Đề xuất phạt tiền gấp đôi, xử lý hình sự với người bỏ cọc đấu giá

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng tiền đặt cọc lên tối đa 50% giá khởi điểm; phạt tiền đặt cọc gấp đôi, bồi thường chi phí tổ chức, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá.

Sáng 28.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Trước đó, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, đã có giải trình về một số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ hôm 8.11.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, liệt kê những tài sản phải đấu giá như dự thảo luật đã đầy đủ chưa, có chồng chéo với các luật chuyên ngành không?

Bên cạnh đó, cần xem xét có những loại tài sản có thể phát sinh mới trong cuộc sống mà không được ghi vào luật thì được đấu giá hay không?

Nhiều ý kiến đề nghị phạt tiền đặt cọc gấp đôi, bồi thường chi phí tổ chức, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá đất

Nhiều ý kiến đề nghị phạt tiền đặt cọc gấp đôi, bồi thường chi phí tổ chức, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá đất

Góp ý về quy định nợ xấu và tài sản đảm bảo của các tổ chức ngân hàng cũng thuộc loại tài sản đấu giá, đại biểu cho rằng, nên có sự cân nhắc, không nên đấu giá.

Loại tài sản này nên giao cho tổ chức hoặc cá nhân muốn có sở hữu bán hoặc thỏa thuận cho chủ sở hữu và nhà đầu tư vì loại tài sản này rất khó có người tham gia đấu giá, làm mất thời gian và tốn kém.

Đề xuất có người bỏ cọc thì người đứng thứ 2 được trúng đấu giá. Để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên, đại biểu đề nghị phạt vi phạm hành chính, tăng tiền đặt cọc so với quy định hiện hành, không cho các đối tượng này tham gia đấu giá lần sau.

"Có như thế mới giữ được kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản, không chấp nhận đối tượng nào có nhiều tiền nhưng muốn làm gì thì làm, làm xáo trộn thị trường" - đại biểu nói và đề nghị, nếu có trường hợp này thì người đứng thứ 2 được trúng đấu giá mà không phải đấu giá lại, gây mất thời gian, tiền bạc của người dân.

Nhắc lại các vụ việc đấu thầu, đấu giá bất thường như vụ 3 mỏ cát ở Hà Nội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, cần bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực quản lý giá, quản lý đất đai, quản lý tài sản công, quản lý tài sản bảo đảm, tịch thu tài sản thi hành án và trách nhiệm dân sự.

Thời gian qua, khá nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá sau đó tự ý bỏ cọc

Thời gian qua, khá nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá sau đó tự ý bỏ cọc

Đại biểu cho rằng, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu giá, đại biểu đề nghị chỉ nên duy trì hai hình thức là đấu giá bằng lời nói và đấu giá trực tiếp. Đồng thời, cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá, người tổ chức đấu giá.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

Theo đó, nên quy định tiền đặt cọc từ 20-30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu trúng đấu giá không nộp tiền cọc thì bị loại và cuộc đấu giá sẽ tiếp tục.

Đại biểu cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, luật đấu giá có thể tham khảo, bổ sung quy định xử lý hình sự với những trường hợp bỏ cọc, không thực hiện kết quả trúng đấu giá, có dấu hiệu thao túng, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) đề xuất, người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Về vấn đề xử lý hành vi bỏ cọc đấu giá, theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc nộp tiền đặt trước là một trong các điều kiện để tham gia đấu giá.

Sau khi trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc đấu giá, để bảo đảm người trúng đấu giá thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Hiện nay, việc xử lý tiền cọc trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của bộ luật Dân sự. Nếu người trúng đấu giá không ký hợp đồng mua bán hoặc không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc đấu giá) thì sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc.

Đối với trường hợp các bên đã ký hợp đồng mua bán tài sản, việc xử lý tiền đặt cọc và phạt hợp đồng được thực hiện theo quy định của hợp đồng và bộ luật Dân sự.

Tiếp tục dẫn chứng thông lệ của đa số các nước, Bộ Tư pháp cho rằng đấu giá là quan hệ dân sự, nên khi một bên vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì bên vi phạm chịu chế tài quy định của pháp luật dân sự (mất tiền đặt cọc đấu giá).

Nguồn: [Link nguồn]

Cuối năm, đất nền được săn lùng: Lô đất trúng đấu giá bán “sang tay” chênh 700 triệu đồng

Thị trường đất nền tại Hà Nội và một số địa phương vùng ven có tín hiệu “ấm“ trở lại sau giai đoạn khó khăn, trong đó nhiều khu đất đấu giá được các nhà đầu tư...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN