Doanh nghiệp BĐS “ngủ đông”, chờ qua dịch bệnh lấy lại “phong độ”
Trước tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp chọn cách “ngủ đông” để cố gắng cứu vãn tình hình và doanh nghiệp kỳ vọng lấy lại “phong độ” khi Chính phủ đang vào cuộc quyết liệt.
Báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1/2020 vừa công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy bức tranh với nhiều gam màu tối của thị trường bất động sản.
Cụ thể, Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có 11/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với mức tăng lên tới 69%.
Trước tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp chọn cách “ngủ đông” để cố gắng cứu vãn tình hình.
Khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch bệnh hiện nay là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường.
Theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh, tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông”.
Doanh nghiệp chọn cách này để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chứ chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Minh chứng cho điều này là con số gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.
Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất là kinh doanh bất động sản với 493 doanh nghiệp, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đã thừa nhận thị trường bất động sản đang “ngấm đòn” trước sự tác động mạnh mẽ của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang gặp những khó khăn chung, một mặt vẫn phải gồng mình gánh rất nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, chi phí vốn, lãi vay.
Không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền và phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh doanh nghiệp các ngành đang “giật gấu vá vai”, chính các doanh nghiệp bất động sản cũng đang phải hỗ trợ đối tác bằng cách giảm giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê hay thậm chí miễn tiền thuê. Nhiều doanh nghiệp hiện đang lo lắng về một viễn cảnh thị trường rơi vào thời kỳ “ngủ đông” như giai đoạn 2011-2013.
Trước những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, VNREA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế xin bổ sung doanh nghiệp bất động sản được xem xét giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.
VNREA cũng đề xuất bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn. Phía Hiệp hội cũng cho rằng, cần kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng.
Doanh nghiệp kỳ vọng lấy lại “phong độ”?
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường. Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn.
Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch. Các chủ đầu tư cũng đang cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình hiện nay hay không.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những tác động ngày một mạnh mẽ vào nền kinh tế chung của Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, đây là một động thái rất tích cực của Nhà nước. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế này.
Ông Khương khẳng định, bằng việc ký ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản đang đặc biệt hưởng lợi.
Theo đó, doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây được coi là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh.
Cùng với đó, các bộ ngành trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.
Việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là một điểm cộng rất lớn trong gói kích cầu của Chính phủ. Đây là một trong những chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh khiến các doanh nghiệp có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác, đến từ việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
Giá vàng vụt tăng lên 48 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch lúc 10h sáng qua, sau đó đảo chiều hạ nhiệt dần nhưng...
Nguồn: [Link nguồn]