Hà Nội: Sau dịch Covid-19, khách thuê ồ ạt trả mặt bằng phố cổ
Theo đánh giá của Savills Hà Nội, 50% khách hàng trả lại mặt bằng thuê khu vực phố cổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, Dịch bệnh Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng.
Bà Trang nhận định, tình trạng vắng khách thuê của bất động sản bán lẻ mặt phố, đặc biệt tại các khu vực kinh doanh sầm uất của Hà Nội là hệ quả của hai nguyên nhân chính: Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê. Những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao.
Hà Nội: Sau Covid-19, khách thuê ồ ạt trả mặt bằng phố cổ (Ảnh: Việt Dũng)
Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục bán là gần như không thể. Hiện, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch đang phải tái cấu trúc, chọn ra những cửa hàng có doanh thu tốt và vẫn còn bán được để duy trì hoạt động.
Bà Trang nhấn mạnh: “Một lý do quan trọng khác nằm ở các hoạt động kinh doanh dịch vụ và du lịch tại phố cổ. Trong trường hợp không có khách, việc cố gắng giảm giá cho thuê cũng chưa đủ để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây. Ngành thời trang với nguồn hàng nhập từ Trung Quốc, phục vụ giới trẻ thường tập trung nhiều ở trục phố Hàng Bông, Kim Mã, và hai mảng thị trường lớn ở Cầu Giấy và Đống Đa. Một khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đó sẽ là ảnh hưởng mang tính dây chuyền”.
Trên khía cạnh vĩ mô về sự phát triển của thị trường bán lẻ sau dịch bệnh, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tình trạng kiểm soát Covid-19 của các nước trong chuỗi cung ứng đặc biệt là Trung Quốc. Việc xử lý dịch bệnh của những nước này sẽ tác động đến sự phục hồi thị trường bán lẻ trong nước. Nếu nguồn hàng và việc kiểm soát dịch bệnh tại đây vẫn chưa đạt được mức độ an toàn tuyệt đối, bất động sản thương mại vẫn sẽ bị ảnh hưởng trong một thời gian không thể tính theo ngày, mà theo tháng, bà Trang nhận định.
Trước đó, Báo Giao thông cũng đã phản ánh, Ghi nhận thực tế sau những ngày cách ly xã hội, các cửa hàng khu vực 36 phố cổ Hà Nội đã hoạt động trở lại, nhưng trên các con phố lớn nhỏ, xuất hiện ngày càng nhiều biển cho thuê, sang nhượng dưới mọi hình thức nhưng giá vẫn cao.
Trong vai một khách hàng tìm địa điểm kinh doanh, PV liên hệ vào số điện thoại trên biển quảng cáo sang nhượng cửa hàng, diện tích 50m2 trên phố Hàng Gai. Chị Phùng Kim Trang, chủ số điện thoại cho biết: Nhà mặt tiền 5m, phù hợp kinh doanh spa, thẩm mỹ, nhà hàng, cafe, siêu thị tiện ích. Giá cho thuê 80 triệu đồng/tháng, đóng tiền 3 tháng một lần, hợp đồng ký 3 năm.
Đánh giá chung về thị trường mặt bằng cho thuê, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, bất động sản thương mại cho thuê chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong bất động sản cho thuê (bao gồm cả văn phòng cho thuê, cơ sở giáo dục, trường học cho thuê). Hiện nay, sản phẩm này chưa bị ảnh hưởng bởi hợp đồng cho thuê ký dài hạn, từ 6 tháng đến 3 năm, có chăng thì bên thuê bị ảnh hưởng vì không có khách, không bán được hàng cũng vẫn phải đóng tiền thuê theo hợp đồng đã ký. Ông Châu cũng cho rằng, giảm giá sẽ là xu thế vì nếu giữ giá cao sẽ không có người thuê.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, trong trường hợp chủ nhà vẫn còn tâm lý “nhất quyết không chịu thiệt” thì BĐS thương mại chỉ còn nước “chìm xuồng”.
“Nếu anh không giảm thì chẳng có ai thuê. Mà không có ai thuê, thì đương nhiên chủ nhà sẽ là người chịu lỗ vì vẫn phải đóng thuế đất. Vậy nên, trong giai đoạn khó khăn này, chủ nhà chấp nhận hạ giá thuê mặt bằng cũng chính là một cách tự cứu lấy mình”, ông Đính nói.
Đại gia này từng đưa nhiều tiền về cho đất nước nhờ kinh doanh viễn thông và nhiều lĩnh vực khác.
Nguồn: [Link nguồn]