Dự án 8B Lê Trực: Thủ tướng liên tục chỉ đạo, Hà Nội đến bao giờ mới xử lý xong?
Liên quan đến việc xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài.
Mới đây, Thủ tướng vừa tiếp tục yêu cầu Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc tại dự án 8B Lê Trực để bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Không biết đến bao giờ Hà Nội mới thực hiện xử lý xong sai phạm tại dự án 8B Lê Trực này?
Trả lời cử tri huyện Hoài Đức mới đây, UBND TP Hà Nội cho biết, việc triển khai xử lý công trình sai phạm số 8B Lê Trực phải trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục pháp lý và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, bộ phận công trình trong và sau khi thực hiện biện pháp tháo dỡ cũng như biện pháp thi công tháo dỡ cũng phải được tiến hành thận trọng, nghiêm túc, chặt chẽ, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng đối với người và thiết bị thi công.
Đến tháng 10/2016, UBND quận Ba Đình mới tổ chức hoàn thành việc tháo dỡ tầng 19 và tum thang.
Đối với công tác tháo dỡ giai đoạn 2, Hà Nội cho biết, trong giai đoạn chờ Bộ Xây dựng cho ý kiến và phối hợp hướng dẫn xử lý, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp tục chủ động lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tháo dỡ (trường hợp cần thiết sẽ đăng tải công bố công khai thông tin để mời đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập phương án phá dỡ theo quy định); ứng tiền từ ngân sách quận để triển khai thực hiện, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán, nộp đủ số tiền tháo dỡ đã ứng trước. Dự kiến tiến độ hoàn thành trong năm 2019.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đến tháng 10/2016, UBND quận Ba Đình mới tổ chức hoàn thành việc tháo dỡ tầng 19 và tum thang, sau đó bị chủ đầu tư khởi kiện hành chính nhưng đến tháng 3/2018, Tòa án nhân dân TP Hà Nội quyết định đình chỉ vụ án.
Gần 2 năm sau, tháng 5/2018, UBND TP mới họp với các đơn vị có liên quan, mời nhà đầu tư và đại điện Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST tham dự; thống nhất giao UBND quận Ba Đình làm chủ đầu tư thực hiện việc tháo dỡ giai đoạn 2 (kinh phí tháo dỡ do Công ty cổ phần May Lê Trực chi trả). Đồng thời, ở giai đoạn này, Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho các ngành kiểm tra mối liên hệ giữa các dự án tại số 8B Lê Trực, 102 Trường Chinh và 302 Cầu Giấy để có biện pháp xử lý tổng thể.
Tiếp đó, tháng 7/2018, UBND TP Hà Nội có Thông báo số 697/TB-UBND (về kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố họp ngày 4/7/2018), xác định hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư là rõ ràng, có tính hệ thống, mặc dù thành phố đã tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục nhưng chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc.
Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu vi phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố để tổ chức điều tra, kết luận theo quy định; đồng thời, giao UBND quận Ba Đình khẩn trương triển khai cưỡng chế giai đoạn 2 (tháo dỡ các tầng 17, 18 của công trình).
Cho đến tháng 1/2019, UBND TP lại tiếp tục tổ chức cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND TP và có thông báo kết luận y như kết luận trước đó: các ngành, UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy khẩn trương thực hiện Thông báo số 697; Công an thành phố khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.
Sau khi được Thành ủy chấp thuận và chỉ đạo, ngày 2/5/2019, UBND TP yêu cầu các sở: Xây dựng, Tài chính và Công an thành phố, cục thuế, UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy quán triệt nội dung chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, phân công trách nhiệm cho các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ xử lý nghiêm, dứt điểm bộ phận công trình vi phạm và các tổ chức cá nhân vi phạm liên quan đến các sai phạm tại 3 dự án (8B Lê Trực, 102 Trường Chinh, 302 Cầu Giấy) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Về khoản kinh phí tháo dỡ giai đoạn 1, Hà Nội cho biết, đến nay Công ty cổ phần May Lê Trực mới chuyển 1,8 tỷ trên tổng số 7,1 tỷ đồng đã được quận Ba Đình tạm ứng phá dỡ giai đoạn 1 (từ năm 2016).
Khi nào Hà Nội xử lý xong sai phạm tại dự án 8B Lê Trực?
Ngày 9/5, UBND quận Ba Đình ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn, ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế lập phương án tháo dỡ theo hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, ngày 15/5, Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST có văn bản gửi UBND quận Ba Đình từ chối tham gia lập thiết kế phương án tháo dỡ giai đoạn 2 công trình sai phạm. Trước sự việc trên, UBND quận Ba Đình đã có văn bản báo cáo UBND TP, Sở Xây dựng; đồng thời có văn bản gửi Bộ Xây dựng để tiếp tục chỉ đạo Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2.
Tiếp đó, ngày 2/8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng, đặc biệt quan tâm chỉ đạo đơn vị tư vấn của Bộ lập phương án tháo dỡ giai đoạn 2 trên cơ sở hồ sơ hiện có và khảo sát kiểm định.
Trước đó, thông báo kết luận số 351/TB-VPCP ngày 2/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại số 8B phố Lê Trực nêu rõ, việc vi phạm các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị tại số 8B phố Lê Trực là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng, đồng thời không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị.
“Vụ việc này là biểu hiện yếu kém về hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm của chủ đầu tư dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan”, kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Nguồn: [Link nguồn]
Đại biểu Quốc hội đặt ra câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng là khi nào cơ quan chức năng xử lý dứt điểm vi phạm...