Không đưa quy định “sở hữu nhà chung cư có thời hạn” vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp thứ 21, tháng 3.2023.
Về vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn cho việc sử dụng.
Việc này nhằm mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất của cơ quan thẩm tra để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đồng thời, tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án. Từ đó làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất.
Đồng thời, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về các nội dung lớn của dự thảo luật gồm quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở... đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Đồng thời, việc này cần đảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…
Đối với một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh sơ hở, lợi dụng gồm bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội... đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật để hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát phù hợp.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện quy định phù hợp, khả thi, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Đối với những nội dung giao quy định chi tiết, đề nghị nghiên cứu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, nhất là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, tờ trình và hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật chậm nhất là ngày 10.4.2023 để thẩm tra chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5.2023) theo quy định.
Thời hạn sở hữu nhà chung cư thời gian qua luôn là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của nhiều chuyên gia và dư luận xã hội.
Trước đó, tại dự thảo lần 5 của Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng vẫn đưa ra hai phương án về sở hữu chung cư. Một là sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Hai là không quy định niên hạn (phương án trong luật hiện hành).
Quan điểm của cơ quan soạn thảo nghiêng về phương án 1 với định hướng cần thiết quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Nhưng nhìn nhận ở một góc độ khác, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng cơ quan soạn thảo cần đánh giá cẩn trọng, kỹ càng tác động từ quy định này.
Theo ông Tuấn, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Trong hai phương án được đưa ra, ông Tuấn đề nghị cân nhắc chọn phương án không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi những người có nhu cầu về chỗ ở khó mua được những BĐS giảm giá từ 40-50%, thì những đại gia đang sẵn sàng chi cả nghìn tỷ để gom những lô đất, dự án lớn.