Vay tiền đầu tư đất, NĐT tay ngang méo mặt vì lãi suất
Những tưởng nhẹ nhàng mang về lợi nhuận 30- 50%, nhưng thực tế khá nhiều nhà đầu tư đau đầu, khổ sở bởi “món hời” lại đang là cục nợ lớn dần.
Chị Quyên (quê Bắc Giang) – chuyên viên tại một công ty thương mại điện tử chia sẻ, chứng kiến cơn sốt đất vùng ven năm 2021, sau khi tham khảo một vài môi giới chị đã dùng 600 triệu tiền tiết kiệm bấy lâu, đồng thời vay thêm 800 triệu để mua lô đất nền 1,4 tỷ đồng tại quê nhà với hy vọng sẽ lãi gấp đôi sau vài năm.
Cũng theo chị Quyên, để vay được số tiền 800 triệu ngân hàng, chị phải nhờ bố mẹ đứng tên thế chấp sổ hồng của ông bà ở quê.
Khi mua, chị nhẩm tính, lãi suất cho vay đến quý IV/2022 giữ mức 11% một năm, mỗi tháng trả nợ gốc và lãi chiếm 65% thu nhập, nhà đầu tư này tin vẫn dè xẻn, liệu cơm gắp mắm được.
Nhà đầu tư vay tiền đầu tư BĐS lo lắng vì áp lực trả lãi hàng tháng
Tuy nhiên, 2 tháng gần đây do doanh thu của công ty giảm đáng kể, nên thu nhập của chị Quyên giảm gần 1 nửa. Số tiền đó chỉ đủ chị trang trải cuộc sống, trong khi hết tháng 12 sẽ hết thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi và chuyển sang lãi suất thả nổi. Khi đó, nợ gốc và lãi có thể ăn mòn thu nhập, khiến chị Quyên thực sự bế tắc.
“Hơn 1 tháng nay tôi đã gửi sàn môi giới bán lô đất với giá 1,7 tỷ đồng, căn cứ theo kỳ vọng biên lợi nhuận 8 tháng tăng giá 10% (một năm lợi nhuận 15%) như lời chào mời lúc bán dự án. Tuy nhiên, sales cho hay thị trường đang chững lại do tác động của kiểm soát tín dụng. Ngay cả rao bán giá gốc cũng rất ít giao dịch, nên họ khuyên tôi cố gắng giữ đất thêm một thời gian” – chị Quyên chia sẻ.
Khi làm hồ sơ vay 800 triệu đồng mua đất, chị Quyên tin tưởng sau một hai năm đất tăng giá, chỉ cần bán chênh khoảng 50% cũng sẽ giúp chị bù đắp được số tiền lãi trong thời gian vay. Song, lúc này thu nhập sụt giảm, lãi suất ngân hàng rục rịch tăng, trong khi thanh khoản thị trường yếu khiến chị không còn lạc quan như lúc đầu.
"Chưa lời được đồng nào nhưng đều đặn tồi nộp gần hết khoản thu nhập hàng tháng. Chỉ tháng sau thôi, năm 2023 khi lãi suất tăng lên, nếu thị trường tiếp tục khó khăn, thực sự tôi chưa biết giải quyết cách nào với khoản nợ này", chị Quyên nói thêm.
Ghi nhận cho thấy, thị trường BĐS tăng dần hiện tượng cắt lỗ, bán tháo BĐS ở các nhà đầu tư áp lực dòng tài chính. Thậm chí, theo một số chuyên gia, xu hướng giảm chưa có dấu hiệu dừng lại nếu tình hình thị trường không có chuyển biến mới. Theo đó, trạng thái “ngủ đông” có thể sẽ tiếp tục lan rộng trên diện rộng hơn.
Nói như một chuyên gia trong ngành thì tâm lý bao trùm thị trường BĐS hiện nay là “chờ”. Bên cạnh các nhà đầu tư sẵn dòng tiền chờ các động thái từ thị trường mới đưa ra quyết định đầu tư thì các nhà đầu tư non vốn cũng đang cố “gồng” để chờ thị trường phục hồi. Chính động thái chờ này khiến thị trường cuối năm lại càng ảm đạm thanh khoản.
“Thị trường bất động sản đang đối mặt với nghịch lý đã xuất hiện nhiều người bán nhưng ít người mua. Hiện nay, những nhà đầu tư, hoặc người có nhu cầu mua thực đang có tâm lý đợi giá giảm sâu hơn khiến thị trường trầm lắng”, - ông Dũng, Giám đốc một sàn giao dịch tại Hà Nội cho hay.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group đưa ra nhận định, mức lãi suất tăng đang tác động mạnh đến nhà đầu tư và tiếp tục sẽ còn để lại hệ luỵ khó cho thị trường. Vị này cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể đây sẽ là cú “knock out” thị trường sau đại dịch.
“Thị trường đang chững lại, người bán kẹt vốn, cắt lỗ để bán thu hồi vốn. Trong khi, người mua thấy lãi suất cao e ngại, nếu có nhà đầu tư chấp nhận lãi suất cao để vay lại khó tiếp cận nguồn vốn do hết “room”.
Với vòng luẩn quẩn như hiện nay, việc thị trường rơi tự do trong thời gian tới là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời. Như vậy, kịch bản trong tương lai của thị trường bất động sản sẽ chưa có tín hiệu quá khả quan cho một sức bật phục hồi thực sự” – ông Thắng phân tích.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì, biến động của thị trường hiện tại xuất phát từ nội tại của bất động sản. Thế nên, để chờ đợi giải cứu là việc khó.
“Mỗi nhà đầu tư bất động sản hãy tự nghĩ cách cứu mình. Các nhà kinh doanh BĐS phải quen với cách mình ăn lãi lớn lúc thị trường nóng và chấp nhận lỗ khi thị trường rơi vào cảnh giá lạnh” - Ông Võ cũng nhấn mạnh.
Thực tế, với các nhà đầu tư, những quyết định đưa ra phải phụ thuộc vào tình hình tài chính nội tại, khả năng gồng lỗ cho bất động sản, tính thanh khoản của sản phẩm cũng như sức chịu đựng tác động từ thị trường từ mỗi người.
Trong tháng 12 này, tại một số huyện vùng ven Hà Nội – địa phương từng diễn ra “cơn sốt đất”, sẽ có 111 lô đất được mang ra đấu giá, mức giá khởi điểm từ 10,1 -...
Nguồn: [Link nguồn]