Khó khăn dòng tiền: Chủ đất "năn nỉ cấn trừ nợ", "rao bán phá giá" loạt đất nền
Do khó khăn dòng tiền, thị trường bất động sản ngày càng xuất hiện nhiều thông tin rao bán giảm giá, cắt lỗ, hy hữu có những trường hợp chấp nhận bán “phá giá”, thậm chí năn nhỉ gán đất trừ nợ...
Anh Thọ (Hà Nam) – Chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng chia sẻ: “Do không có khả năng trả khoản tiền mua vật liệu làm nhà, một người quen vượt gần 20 km năn nỉ tôi mua lô đất của họ để cấn số tiền đang nợ”.
Theo chia sẻ của anh Thọ, một người quen của anh mới hoàn công ngôi nhà ở quê, cách thị trấn 19 km, trong đó, tiền nội thất anh ấy đặt mua của anh Thọ với tổng số tiền là hơn 400 triệu đồng.
"Do không có khả năng trả nợ, người quen năn nỉ tôi mua lô đất của họ để cấn số tiền đang nợ" - nhật vật chia sẻ
“Tôi bán vật liệu trang trí nội thất còn anh ấy thuê đất gần nhà tôi làm cửa hàng nhôm kính. Do có quen biết như vậy nên tôi đồng ý cho nợ mà không nghĩ ngợi gì.
Khi nhà xây xong nhưng anh không có tiền thanh toán. Sau đó, anh ấy tới nhà tôi đề xuất gán nợ bằng một lô đất và chia sẻ thật lòng là trước đó mua lô đất giá một tỷ, bây giờ nếu tôi đồng ý mua lại thì anh ấy để giá 900 triệu, cấn qua phần đang nợ thì tôi đưa thêm anh ấy hơn 500 triệu đồng.
Tôi suy nghĩ thật lâu với lời đề nghị lấy đất cấn nợ, sau đó quyết định từ chối.
Bởi, với tình hình hiện nay, nếu lấy lô đất tôi vừa không lấy được khoản nợ vừa phải bỏ thêm ra số tiền 500 triệu rồi lô đất lại bỏ không trong nhiều năm, trong khi không có vốn kinh doanh, chưa kể giá đất có thể còn giảm nữa” – anh Thọ chia sẻ.
Thực tế, thị trường bất động sản đến nay vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, thông tin rao bán giảm giá, “cắt lỗ” ngày càng lan rộng tại nhiều khu vực. Cùng với áp lực tài chính lớn, một số nhà đầu tư đã chấp nhận bán “phá giá” để trả nợ.
Thông tin rao bán giảm giá, “cắt lỗ” nhà đất ngày càng lan rộng tại nhiều khu vực
Mới đây, tại Bắc Giang, một lô đất có diện tích 90m2 thuộc khu đấu giá trên địa bàn thị trấn Neo (huyện Yên Dũng), đang được rao bán với mức giá 2,3 tỷ đồng, tương đương 25,5 triệu đồng/m2.
Môi giới tên H. cho biết, mảnh đất này do chủ trúng đấu giá vào cuối năm 2021 với mức giá hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chủ nhà gặp khó khăn về tài chính nên chấp nhận bán rẻ hơn so với các lô đất xung quanh khoảng 200 - 300 triệu đồng.
“Nếu anh tìm được mảnh đất nào rẻ hơn giá này, chủ đất sẵn sàng bán thấp hơn 300 triệu đồng so với các lô đất tương tự, chắc chắn không tìm được mảnh thứ 2 như này tại đây”- người môi giới khẳng định.
Được biết, tình trạng đất nền bán phá giá cũng xảy ra tại một số vùng ven Hà Nội với mức giá bán rẻ hơn so với thị trường khu vực khoảng 50 - 200 triệu đồng/lô.
“Những trường hợp rao bán phá giá thị trường thường do đến hạn trả nợ ngân hàng, hoặc gặp khó khăn về dòng tiền nên cần bán gấp. Thậm chí, ngoài việc bán giá thấp hơn, một số chủ đất còn chấp nhận bao hết chi phí sang tên cho người mua. Tuy nhiên, đây là những trường hợp cá biệt, không đại diện cho toàn bộ thị trường”, - anh Toàn, một môi giới cho biết.
Theo thống kê quý I/2023 của Bộ Xây dựng, phân khúc đất nền ghi nhận 67.268 giao dịch thành công. Qua số liệu cho thấy, lượng giao dịch đất nền trong quý vừa qua giảm gần 55% so với quý trước đó và giảm 56% so với cùng kỳ. Nếu so sánh số lượng trên với thời điểm thị trường diễn biến sôi động nhất (quý II/2022; lượng giao dịch đất nền là 213.018), lượng giao dịch đất nền đã giảm 68,4%.
Phiên giao dịch đầu tuần cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Bình được giải cứu, vọt tăng trần sau khi Hội đồng quản trị thông qua hàng loạt quyết định quan trọng về tài chính,...
Nguồn: [Link nguồn]