Gói tín dụng 120.000 tỷ: Tỷ lệ giải ngân khoảng 1% và đề xuất gỡ "tắc" của Chủ tịch HoREA
Gói tín dụng 120.000 tỷ hiện mới đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 1%. Sở dĩ vậy bởi nhiều ý kiến cho rằng số tiền trả cả gốc lẫn lãi là một áp lực lớn với những người thu nhập thấp khi vay mua nhà.
Chị Hảo (30 tuổi, quê Thái Nguyên) chia sẻ, hai vợ chồng chị hiện đều làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Vợ chồng chị tìm hiểu và muốn mua nhà ở xã hội, tuy nhiên nếu vay số tiền 500 triệu từ gói tín dụng 120.000 tỷ thì trung bình mỗi tháng chị phải trả cả gốc cả lãi khoảng hơn 11 triệu đồng. “Hiện hai vợ chồng tôi có 1 con nhỏ, nếu cộng số tiền trả ngân hàng và các khoản chi phí sinh hoạt khác cho gia đình 3 người, quả thực sẽ là 1 áp lực, vượt ngoài khả năng chi trả đối với những người thu nhập thấp chúng tôi” – chị Hảo nói.
Gói tín dụng 120.000 tỷ, hỗ trợ người mua nhà là 7,5%/năm trong 5 năm là áp lực lớn với nhiều người
Được biết, hiện gói 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội, lãi suất cho vay với chủ đầu tư là 8%/năm trong 3 năm; với người mua nhà là 7,5%/năm trong 5 năm. Như vậy, số tiền trả cả gốc lẫn lãi trên là một áp lực lớn với những người thu nhập thấp khi vay mua nhà trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh được tổ chức mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề xuất, người mua nhà ở thương mại dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ - vốn chỉ dành cho nhà xã hội.
Ông Châu nhận xét, gói 120.000 tỷ đồng giải ngân quá thấp, trong khi Thủ tướng đã chỉ đạo đảm bảo dòng vốn tín dụng rót vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
“Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện 30 dự án có nhu cầu vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 640 tỷ đồng cho dự án và 6 tỷ đồng cho người mua nhà. Tỷ lệ giải ngân gói này hiện khoảng 1%” - Chủ tịch HoREA dẫn chứng.
Theo ông, đối tượng tiêu dùng bất động sản là người mua nhà. Để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng lĩnh vực này, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung người mua nhà thương mại dưới 3,5 tỷ đồng một căn (khoảng 35 triệu đồng mỗi m2) được tiếp cận gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Đại diện HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho người mua, thuê nhà ở xã hội. Gói này chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện chương trình phát triển 1 triệu căn nhà xã hội tới 2030, lãi vay ưu đãi 4,8-5% một năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Gói 110.000 tỷ từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2/2023. Ý tưởng ban đầu, gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay, nhưng sau đó bộ đã thôi đề xuất phương án này.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để họ đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. "Đây là giải pháp hiệu quả nhất để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu năm nay", ông Châu nói.
Hiệp hội này cũng kiến nghị thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác và tách việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Giải pháp này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ tiếp cận tín dụng và các ngân hàng thuận lợi trong xét duyệt cho vay.
Ngành bất động sản gặp khó khăn từ giữa năm 2022, khi tín dụng cho lĩnh vực này bị thắt chặt, lãi suất cho vay tăng và một số lãnh đạo doanh nghiệp bị xử lý do vi phạm trong phát hành trái phiếu. Nhiều biện pháp tháo gỡ được đưa ra nhưng thị trường chưa phục hồi hoàn toàn. Đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp khó thu xếp dòng tiền trả nợ và lãi trái phiếu đến hạn.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người có nhu cầu mua nhà tỏ ra bất ngờ vì không chỉ căn hộ chung cư “ngáo giá”, mà nhà đất thổ cư trong ngõ cũng tăng giá bằng lần, đặc biệt thời gian sau Tết.