Hết thời tăng giá gấp đôi, hàng nghìn biệt thự, liền kề không có thanh khoản dù giảm cả tỷ đồng
Có thời điểm những căn biệt thự, liền kề, thậm chí những căn nhà dù bỏ không nhiều năm cũng tăng gấp 2 lần, tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn những căn nhà này lại rơi vào tình trạng không có giao dịch dù chủ nhà giảm cả tỷ đồng.
Theo đà tăng của đất nền, trong thời gian gần đây một số khu đô thị phía Tây Hà Nội có mức giá tăng vọt, trung bình từ 20 - 30%/năm, thậm chí có những căn đã tăng gấp 2 lần sau chưa đầy 2 năm, thậm chí những căn nhà dù bỏ không nhiều năm cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng, cùng với phân khúc đất nền, các căn biệt thự, liền kề cũng đồng loạt giảm giá hàng tỷ đồng, thậm chí thanh khoản gần như không có.
Nhiều căn biệt thự, liền kề ven Hà Nội vắng bóng khách giao dịch dù giảm giá hàng tỷ đồng
Khảo sát giá liền kề, biệt thự tại một số khu đô thị trên địa bàn Hà Nội hiện nay, đa phần mức giá dao động từ 75 - 300 triệu đồng/m2, tùy vị trí và giá trị khai thác của sản phẩm. Cụ thể, tại khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) giá nhà liền kề, biệt thự dao động tư 75 - 130 triệu đồng/m2; Khu đô thị Vân Canh giá biệt thự, liền kề tại mặt đường 17,5m có giá từ 70 - 110 triệu đồng/m2; dự án liền kề, biệt thự tại Thanh Đàm (Hoàng Mai) có giá dao động từ 110 - 150 triệu đồng/m2;...
Anh Khải, Giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, trong 2 - 3 năm trở lại đây, giá liền kề, biệt thự tăng quá nóng. Nhiều khu đô thị liền kề và biệt thự dù bỏ hoang, không có người ở nhưng giá cũng tăng đến 2 - 3 lần chỉ sau vài năm. Tuy nhiên, gần đây, phân khúc đất nền ở tỉnh, liền kề, biệt thự thanh khoản rất kém. Bởi các phân khúc này đa phần chưa có nhu cầu thực nhiều.
Theo vị giám đốc này, hiện giá nhà liền kề, biệt thự đã giảm 15 - 20% so với đầu năm. Đa phần đều ở những nơi cư dân còn thưa thớt, sản phẩm chưa tạo ra được giá trị khai thác ổn định.
Hơn nữa, liền kề, biệt thự không phục vụ được nhu cầu ở thực, bởi mức giá hàng chục tỷ đồng rất ít người có khả năng mua để ở. Còn nói về đầu tư, đa phần cũng là đi vay ngân hàng hoặc đầu tư chung, giá trị lớn như vậy không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng xuống tiền một lúc.
"Thời điểm này chỉ những phân khúc phục vụ nhu cầu thực mới có khả năng giữ giá, còn lại có thể sẽ giảm tiếp trong thời gian tới nếu dòng tiền vẫn khó khăn như hiện nay. Khó hơn là dù giá giảm nhưng vẫn không tìm được người mua", anh Khải nói.
Không chỉ các dự án bàn giao từ trước đó kém thanh khoản, mà loạt sản phẩm biệt thự, nhà liền kề xây mới cũng trong cảnh ách tắc.
Đơn cử, tại Bình Dương, mới đây một chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình chiết khấu với tổng giá trị lên đến 9,5% dành cho những khách hàng mua sản phẩm là nhà thấp tầng. Tương tự, một dự án tại Đồng Nai, chủ đầu tư cam kết cho thuê từ 30- 100 triệu đồng/tháng liền kề, biệt thự khi khách mua nhà.
Còn một dự án shophouse tại Bình Dương, để thu hút nhà đầu tư, chủ đầu tư dành tặng hai năm phí quản lý, cùng phương thức thanh toán linh hoạt, chia nhỏ thành nhiều đợt kéo dài đến 15 tháng.
Theo các chuyên gia, thanh khoản phân khúc liền kề, biệt thự sụt giảm trầm trọng
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, thời gian qua thị trường biệt thự, liền kề có hiện tượng bị đẩy giá, do cầu lớn, hàng khan. Việc này đã tạo cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường. Tuy nhiên, do dòng vốn vào bất động sản đang "tắc" khiến phân khúc này bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bà Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho hay, thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút trầm trọng, đặc biệt là phân khúc liền kề, biệt thự. Nguyên nhân do nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang khó tiếp cận, không chỉ nhà đầu tư mà người mua nhà cũng gặp hoàn cảnh tương tự.
Theo dự báo, những biệt thự liền kề khu vực chưa hình thành dân cư có thể sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo
Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm lại thanh khoản với phân khúc biệt thự, liền kề, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, thị trường giai đoạn này đang hướng tới các phân khúc đáp ứng nhu cầu thực. Những phân khúc có tính đầu cơ cao như đất nền tỉnh và nhà liền kề, biệt thự bước vào quá trình thanh lọc.
"Những sản phẩm bất động sản tạo được dòng tiền khai thác từ việc cho thuê cũng sẽ bị ảnh hương nhưng không nhiều. Còn những bất động sản như đất nền tỉnh, liền kề, biệt thự nằm ở những khu vực chưa hình thành khu dân cư, trước áp lực tăng lãi suất có thể sẽ xuất hiện làn sóng bán tháo. Tuy nhiên, sẽ không thê thảm như giai đoạn 10 năm trước", ông Điệp nói.
Báo cáo tổng quan tình hình bất động sản quý III của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, nguồn cung trên thị trường Hà Nội khoảng 3.600 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các quý trước được tiếp tục chào bán ra thị trường; tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông…
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhìn chung, giá bất động sản nhà ở trong quý III trên địa bàn Hà Nội khá trầm lắng, không có biến động lớn do nhu cầu không cao, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong quý III, ước lượng giao dịch trên thị trường chỉ đạt khoảng 10% lượng chào bán với hơn 600 giao dịch.
Đáng chú ý, đối với sản phẩm nhà ở thấp tầng (nhà liền kề, biệt thự), lượng giao dịch rất thấp, gần như không có giao dịch do giá bán cao. Các dự án nhà ở thấp tầng tại quận Hà Đông, Hoàng Mai có giá khoảng 200 triệu đồng/m2; tại huyện Mê Linh, một số dự án cũng bị đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2...
Bất chấp thị trường giảm sâu, đặc biệt là phiên giảm cuối tuần khiến thành quả trước đó của nhiều cổ phiếu bị bay sạch, nhưng một cổ phiếu vẫn ngược dòng tăng trần...
Nguồn: [Link nguồn]