Điểm những dự án vàng nằm “bất động” qua hàng chục năm
Là những dự án trọng điểm nằm trên quĩ đất “vàng” của Thành phố và được người dân Thủ đô kỳ vọng, tuy nhiên cả chục năm qua đi, các siêu dự án này vẫn "án binh bất động".
Theo UBND TP HN, hiện Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Dự án Manhattan Tower Lê Văn Lương
Nằm ngay vị trí đắc địa, mặt đường Lê Văn Lương (Hà Nội), dự án Manhattan Tower xây cao chót vót rồi ngừng thi công, đắp chiếu, không hẹn ngày hoàn thành. Được biết, đây là dự án tiến độ siêu “rùa” thứ hai của Công ty Xây dựng Ba Đình.
Dự án Manhattan Tower trên đường Lê Văn Lương, vẫn đang "ngủ đông" hàng chục năm trời
Ban đầu dự án có tên Thành An Tower do Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư, nhưng sau khi được giao đất vào năm 2009, đơn vị này đã không tự triển khai, mà hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Công ty Ba Đình).
Mặc dù đã tổ chức lễ khoan nhồi cọc từ năm 2009, nhưng mãi đến năm 2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng.
Đến đầu năm 2018, dự án Thành An Tower được tái khởi động với tên gọi mới là Manhattan Tower và xuất hiện đơn vị phát triển dự án là Công ty CP Landmark Holdings. Dự kiến tháng 5/2019, dự án sẽ cất nóc và bàn giao căn hộ vào quý 4/2019.
Tuy nhiên, nay đã hết năm 2021, dự án vẫn trong tình trạng “ngủ đông”. Hiện, chỉ có bảo vệ trông coi, cửa vào công trình luôn trong tình trạng khóa chặt; bên trong dự án ngổn ngang vật liệu, sắt thép hoen gỉ, cảnh tượng hoang tàn...
Dự án Sông Hồng City
Dự án Sông Hồng City được UBND TP.Hà Nội cấp phép từ năm 1994 với tổng số vốn đầu tư là 240 triệu USD. Quy hoạch ban đầu của dự án là hướng tới xây dựng một quần thể công trình bao gồm khu nhà ở, khu nhà văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê tại Nghĩa Dũng, Phường Phúc Xá, Quận Ba Đình với diện tích 51.300 m2.
Phối cảnh dự án Sông Hồng city được UBND TP Hà Nội cấp phép năm 1994
Chủ đầu tư dự án là Công ty Phát triển Nhà đô thị. Theo tính toán ban đầu, tiến độ thực hiện dự án diễn ra trong vòng 8 năm kể từ ngày 29/11/1994. Thời hạn của dự án là 45 năm.
Tuy nhiên, sau 27 năm kể từ ngày được cấp giấy phép đầu tư, đến nay dự án Sông Hồng City vẫn "án binh bất động”.
Đại diện UBND TP.Hà Nội xác định, dự án rơi vào tình trạng “ngủ đông” có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Về nguyên nhân chủ quan, giai đoạn từ năm 1997 - 2001, do ảnh hưởng và tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai.
Về nguyên nhân khách quan, dự án bị ngừng triển khai do có sự thay đổi pháp luật đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng.
Dự án Nam Đàn Plaza
Đối diện với tòa nhà Keangnam trên trục đường Phạm Hùng là dự án Nam Đàn Plaza. Chủ đầu tư là công ty cổ phần địa ốc Dầu khí Viễn thông. Dự án có thiết kế là 2 tòa nhà 39 và 44 tầng, trong đó có 6 tầng thương mại và 4 tầng hầm. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng với gần 10.000 m2 đất xây dựng.
Dự án Nam Đàn Plaza tọa lạc tại khu đất vàng của TP, nhưng hiện chỉ là nhà kho
Theo dự kiến thì năm 2008 khởi công dự án, sẽ hoàn thành và khai thác sử dụng vào năm 2010. Tuy nhiên hiện nay nơi đây chỉ là những nhà kho, gara ô tô được dựng lên tạm bợ như một khu chợ.
Nhìn từ trên cao, dự án Nam Đàn Plaza nằm biệt lập như một khu chợ bao quanh bởi những dự án đang nhộn nhịp với công trường xây dựng.
Dự án Lotus Hotel (Khách sạn Hoa Sen) còn có tên mới là Diamond Flower
Dự án khách sạn Diamond Rice Flower (tên cũ Lotus Hotel) dự kiến cao 100 tầng cùng tọa lạc trên trục đường Phạm Hùng cũng chung cảnh trùm mền.
