Khách thuê liên tục thua lỗ, mặt bằng triệu USD bỏ không cả loạt
Kinh doanh "ế ẩm"khiến hàng loạt chủ shop trả mặt bằng. Ở phía người cho thuê cũng đối mặt muôn vàn khó khăn bởi áp lực trả lãi vay, mất cả triệu đồng mỗi ngày vì mặt bằng bỏ trống. Để giữ chân người thuê, nhiều chủ nhà mặt phố khu vực nội thành Hà Nội chấp nhận giảm giá từ 10 - 30%...
Kinh doanh thua lỗ, loạt khách hàng trả mặt bằng
Nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều chủ cửa hàng kinh doanh trên các con phố lớn đang phải cân nhắc đến việc trả mặt bằng, tìm kiếm địa điểm kinh doanh có chi phí rẻ hơn.
Chị Nhung, quận Cầu Giấy (Hà Nội) – chủ 2 cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang cho hay, trong tháng 12 tới là hết hạn hợp đồng một trong hai cửa hàng. Hiện nay, chị đang phân vân có nên duy trì thuê tiếp hay dừng lại vì doanh thu thời gian gần đây giảm nhiều.
“Trước đây tôi bán rất chạy do chịu khó trang trí cửa hàng, thu hút nhiều khách. Nhất là các dịp cuối năm, Tết, 8/3 Quốc tế phụ nữ bán không kịp ăn cơm. Nhưng hơn nửa năm nay buôn bán rất chậm, hàng tồn nhiều.
Nhiều chủ cửa hàng thời trang đang rao sang nhượng mặt bằng do kinh doanh khó khăn
Tôi có chuyển đổi bán qua các kênh online, đơn hàng cũng tương đối nên cũng gánh gồng một phần doanh thu. Tuy nhiên, hiện tại tôi gồng lỗ cho hai cửa hàng vài triệu đồng mỗi ngày cho các khoản chi phí mặt bằng, điện nước, tiền bảo vệ, tiền nhân viên,...
Hiện tôi đang tính toán hoặc là trả hết cả hai mặt bằng, cố gắng bán hàng online tại nhà; hai là trả bớt một mặt bằng, cố gắng gồng lỗ giữ lại một để làm thương hiệu offline, đồng thời đẩy mạnh làm nơi livestream bán hàng online. Tôi tiếp tục nghiên cứu mẫu quần áo hot, đa dạng nhưng giá tiền vừa phải để giữ thương hiệu”... chị Nhung chia sẻ.
Tương tự, anh Đô (kinh doanh quán ăn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông tin, tiền thuê cửa hàng mỗi tháng tại đây hết 40 triệu đồng/tháng nhưng sau khi trả tiền thuê nhân viên, các chi phí khác, anh Đô đã phải bù lỗ từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Không còn cách nào, vợ chồng anh Đô đang phải tìm kiếm cửa hàng khác có giá thuê thấp hơn để tiết kiệm chi phí.
Nhiều nhà hàng, quán ăn cũng phải tái cấu trúc do gặp khó khăn
Trong khi đó, anh Dũng (quận Đống Đa) là chủ kinh doanh loa đài, dàn karaoke hàng Nhật bãi ngay ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh cũng đang tìm đối tác nhượng lại mặt bằng kinh doanh bởi không chịu được giá thuê hiện tại. Anh Dũng cho biết chi phí mặt bằng gần đây đã "ngốn" hết lợi nhuận khiến anh phải bù lỗ khá nhiều. “Một năm nay, tôi đã thắt chặt nhiều khoản để trang trải, hỗ trợ việc buôn bán, cho nên sau khi tính toán, tôi chấp nhận sang nhượng với toàn bộ nội thất, để nhanh chóng chuyển hướng làm ăn, đồng thời cũng không mất tiền cọc gần 20 triệu đồng.
Trên một số diễn đàn cho thuê mặt bằng, một số chủ cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội cũng liên tục đăng tin sang nhượng cửa hàng.
Chủ nhà hết thời hét giá thuê mặt bằng cao "ngất"
Theo khảo sát của phóng viên, dù đã bước vào giai đoạn cao điểm của mùa kinh doanh cuối năm nhưng nhiều mặt bằng trên tuyến phố trung tâm Hà Nội tại các quận như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân… vẫn đang treo biển cho thuê.
