hà Nội chia sẻ bản thân từng hai lần vay ngân hàng để đầu tư vào BĐS nên mỗi lần nghe tin ngân hàng tăng lãi suất huy động là bản thân lại có chút lo lắng bởi không sớm thì muộn lãi suất cho vay cũng sẽ được nhà băng điều chỉnh tăng theo lãi suất tiết kiệm.
Những khách hàng vay mua nhà, đầu tư BĐS phập phồng lo lắng khi nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính lớn
Theo chị Thanh, trong các hợp đồng vay vốn ngân hàng khách hàng chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 6 đến 24 tháng đầu tiên của khoản vay. Sau thời hạn này, lãi suất sẽ được các ngân hàng thả nổi tính theo lãi suất huy động của kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng (tùy ngân hàng) công thêm biên độ từ 3 đến 4% (tùy ngân hàng, tùy mục đích vay trên hợp đồng). Việc ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài là thách thức lớn với những người vay vốn mua nhà hoặc đầu tư vào lĩnh vực BĐS thời điểm hiện tại.
Trong những ngày gần đây cộng đồng mạng xôn xao với chia sẻ của một khách hàng vay 3 tỷ đồng để mua nhà 6 tỷ tại quận 3, TP HCM. Theo khách hàng này, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến thu nhập bị giảm đi nhiều và bây giờ chỉ có khả năng trả nửa lãi ngân hàng, người vay đã phải nhờ gia đình hỗ trợ thêm. Khách hàng này đang khá lo lắng thời gian tới ngân hàng tăng lãi suất sẽ khiến khả năng trả nợ càng trở nên bế tắc nên muốn nhận được những lời tư vấn của mọi người trong diễn đàn.
Chia sẻ với chủ nhà này, không ít người đã khuyên chủ nhà bán đi tài sản của mình để tất toán khoản vay với ngân hàng và dành số tiền còn lại để đầu tư vào một vị trí khác có tiềm năng sinh lời cao hơn.
Trong khi đó, Anh Nguyễn Ngọc Cường một người có thâm niên gần 15 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và 7 năm trong lĩnh vực đầu tư BĐS tại TP HCM cho biết theo kinh nghiệm bản thân thì lãi suất huy động tiết kiệm sẽ tăng từ các ngân hàng nhỏ, dần dần sẽ kéo theo các ngân hàng lớn hơn tăng lãi suất huy động theo để giữ thị phần. Hệ quả là lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Ở góc độ của một khách hàng vay vốn, anh Cường cho biết việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay đồng nghĩa khách hàng sẽ phải trả thêm tiền lãi hàng tháng. Do đó, với những người đang vay ngân hàng mua nhà hoặc đầu tư vào BĐS thời điểm này cần quản lý tốt khoản vay của mình.
Theo anh Cường, người vay cần xét lại lãi suất khoản vay hiện tại là bao nhiêu? Còn được ưu đãi trong bao lâu? Và sau ưu đãi thì ngân hàng tính lãi như thế nào? Nếu trả trước hạn sẽ phải chịu phí phạt trả trước là bao nhiêu?
Sau khi xem xét các điều trên, người vay có thể cân nhắc tất toán khoản vay hiện tại và vay lại khoản vay mới để được ưu đãi thấp hơn, thời gian ưu đãi dài hơn tại chính ngân hàng đang vay. Hoặc tìm vay ở ngân hàng khác có chính sách lãi suất cho vay thấp và ưu đãi dài hạn hơn để có thể cân đối khả năng trả nợ của mình trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khiến Vietravel lỗ gần 300 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng đầu năm 2021. Đại diện doanh nghiệp...