Dự án Diamond Rice Flower có cái tên thật mĩ miều, nhưng hiện chỉ để nuôi cỏ
Tháng 6/2017, Công ty Hoa Sen được KBC chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời Mọc. Đến tháng 1/2020, KBC lại công bố đã nhận chuyển nhượng lại Công ty Hoa Sen từ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group) và cử người đại diện phần vốn góp của KBC tại Công ty Hoa Sen là ông Lê Huy Vũ. Giá trị nhận chuyển nhượng 1.854 tỉ đồng. Như vậy trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời Mọc đã chuyển nhượng dự án này cho Tân Hoàng Minh Group.
Dự án được xây dựng trên khu đất khoảng 4,2 ha cạnh Bảo tàng Hà Nội gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400m) và 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng, được xem là cao nhất Việt Nam.
Dự án do Foster and Partners – Vương Quốc Anh thiết kế với kiến trúc độc đáo mang hình dáng của bông hoa sen. Nếu dự án được xây dựng sẽ trở thành tòa tháp cao nhất Việt Nam.
Được biết, sau đó Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc xin điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm chiều cao còn một nửa.
Đến nay, dự án Diamond Rice Flower vẫn chỉ là khu đất vàng bị bỏ hoang và trở thành nơi trồng rau muống, đổ phế liệu xây dựng.
Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC – Tây Hồ
Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ dù được triển khai từ năm 1990, nhưng đến nay, nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng IDC không có khả năng để tiếp tục thực hiện.
Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc IDC tại khu vực hồ An Dương là bãi tập kết phế liệu
Thời điểm tháng 9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi khoảng 14.000 m2 đất tại phường Yên Phụ, giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC sử dụng để thực hiện dự án.
Do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, giải phóng mặt bằng được khoảng 7.900 m2 (trên tổng số 1,4 ha).
Tại báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho thấy, một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu tư chưa được giải quyết.
Năm 2016, TP.Hà Nội vào cuộc, giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn Quận Tây Hồ. Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục được đề xuất sử dụng để thực hiện dự án theo quy định đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, nhưng nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động và xử lý các tồn tại liên quan.
Dự án Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây
Nằm trên trục đường Trần Phú - Quang Trung (QL6) của quận Hà Đông, đối diện bưu điện Hà Đông, dự án Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây với diện tích hơn 6.000 m2 đã 'ngủ đông' nhiều năm nay.
Hiện khu đất thuộc dự án vẫn nằm im lìm, đống máy móc hoen gỉ với cây cỏ mọc um tùm giăng gần kín.
Thông tin công bố ban đầu, tổng vốn đầu tư dự án hơn 50 triệu USD, quy mô dự án với hai tòa tháp cao 45 tầng cùng 4 tầng hầm. Nhưng nay hàng rào tôn xung quanh dự án sau nhiều năm cũng đã mục nát.
Theo kế hoạch, dự án khởi công vào tháng 7/2008 và hoàn thành vào quý 4 của năm 2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Thế nhưng, kể từ khi dự án được chấp thuận đầu tư năm 2006 đến nay đã hơn một thập kỷ thì dự án chỉ xanh mướt cỏ dại.
Trong khi cư dân sống ở khu vực lân cận của dự án “treo” này không có đất để xây trường học và sân chơi cho trẻ em thì mảnh đất rộng mênh mông này lại chỉ quây tôn để giữ đống sắt vụn khổng lồ hoen gỉ theo năm tháng và ô nhiễm bên trong.
Siêu dự án Dự án Habico Tower (số 288 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Dự án Habico Tower được triển khai từ năm 2008, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hải Bình (Habico) trên khu đất hơn 4.490m2 bên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm cùng vốn đầu tư khủng khoảng 220 triệu USD (hơn 5 nghìn tỷ đồng).
Dự án "triệu đô" bỏ hoang hàng chục năm, khiến nhiều hạng mục xuống cấp
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sau nhiều năm triển khai, dự án này bị bỏ hoang, nhiều hạng mục bị xuống cấp. Các khối nguyên vật liệu bị vứt khắp nơi, hỏng hóc, han gỉ.
Có thể thấy, trong khi quĩ đất ngày càng trở nên khan hiếm và tăng giá từng ngày nhưng hàng loạt dự án bất động sản trị giá “triệu đô” vẫn đang trong tình trạng “chết yểu”, đắp chiếu, chậm tiến độ từ chục năm tới vài chục năm. Điều này thực sự gây lãng phí tài nguyên nghiêm trọng chưa kể tiềm ẩn những hệ lụy xấu khác…
Nguồn: [Link nguồn]
Dù ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đang rục rịch chuẩn bị rót tiền cho mùa đầu tư...