Bà Hồng (cho thuê mặt bằng trên phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa) chia sẻ, cửa hàng có diện tích 70m2, lâu nay gia đình đã cho thuê với mức giá 60 triệu đồng/tháng. Từ tháng 9/2023 đến nay, khi hết hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh, chủ cửa hàng đã dọn đi. Bà Hồng treo biển, giảm giá xuống còn 50 triệu đồng/tháng nhưng đến nay vẫn chưa có khách chốt thuê.
“Kinh tế khó khăn và buôn bán chậm nên giờ nhiều người dù muốn kinh doanh nhưng vẫn lo nhất là tiền thuê mặt bằng cửa hàng. Tôi cũng đã giảm giá thuê mặt bằng hết mức có thể nhưng nhiều khách chỉ hỏi suông rồi không quay lại” - bà Hồng nói.
Nhiều mặt bằng có giá triệu USD để trống cả năm vẫn chưa tìm được khách thuê
Treo biển cho thuê mặt bằng trên phố Phạm Ngọc Thạch suốt từ tháng 6/2023 đến nay nhưng vẫn chưa tìm được người thuê, chị Vân thông tin, căn nhà mặt phố 3 tầng của gia đình đang cho thuê với giá 45 triệu đồng/tháng.
Theo chị Vân, trước đây khách hàng thường thuê mặt bằng khu vực này để buôn bán quần áo, mỹ phẩm với hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19, tình hình kinh doanh khó khăn, có không ít nhãn hàng đã phải trả mặt bằng rời đi vì không gánh nổi chi phí.
Ông Chính – chủ nhà tại phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, thông tin giá thuê nhà phố tại khu vực này thường duy trì ở mức 50 - 65 triệu đồng/tháng từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây một số nhà đã giảm giá thuê từ 5 - 10% để thu hút khách hàng có nhu cầu thuê để kinh doanh. Thậm chí, nhiều chủ nhà chấp nhận giảm giá 20% - 30% trong 12-18 tháng đầu để thu hút khách thuê.
"Nhu cầu thuê tại khu vực này thường rất cao tuy nhiên khi hỏi mức giá thì nhiều khách hàng bỏ chạy vì giá thuê quá tầm. Một số nhà chỉ cho thuê được vài tháng rồi khách hàng đàm phán giảm giá thuê hoặc sẽ trả mặt bằng. Nguyên nhân cũng bởi kinh tế khó khăn, tình hình kinh doanh, buôn bán ế ẩm nên khách thuê cũng muốn chủ nhà hỗ trợ giảm giá để ký hợp đồng thuê lâu dài", ông Chính cho biết.
Hiện nhiều căn liền kề khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) đã xây dựng 4 tầng đang được treo biển cho thuê với giá giảm đáng kể so với trước đây. Giá thuê các căn liền kề này được rao khoảng 22-30 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và khách thuê phải thanh toán 6 tháng/kỳ, đặt cọc 1 tháng. Giá cho thuê các căn liền kề hoàn thiện chênh lệch 7-8 triệu đồng so với các căn xây thô.
Nhiều căn đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng vẫn bỏ trống
Trên đường Tố Hữu (Hà Đông) hay khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), hàng trăm mặt bằng có giá cả triệu USD/căn cũng đang được bỏ trống, xuống cấp do không có khách thuê. Nhiều người có mặt bằng cho thuê tại đây thậm chí đang rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình, tuy nhiên dù treo biển từ vài tháng tới cả năm nhưng vẫn chưa tìm được khách mới.
Theo một khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn, cả nhu cầu và giá thuê nhà phố đều suy giảm. Cụ thể, nhà mặt phố tại quận Hoàn Kiếm như: phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo và khu vực phố cổ thì tình trạng mặt bằng bị khách trả trước hạn do không kinh doanh được đang giảm từ 5 - 10%.
Theo đó, tại phố Bà Triệu nhiều chủ nhà chào giá thuê dao động 130 - 450 triệu đồng/m2 với diện tích khoảng 150m2, thấp hơn 10% so với năm 2022 (từ 150 - 500 triệu đồng/m2). Những mặt tiền kinh doanh nhỏ hơn, có diện tích từ 50 - 60m2, giá chào thuê nhà phố hiện tại cũng chỉ đang ở mức 55 - 84 triệu đồng/tháng, giảm từ 5-10% so với cùng kỳ năm 2022 (từ 60-90 triệu đồng/tháng).
