Khung giá đất mới tăng khoảng 20%: Đối tượng nào hưởng lợi?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới ký nghị định ban hành quy định về khung giá đất mới, áp dụng cho 5 năm tới với mức tăng khoảng 20%.

Theo các chuyên gia việc điều chỉnh tăng khung giá đất giúp người bị thu hồi đất bớt thiệt thòi và làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tạo nguồn thu ngân sách từ đất hiệu quả hơn.

Giá đất điều chỉnh tăng 20%

Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020-2024 được tính từ ngày 19/12/2019 với mức điều chỉnh tăng khoảng 20% so với giai đoạn 2015-2019. Nghị định này thay thế cho nghị định số 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định khung giá đất. 

Khung giá đất mới áp dụng từ ngày 19/12/2019, với mức điều chỉnh tăng khoảng 20% so với giai đoạn 2015-2019

Khung giá đất mới áp dụng từ ngày 19/12/2019, với mức điều chỉnh tăng khoảng 20% so với giai đoạn 2015-2019

Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Ở khu vực này, khung giá đất mới quy định giá đất đô thị từ loại I đến loại V có mức tối đa là 65 triệu đồng/m2, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2.

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Giá đất khu vực này được quy định với các loại đất đô thị từ loại I đến loại V có mức tối đa là 162 triệu đồng/m2, tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2. 

Với nhóm các tỉnh vùng Bắc Trung bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có khung giá tối đa là 65 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 40 nghìn đồng/m2. 

Giá đất đô thị từ loại I đến loại V của vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận được quy định ở mức tối đa là 76 triệu đồng/m2, tối thiểu 50 nghìn đồng/m2. 

Tại vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, khung giá đất đô thị tối đa là 48 triệu đồng/m2, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2. 

Vùng Đông Nam bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM. Ở đây, mỗi mét vuông đất đô thị từ loại I đến loại V có mức giá tối đa là 162 triệu đồng, tối thiểu là 120 nghìn đồng. 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau có khung giá đất đô thị từ loại I đến loại V, có giá tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa 65 triệu đồng/m2.

Sẽ không tác động nhiều tới thị trường

Theo nghị định, khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Đồng thời, UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. 

Việc điều chỉnh tăng khung giá đất giúp người bị thu hồi đất bớt thiệt thòi và làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tạo nguồn thu ngân sách từ đất hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khung giá đất tăng cao cũng khiến nhiều người lo ngại chi phí đầu vào sản phẩm bất động sản cao hơn, kéo theo giá nhà tăng và giấc mơ mua nhà của họ ngày càng xa vời.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM - ông Lê Hoàng Châu, cho rằng giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại dự báo khi giá đất tăng, giá thành của các sản phẩm bất động sản không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Nói về tác động thị trường từ quy định trên đối với giá đất tại các địa phương, bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá Savills TP.HCM phân tích: “Nếu theo Luật Đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó việc điều chỉnh khung giá đất nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.

Cũng theo bà Linh, bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá đất tăng, giá bất động sản liệu có ”lên mây”?

Giá đất theo quy định tăng có thể giúp tăng thu ngân sách trước mắt nhưng người dân muốn mua nhà sẽ vất vả hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN