Khốn khổ sống trong căn hộ tiền tỉ giữa Hà Nội, bán không đành, ở không xong
“Khu chúng tôi tổng số có 62 hộ dân thì chỉ còn 28 hộ còn sống ở đây thôi, số còn lại họ để nhà không hoặc cho người có thu nhập thấp thuê giá rẻ”.
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Minh Anh, 81 tuổi, trú tại nhà C2, khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) về tình trạng xuống cấp của các căn hộ tại khu tập thể này hiện nay khiến hàng chục hộ dân không thể sống trong chính căn nhà của mình.
Bà Minh Anh cho biết, trước đây bà là giáo viên, chồng bà là cán bộ Bưu điện, chuyển đến ở căn hộ rộng 26,8m2, khu tập thể Kim Liên từ năm 1964 đến nay là gần 60 năm.
Gian bếp nhỏ của gia đình bà Minh Anh với gần chục chiếc chậu hứng nước dột từ mái xuống, nấu cơm bà cũng phải đội nón.
Gần hết cuộc đời gắn bó với khu tập thể này, không biết bao nhiêu lần bỏ tiền ra sửa chữa, tu tạo lại nhưng hiện nay, bà cho biết, trời không mưa nhưng trong nhà lúc nào cũng dột, phải mang chậu ra để hứng.
“Căn C1 và C2 của khu tập thể này được xây dựng đầu tiên, trần nhà làm toàn bộ bằng tấm barem chứ không được đổ bê tông cốt thép nên nhiều năm nay, nước thải từ tầng trên cứ ngấm xuống tầng dưới cả ngày lẫn đêm”, bà Minh Anh nói.
Chỉ vào gần chục chiếc chậu nhựa đủ màu sắc, bà Minh Anh cho biết, ngày cũng như đêm, nhà bà phải dùng chậu để hứng nước do tầng phía trên chảy xuống. Nấu cơm cũng phải đội nón, che phía trên kẻo nước nhỏ xuống bẩn hết người vì toàn bộ nước ngấm xuống đều là nước thải.
“Nấu cơm là phải đội nón. Nhiều khi nấu xong nồi canh rồi, chưa kịp cho ra bát thì nước nó chảy hết vào nồi, phải đổ đi. Tôi nhớ như in chiều hôm mùng 1 Tết năm vừa rồi, nhà tôi phải đổ cả mâm cỗ đi, con cái không dám về đây ăn uống vì sợ bẩn”, bà Minh Anh thở dài.
Đồ đạc trong nhà phải che chắn, đậy cẩn thận bằng nilon vì sợ nước bẩn rớt xuống.
Hơn 30 năm làm tổ trưởng của dãy nhà tập thể C2, ông Trần Đình Tuấn, 94 tuổi cho biết, hầu hết các công trình phụ ở khu tập thể này đều hỏng hết rồi, nước từ nhà này chảy xuống nhà kia đều là nước bẩn, nước thải sinh hoạt.
“Vợ tôi đêm nào cũng phải chạy lên tầng, đi dọc hành lang để quét, cho nước đỡ chảy xuống nhà mình. Có hôm 1,2 giờ sáng, có hôm 3 giờ sáng thấy nước nhỏ lộp bộp là lại dậy để quét”, ông Tuấn cho hay.
Mỗi ngày, người dân tầng dưới phải lên hành lang tầng trên để quét nước khỏi chảy xuống nhà mình.
Bên trong nhà vệ sinh của gia đình, ông Tuấn phải dùng một chiếc ô lớn để che phía trên của bồn cầu. Ông cho biết, đi đánh răng, rửa mặt cũng phải đội nón, đi tắm hay đi vệ sinh cũng phải che ô kẻo nước dột xuống bẩn hết người.
Theo ông Tuấn, vì khu nhà xuống cấp nghiêm trọng nên quá nửa số hộ dân ở đây đã chuyển đi nơi khác sống, 64 hộ bây giờ chỉ còn 28 hộ, toàn bộ là các ông bà già.
“Họ chuyển đi, nhà thì cho thuê lại, nhà thì bỏ không vì xuống cấp quá họ cũng không ở. Những người đến đây thuê cũng là người thu nhập thấp, giá thuê rẻ nên họ ở”, bà Minh Anh cho hay.
Bà Thuỷ chỉ những chỗ nứt nẻ, loang lổ trên trần khu tập thể.
Từng bỏ số tiền 500 triệu đồng cách đây 18 năm để mua căn tập thể tầng 2, dãy nhà C2, khu tập thể Kim Liên, bà Trần Thị Thu Thuỷ (SN1955) cho biết, trước khi dọn về đây sống, gia đình bà đã chi số tiền gần bằng một nửa tiền mua nhà để cải tạo lại.
Tuy nhiên, theo bà Thuỷ, tất cả công trình phụ của dãy tập thể hỏng hết nên một mình nhà bà sửa cũng không ăn thua.
Dọc hành lang, trần nhà bong cả tảng để lộ những thanh sắt hoen gỉ.
“Nói chung xuống cấp lắm, khổ lắm, nhà tôi phá bỏ hết, bóc hết, ốp lát làm mới hoàn toàn mà tầng trên vẫn chảy nước xuống tầng dưới. Chưa kể có hôm đang ăn cơm, cả mảng vôi bữa trên trần nhà nó lở xuống một đống”, bà Thuỷ nói.
Khổ là vậy, khó khăn là thế nhưng nhắc đến chuyển đi nơi khác, bà Minh Anh và bà Thuỷ hay ông Tuấn đều lắc đầu vì nơi đây đã gắn bó với họ bao nhiêu kỷ niệm của cả cuộc đời. Đây không chỉ là một chỗ ở mà là ngôi nhà, cùng họ trải qua bao khó khăn, vất vả cũng như chứng kiến những sự kiện lớn nhỏ của cả gia đình.
“Năm nay tôi 81 tuổi rồi, chồng tôi cũng 94 tuổi, gần hết cuộc đời sống ở đây, không biết bao giờ mới hết khổ. Chúng tôi chỉ mong thành phố sớm cho xây dựng lại các khu tập thể cũ, xuống cấp như thế này để người dân chúng tôi không phải sống trong không gian chật hẹp, xuống cấp như thế này nữa”, bà Minh Anh bộc bạch.
Nguồn: [Link nguồn]
Những căn hộ bị xuống cấp trầm trọng trở nên nhếch nhác bởi các bức tường loang lổ, bay mất cả mảng vữa hay chuồng cọp nhằng nhịt.