Đi qua “cơn sốt đất”: Người bán “khao cả họ”, người mua cắt lỗ hàng tỷ đồng vẫn ế
Nhiều người vui như bắt được vàng vì bỗng chốc bán được mảnh đất với giá “không tưởng” nhưng sau cơn sốt đất, nhiều người bán chấp nhận “cắt lỗ” một nửa vẫn không ai hỏi mua.
Thời điểm sốt đất cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhiều người dân ở nông thôn không khỏi ngỡ ngàng vì bất ngờ có những mảnh đất “không ai ngó tới”, bỗng chốc được hỏi mua với giá hàng tỷ đồng.
Người xuống tiền mua những mảnh đất ấy hầu như từ nơi khác đến, sẵn sàng trả cả “đống tiền” để mua đất. Vì thế, nhiều gia đình được “lộc trời”, giàu lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đất hết “sốt” và lao dốc không phanh. Những mảnh được “sang tay” từ 1,5-1,7 tỷ đồng trong cơn sốt, giờ rao bán từ 700-900 triệu đồng vẫn không ai mua. Thậm chí, nhiều người chấp nhận cắt lỗ một nửa nhưng vẫn không ai hỏi.
Cơn sốt đất đi qua, nhiều gia đình ở nông thôn bỗng trở nên khá giả vì bán được đất với giá "trên trời". (Ảnh minh hoạ).
Anh Thuận, trú tại Tam Nông (Phú Thọ) cho biết, gia đình anh có mảnh đất hơn 700m2, mặt tiền 30 mét nằm trên con đường liên xã. Tuy nhiên, nhiều năm làm lụng mà vẫn không có của ăn của để nên anh quyết định mua một mảnh đất khác ở giữa làng để tiện làm ăn.
“Người làng bảo đất ấy dữ vì nằm bên ngoài đê, mé bờ sông lại quá gần ngôi đền thiêng của làng. Mặc dù đã xây ngôi nhà 2 tầng lên đó rồi nhưng nhà tôi vẫn dọn đi, xây nhà khác để ở”, anh Thuận kể.
Rao bán mảnh đất hơn 700m2, trong đó có 300m2 đất thổ cư, còn lại là đất vườn với giá 600 triệu nhưng suốt 2 năm liền không ai mua. Bởi vì địa phương anh là vùng trung du, nhà nào cũng có ít nhất vài trăm đến vài nghìn m2 đất, không gần khu công nghiệp hay dự án gì lớn, rất khó kinh doanh buôn bán.
Tuy nhiên, bất ngờ vào cuối năm 2021, rất nhiều người lạ từ nơi khác đến hỏi thăm, tìm mua đất. Họ còn “kháo” nhau rằng, ở đây sẽ có dự án bến xe khách, trường cấp 3, trung tâm thương mại và khu công nghiệp sắp được xây dựng.
Từ những mảnh đất đồi, trồng cây lâu năm đến đất trồng cây hàng năm cũng được lùng mua với giá cao.
Nhiều nhà đầu tư ăn nên làm ra sau cơn sốt đất nhưng cũng không ít người "ngậm quả đắng", cắt lỗ vẫn không bán được. (Ảnh minh hoạ).
“Có những mảnh đất chỉ 100m2 mà họ rao bán 900 triệu đến cả tỷ đồng trong khi những năm trước chỉ từ 120-240 triệu đồng. Mảnh đất của tôi cũng được trả giá lên tới 3,7 tỷ đồng. Tôi mừng quá, thử ra giá 5 tỷ đồng thì ngay lập tức có người trả giá 4,5 tỷ đồng”, anh Thuận kể.
Mừng như bắt được vàng, anh Thuận bán luôn mảnh đất đó với giá 4,5 tỷ đồng.
Bỗng chốc trở nên khá giả nhờ bán được mảnh đất với giá “không tưởng”, xây được nhà mới và mua được ô tô đi lại vẫn còn dư hơn 2,7 tỷ đồng, anh Thuận quyết định “tán lộc” bằng cách trích 500 triệu đồng ra chia đều cho anh em nội ngoại mỗi nhà từ 20-50 triệu đồng và bỏ ra 200 triệu đồng để “khao” hàng xóm.
Anh Quốc, hàng xóm nhà anh Thuận cho biết, chuyện nhà anh Thuận bán được mảnh đất với giá “trên trời” trở thành đề tài bàn luận khắp làng. Ai đi qua khu vực đó cũng chỉ trỏ, thì thầm to nhỏ.
“Không biết những người mua đất quê tôi họ đến từ đâu mà nhiều tiền thế. Mua rồi để đấy chứ không thấy ai xây dựng nhà cửa. Nghe nói toàn cò đất, mua đi bán lại kiếm lời chứ người dân xung quanh đây họ mua làm gì”, anh Quốc chia sẻ.
Theo anh Quốc, nhà anh Thuận bán được đất có dựng rạp, đặt cỗ mời cả xóm đến chia vui. Mỗi nhà cử 1 người đi, sau khi ăn cỗ xong, ra về còn được tặng một chiếc phong bì 1 triệu đồng. Trong xóm có nhà ai không đi sẽ được anh Thuận đến tận nhà tặng phong bì 500 nghìn đồng.
Tuy nhiên, người bỏ tiền ra mua mảnh đất nhà anh Thuận với giá 4,5 tỷ đồng hiện tại rao bán lại với giá 2,5 tỷ đồng vẫn không bán được.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nguồn: [Link nguồn]
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh phía bắc đã và đang đón nhận khá nhiều các tín hiệu tích cực. Đặc biệt, tại Đông Anh mới đây, đề...