Hà Nội sắp đấu giá hơn 200 lô đất, giá khởi điểm chỉ 3,6 triệu đồng/m2
Với giá khởi điểm chỉ gần 3,6 triệu đồng/m2, hơn 200 lô đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội sắp sửa được tổ chức đấu giá trong tháng 9 này. Tuy nhiên, làm sao để tránh tình trạng thổi giá, bỏ cọc sẽ tiếp tục diễn ra?
Hà Nội sắp đấu giá hơn 200 lô đất ngoại thành
Trong tháng 9/2024, các huyện ngoại thành Hà Nội như Mỹ Đức, Mê Linh, Phú Xuyên sẽ tổ chức các buổi đấu giá đối với hơn 200 lô đất với giá khởi điểm chỉ từ 3,6 triệu đồng/m2.
Cụ thể, theo thông báo của các đơn vị tổ chức đấu giá, ngày 22/9, 42 lô đất tại xã Phú Yên và xã Châu Can, huyện Phú Xuyên có diện tích từ 63-105m2/lô sẽ được tổ chức đấu giá với giá khởi điểm từ 7,4-25,8 triệu đồng/m2.
Đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội liên tục được trả giá cao gấp nhiều lần trong các buổi đấu giá trước đây.
Cũng trong tháng 9, tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) sẽ diễn ra buổi đấu giá 23 thửa đất tại xã Phúc Lâm vào ngày 20/9. Các thửa đất có diện tích từ 66-204m2, giá khởi điểm từ 4,9 triệu đồng/m2.
Ngày 26 và 27/9 sẽ tiến hành đấu giá 54 lô đất tại xã Mỹ Thành và 56 thửa đất tại xã Xuy Xá với diện tích từ 71-211m2/lô, giá khởi điểm chỉ gần 3,6 triệu đồng/m2.
Ngày 28/9, tại huyện Mê Linh (Hà Nội) dự kiến tổ chức buổi đấu giá 11 lô đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh với diện tích 90m2/lô, giá khơi điểm hơn 23 triệu đồng/m2.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu tình trạng “thổi giá”, bỏ cọc sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới hay không và làm cách nào để ngăn chặn tình trạng này.
Đấu giá xuyên đêm, đất huyện có giá hơn 100 triệu đồng/m2
Thời gian qua, các cuộc đấu giá đất ở một số huyện ngoại thành Hà Nội đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Đáng chú ý là những lô đất được mang ra đấu giá được trả giá cao “bất thường” gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Trong đó, tại buổi đấu giá ngày 10/8, một lô đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã được trả mức giá lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm và cao hơn 88 triệu đồng/m2 so với giá ban đầu.
Buổi đấu giá đất tại Thanh Oai với hàng nghìn người tham gia.
Ngày 19/8, phiên đấu giá 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức một lần nữa khiến thị trường “chao đảo” khi diễn ra xuyên đêm, kéo dài tới 18 giờ, qua 10 vòng trả giá, các lô đất đã được đấu giá thành công.
Trong đó, có 12 lô đất được trả giá lên tới trên 100 triệu đồng/m2. Lô cao nhất có giá lên tới 133,3 triệu đồng/m2, gấp tới 18 lần so với giá khởi điểm. Lô đất có giá trúng thấp nhất tại phiên đấu giá này là 91,3 triệu đồng/m2, cao gấp 12,5 lần giá khởi điểm.
Các lô đất được đem đấu giá có diện tích 74-118 m2, khởi điểm từ 7,3 triệu/ m2. Như vậy, mức đặt cọc của nhà đầu tư, tương đương 20% giá khởi điểm là khoảng 109 triệu đến gần 173 triệu đồng/lô.
Sau khi trúng đấu giá, người trúng cần nộp số tiền còn lại, chậm nhất 30 ngày từ khi trúng đấu giá. Ngoài ra, người trúng còn cần thanh toán các khoản lệ phí, thuế liên quan như phí công chứng, thuế trước bạ và một số chi phí khác. Nếu không nộp tiền đúng hạn, người trúng có thể mất tiền đặt cọc và quyền sở hữu đất.
Loạt lô đất được đấu giá xuyên đêm tại Hoài Đức vừa qua với mức giá có lô lên tới 133 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, trong 68 lô đất đấu giá thành công ngày 10/8 vừa qua, chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền, người trúng đấu giá lô đất hơn 100 triệu đồng/m2 chưa nộp tiền.
Cần làm gì để tránh thổi giá, bỏ cọc?
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý BĐS cho rằng, diễn biến và kết quả của các cuộc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội thời gian qua có thể là tương đối bất thường.
Một trong những nguyên nhân là theo quy định hiện hành, tại Điều 159 Luật Đất đai 2024 quy định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đối với những thửa đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật sẽ là giá theo bảng giá đất.
Do bảng giá đất hiện nay tương đối thấp so với giá giao dịch trên thị trường nên giá khởi điểm để tổ chức đấu giá rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn với người dân, nhiều người cảm thấy cơ hội “thắng lớn” nếu trúng đấu giá. Hơn nữa, tiền đặt trước để tham gia đấu giá hiện nay tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, dẫn đến việc người dân đăng ký ồ ạt.
Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản.
Bên cạnh đó, “nỗi lo” giá đất sẽ được đẩy tăng cao sau khi Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 cũng là nguyên nhân khiến người dân đổ xô đi đấu giá đất.
Đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ “siết” phương thức phân lô, bán nền trong các dự án bất động sản, dẫn đến nguy cơ khan hiếm đất nền, nên giới đầu tư muốn nhanh chân tìm kiếm các lô đất nền để găm giữ.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2025, trong đó đã bổ sung các chế tài để xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá.
Theo đó, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá… có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá thì tùy mức độ có thể bị cấm tham gia đấu giá trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Vì vậy, để tránh thổi giá, bỏ cọc thì cơ quan quản lý cần kiểm tra, rà soát, phát hiện các dấu hiệu bất thường trong đấu giá để kịp thời xử lý vi phạm, gồm cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Để tạo tính răn đe, nhà quản lý cần xử lý nghiêm khắc một số trường hợp điển hình và công khai trước dư luận.
Những ngày gần đây, làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) chìm trong biển nước do nước lũ dâng cao, cuộc sống người dân bị đảo lộn, kinh doanh ngừng trệ, có hộ thiệt hại nửa tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]