Giá đất tăng dựng đứng: Không có 2 tỷ đồng, đừng nghĩ chuyện mua đất!

Đây là khẳng định của môi giới khi chúng tôi đến tìm hiểu và hỏi mua đất tại khu dịch vụ phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) trong những ngày cuối tháng 3.

Không còn đất dưới 2 tỷ đồng/lô

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất nhiều khu vực tại Hà Nội đã ghi nhận sự tăng mạnh như: Đan Phượng, Hoà Lạc, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức,... Dù không xuất hiện thông tin rầm rộ như những khu vực kể trên, nhưng theo khảo sát thì giá đất thổ cư tại nhiều phường của quận Hà Đông cũng ghi nhận sự tăng mạnh.

Tại khu đất dịch vụ phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) những ngày này không khó để bắt gặp cảnh các văn phòng môi giới bất động sản ở đây liên tục đón khách tìm về mua đất. Cùng với đó, hàng loạt văn phòng môi giới BĐS mới đã được mở ra.

Dù dân cư còn thưa thớt nhưng giá đất trong khu vực ghi nhận tăng mạnh

Dù dân cư còn thưa thớt nhưng giá đất trong khu vực ghi nhận tăng mạnh

Anh Lương, chủ một văn phòng tư vấn BĐS tại đây cho biết thời gian gần đây rất nhiều khách hàng gọi điện hỏi mua đất dịch vụ với yêu cầu không vướng hố ga, bốt điện. Do không có sẵn hàng nên bên anh thường yêu cầu khách để lại số liên lạc và sẽ gọi lại khi tìm được người có nhu cầu bán.

Tại một quán trà đá vào khu đất dịch vụ, khi biết chúng tôi có nhu cầu tìm mua đất tại đây, môi giới tên Chiến hỏi luôn tài chính có bao nhiêu? Những yêu cầu cụ thể như thế nào?.

Trước đề nghị tìm mua những lô đất đã có sổ giá dưới 2 tỷ đồng, môi giới này nói ngay mức tiền như thế thì không thể mua được ở khu vực này. Dưới 2 tỷ đồng giờ chỉ có thể mua được những mảnh đất chưa có sổ đỏ. Anh cũng cho biết nhiều lô đất mới có phiếu gắp thăm hoặc quyết định giao đất cũng đang được rao bán với giá từ 1,4 đến 1,5 tỷ đồng.

Môi giới này tiết lộ từ cuối năm 2020 có một nhóm nhà đầu tư đã tìm về gom đất tại khu vực, họ đưa ra lời đề nghị mua tất cả những mảnh đã có sổ, kể cả vướng hố ga, bốt điện, gần nghĩa trang với giá từ 1,7 đến 1,8 tỷ đồng. Hiện anh đang rao bán mảnh 2 mặt tiền có diện tích 39m2 với giá 2,65 tỷ đồng.

Một môi giới khác tên Hưng thì báo giá lô đất có sổ mà xấu nhất trong giỏ hàng của bên anh có giá 2,2 tỷ đồng (lô đất nằm gần nghĩa trang). Những lô đất đã có sổ đỏ mà không vướng bốt điện, hố ga hay gần nghĩa trang thì có giá cao hơn từ 2,4 tỷ đồng đến 2,7 tỷ đồng (tùy khu vực).

Theo những môi giới này giá đất dịch vụ tại Đồng Mai tăng thời gian gần đây là do nhu cầu tìm mua của người dân là rất nhiều trong khi nhu cầu bán lại ít. Bên cạnh đó, dù giá đất tăng nhưng so với các khu vực khác của quận Hà Đông như Yên Nghĩa, Kiến Hưng, Dương Nội,... thì đất ở đây vẫn đang là rẻ nhất.

Anh Xuân Long (Thái Bình), một cư dân tại đây cũng thừa nhận bất ngờ với giá đất tăng mạnh thời gian qua. Anh Long cho biết tháng 4/2018, gia đình anh mua đất ở đây giá mới có 1,3 tỷ đồng thì cuối năm 2020, một người quen của anh mua một mảnh với giá 1,95 tỷ đồng. Chỉ sau vài tháng đầu năm 2021, những lô đất gần nhà anh hiện đang được giao dịch với giá từ 2,5 đến 2,7 tỷ đồng.

Cùng với đà tăng của giá đất khu dịch vụ, giá đất thổ cư trong các tổ dân phố tại Đồng Mai cũng nhích tăng tương ứng. Đất thổ cư trong dân đang được rao bán với giá thấp nhất từ 14 - 17 triệu đồng/m2 trong khi năm 2020 được rao bán chỉ 12-15 triệu đồng/m2. Những ngõ mà ô tô tránh nhau được đẩy lên từ 30 đến 40 triệu đồng/m2 (tùy từng vị trí), những lô đất càng gần khu đô thị đang được quy hoạch và khu dịch vụ thì có giá càng cao.

Giá đất “nhảy múa”, người mua cần chú ý gì?

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết cùng với các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm ngân hàng, chứng khoán, ngoại tệ, vàng thì từ lâu BĐS là một kênh đầu tư được nhiều người có tiền nhàn rỗi lựa chọn. 

Hàng loạt văn phòng môi giới mở ra phục vụ nhu cầu mua bán của người dân

Hàng loạt văn phòng môi giới mở ra phục vụ nhu cầu mua bán của người dân

Ông cho biết bất chấp dịch bệnh, các phân khúc BĐS vẫn duy trì tốt. Thậm chí BĐS đất nền vẫn rất nóng khi nhiều nơi giá đất vẫn tăng mạnh, chỉ có phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, du lịch, khách sạn là giảm mạnh.

Tuy nhiên, để tránh bị chôn vốn, mắc kẹt khi đầu tư vào BĐS, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết cùng với vấn đề pháp lý thì người mua cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng là: Vị trí, giá cả và khả năng thanh khoản.

Theo ông Hiếu, vị trí của BĐS là rất quan trọng, nhà đầu tư nên ưu tiên những khu vực thuận tiện về giao thông, trường học, y tế. Những khu vực không thuận lợi những yếu tố trên thì dù rẻ thì cũng phải cân nhắc.

Về giá: với người dân đầu tư phải xem túi tiền của mình có thể đáp ứng giá của người bán hay không. Tìm hiểu kỹ về giá trước khi xuống tiền, tránh việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn bởi có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của mình.

Về thanh khoản: Trước khi đầu tư vào khu vực nào đó thì nhà đầu tư cần phải tính đến chuyện sau này có thể bán được mảnh đất đó hay không. Nhà đầu tư không nên đầu tư vào những khu vực mà khả năng thanh khoản kém hoặc không có khả năng thanh khoản về sau này.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, những nhà đầu tư hay những người muốn tham gia thị trường bất động sản thời điểm này cần cảnh giác cao độ, tìm hiểu kỹ các thông tin, bởi những cơn sốt đất ảo bản chất là làm lợi cho nhóm cò mồi, còn người mua sẽ bị “mắc cạn”, càng về sau càng bị thua thiệt vì phải chịu rủi ro từ phần giá trị đất nâng lên cao, vượt quá xa với giá trị thực của tài sản.

Nguồn: [Link nguồn]

Về quê sống, con gái chi hơn 10 tỷ đồng xây cho bố mẹ căn nhà ấn tượng nhất làng

Cô gái vực dậy cả công ty bên bờ vực phá sản và xây mới căn nhà cho bố mẹ an hưởng tuổi già.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN