Giá BĐS Đà Nẵng giảm sốc tới 40%: Liệu đã chạm đáy?
Giá giao dịch đất nền một số khu vực của Thành phố Đà Nẵng cho thấy giảm từ 20 đến 40% so với thời điểm đầu năm 2020. Liệu thị trường BĐS Đà Nẵng đã thực sự chạm đáy?
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng liên tiếp rơi vào trạng thái “ngủ đông”, các chỉ số về nguồn cung, nhu cầu, tỷ lệ giao dịch đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Do ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19, tỷ lệ giao dịch tại thị trường Đà Nẵng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực Tây Bắc, giá đất tại đây đã giảm từ 20-30% so với thời điểm đầu năm 2020 nhưng vẫn khó có giao dịch mặc dù các tiện ích hạ tầng và môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể xung quanh khu vực.
Kế đến “vựa” đất nền tại khu đô thị Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) và Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), giá đất nền tại đây ghi nhận đã giảm khoảng 30% tại các khu vực mở bán vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Đối với những khu vực đã có sổ đỏ tại khu vực Nam Hòa Xuân mức giá có vẻ “cứng” hơn vì đã bắt đầu hình thành khu dân cư đông đúc, giảm nhẹ từ 10-20% so với thời điểm năm 2019.
Giá đất khu vực Nam Đà Nẵng như Tân Trà, Sơn Thủy, Mỹ An, FPT City cũng có chiều hướng đi xuống đáng kể từ 30-40% tùy theo trục đường.
Ông H.T.Q, Giám đốc một công ty địa ốc tại Đà Nẵng cho biết, do Đà Nẵng – Quảng Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp 2 lần của đại dịch Covid-19, nên các giao dịch mới chỉ khởi động ở những phân khúc trung bình tại khu vực Nam Đà Nẵng với mức giá từ 1,3-1,5 tỷ/lô tùy nhu cầu.
Còn theo báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, hầu hết các phân khúc đều phải hứng chịu thiệt hại, trong đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có thiệt hại nặng nhất.
Theo đơn vị này, vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã đón nhận một số tín hiệu tích cực, với sự ra mắt của một số dự án.
Tuy nhiên, chưa kịp gượng dậy cú đấm bồi của "làn sóng Covid-19 thứ 2" đã khiến thị trường tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng. Hai phân khúc sôi động nhất thị trường là đất nền và căn hộ đều phải gồng mình gánh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
Cụ thể, với phân khúc đất nền, trong suốt 7 tháng chỉ có 90 sản phẩm được giao dịch, nguồn cung ở mức thấp và giá thì có dấu hiệu giảm ở một số dự án đối với các giao dịch thứ cấp. Còn căn hộ, nguồn cung cũng khá khan hiếm.
Thị trường ghi nhận 3 dự án mở bán, cung cấp khoảng 156 căn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 486 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 42%, tương đương 65 căn, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 171 căn).
Riêng phân khúc nhà phố và biệt thự thì không có dự án mới mở bán. Nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó. Mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng nếu đánh giá thị trường BĐS Đà Nẵng chạm đáy, hoặc có nơi giảm từ 20 – 40% là thiếu cơ sở.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu đánh giá thị trường BĐS Đà Nẵng chạm đáy thì thiếu cơ sở
Thực tế là trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng liên tiếp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, thậm chí trong tháng 8 vừa qua hầu hết các hoạt động dịch vụ, kinh tế, xã hội tại khu vực này đều ngừng giao dịch. Như vậy, làm sao BĐS có thể có giao dịch để đánh giá được? Nếu có chăng, chỉ là một số giao dịch nhỏ lẻ của một số nhà đầu tư lướt sóng, phải bán do không đủ lực về tài chính.
Ngoài ra, theo ông Đính, vấn đề chính sách cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường này từ trước đó.
“Từ cuối năm 2019, thị trường BĐS Đà Nẵng nói riêng đã liên tiếp gặp nhiều trở ngại, tác động không tốt tới thị trường, đó là rất nhiều dự án tại Đà Nẵng bị rà soát; hàng loạt vụ án, đại án cũng có mặt ở tỉnh này; vấn đề pháp lý tại các dự án cocobay, condotel, cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng,… nên đã tác động tạo tâm lý e ngại tới một số nhà đầu tư thời gian qua. Tuy nhiên, về bản chất các nhà đầu tư đều hiểu thị trường Đà Nẵng là cơ hội và tiềm năng” – ông Đính nhấn mạnh.
Tương tự, theo ông Nguyễn Hoàng, đại diện của DKRA Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cả nhu cầu, lẫn nguồn cung đều giảm sút, nên rất khó để thẩm định giá trị bất động sản Đà Nẵng đã chạm đáy hay chưa.
“Khi thị trường khan hiếm nguồn cung, bản thân người có tiền cũng không biết nên đầu tư cái gì, phân khúc bất động sản nào cho phù hợp. Vì vậy, để đánh giá thị trường bất động sản Đà Nẵng có thực sự chạm đáy hay không, tôi còn phải chờ khi nào nguồn cung ổn định trở lại”, ông Hoàng nói.
Dù còn rất trẻ, nhưng những 9X này đã và đang sở hữu khối tài sản lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]