Còn giá thuê nhà mặt phố Trần Hưng Đạo từ mức 160-500 triệu đồng/tháng với các diện tích lớn cũng giảm xuống 150-460 triệu đồng/tháng. Các diện tích nhỏ 40-60m2, giá thuê ghi nhận trên một số hợp đồng cũng chỉ đạt mức 40-70 triệu đồng/tháng, giảm khoảng 10% so với năm 2022.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm 2022 tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định. Tuy nhiên, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Theo đó, tại Hà Nội, mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng xuất hiện nhiều tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy,... Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và giá thuê nhà phố vẫn cao "quá sức chịu đựng" của khách hàng.
Không ít chủ nhà đang buộc phải rao bán khoản đầu tư của mình sau nhiều năm bỏ trống
Còn theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường mặt bằng cho thuê nhà phố bắt đầu có hiện tượng “ế” xuất hiện từ quý II/2023, đặc biệt là ở các căn nhà phố riêng lẻ tại Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân bởi việc các doanh nghiệp thu hẹp dần quy mô, nguy cơ “dư cung” tạm thời rất dễ xảy ra với phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ cho thuê.
Góp ý thêm về thực trạng này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, những tháng vừa qua, nhiều hộ kinh doanh, thương hiệu, nhãn hàng đã phải trả mặt bằng, tháo chạy khỏi các tuyến phố lớn. Nguyên nhân bởi ngành bất động sản ảm đạm, đóng băng đã tác động lớn đến sức mua sắm của nhiều cửa hàng dịch vụ, toàn bộ nền kinh tế khi tiêu dùng giảm rõ rệt.
Theo báo cáo hành vi người tiêu dùng Việt Nam 2023 của McKinsey & Company, người tiêu dùng Việt Nam mặc dù đang lạc quan song cơ bản họ vẫn giữ thái độ thận trọng, dần thay đổi hành vi tiêu dùng sang hình thức mua sắm trực tuyến.
Đáng chú ý, nhiều người tiêu dùng có xu hướng giảm thiểu chi tiêu trên hầu hết ngành hàng, trừ một số ngành hàng cốt lõi như tạp hóa, xăng dầu, ngành hàng sức khỏe cá nhân, ngành hàng mang tính trải nghiệm cao và chất lượng tiên tiến.
Nhà đầu tư BĐS cho thuê cần chú ý điều gì?
Việc hàng loạt đơn vị kinh doanh liên tục trả mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tâm lý các nhà đầu tư phân khúc mặt bằng cho thuê. Nhiều người lo lắng số tiền cho thuê không gánh được chi phí lãi vay ngân hàng do đó vẫn e dè khi quyết định xuống tiền đầu tư vào phân khúc này.
Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Thế Điệp thông tin, nhà đầu tư và kinh doanh cần tính toán cẩn thận, nhìn rõ chỗ nào kinh doanh tốt hoặc không tốt vì xu thế thời đại bây giờ là hình thức buôn bán trực tuyến. Cho nên những khu có thể kinh doanh mặt hàng truyền thống mà không thể bán hàng trực tuyến được là nơi đáng cân nhắc. Ví dụ như đồ ăn cũng là lĩnh vực khó bán online. Ngoài thưởng thức món ăn, người ta còn thưởng thức không gian, vị trí mặt hồ hoặc phố đi bộ.
Nhà đầu tư được khuyên cần tính toán cẩn thận khi đầu tư vào BĐS cho thuê
Ngoài ra, những xu thế cần bắt kịp hiện nay có thể kể đến như xu thế gia đình nhỏ, căn hộ nhỏ, đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị nhiều tiện ích.
“Khi mua mặt nhà ở mặt hồ và phố đi bộ phải cảnh giác, tính toán. Điều gì là xu thế thì phải cái bắt nhịp ngay, thích ứng ngay thì mới thắng lợi. Nếu không thích ứng được, không nắm bắt được xu thế thời đại thì thường việc mua bán, kinh doanh sẽ thua”, ông Điệp nhận định.
Trong khi đó, một Giám đốc công ty chuyên bất động sản cho thuê, khu vực Hà Nội thừa nhận rằng mặt bằng, nhà cho thuê sẽ tiếp tục gặp khó nếu các chủ nhà vẫn tiếp tục neo giá cao, trong khi nhiều doanh nghiệp, khách thuê đang gặp khó khăn về tài chính. Bên cạnh sự phát triển của các tòa nhà, trung tâm thương mại được đầu tư bài bản càng khiến mặt bằng nhà phố trung tâm giảm sức hút, nếu vừa đắt đỏ, vừa tồn tại nhiều hạn chế trong vận hành và tiện ích đỗ xe cho khách đến mua sắm.