Đề xuất chung cư có thời hạn 50 -70 năm: Loạt gia đình hoang mang, “nhà ở có còn là chốn an cư”?
Vợ chồng tôi đang dồn tiền và kế hoạch sẽ mua nhà trước khi tôi ở cữ. Tuy nhiên, mấy ngày nay bố mẹ hai bên bỗng nhiên ngăn cản, nhất định không đồng ý cho mua nhà chung cư vì “trên ti vi nói chung cư chỉ được sở hữu 50 năm”.
“Dù tôi có giải thích thế nào bố mẹ tôi cũng cứ khăng khăng nhất định phải mua đất, không mua chung cư, nếu chưa đủ tiền thì cứ ở nhà thuê, không thì về quê mà ở... Chúng tôi đang thực sự hoang mang. Nếu ở nhà thuê mãi thì không ổn định, mà mua chung cư thì lo sớm muộn lại phải ra đường.” – Đó là chia sẻ của chị Hà (30 tuổi, quê Hải Dương)
Đề xuất căn hộ chung cư có thời hạn 50 - 70 năm nhận được sự quan tâm của dư luận
Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi) Bộ Xây dựng đưa ra phương án chung cư sở hữu có thời hạn theo thời hạn sử dụng của công trình. Theo hướng này, giấy chứng nhận cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn 50 năm, 70 năm thay vì lâu dài như hiện nay.
Theo Dự thảo này, Bộ Xây dựng đã đề xuất hai phương án. Phương án một, thời hạn sở hữu chung cư theo quy định của pháp luật đất đai.
Phương án hai, thời hạn sở hữu căn hộ chung cư được xác định cùng thời hạn sử dụng của công trình theo pháp luật về xây dựng (niên hạn công trình). Theo phương án này, chung cư sẽ được sở hữu có thời hạn như tùy theo thiết kế công trình hoặc theo thực tế sử dụng, theo dự án của từng loại nhà chung cư mà quy định có thời hạn sở hữu như 50 năm, 70 năm… (ví dụ 50 năm với công trình cấp II).
Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó có khá nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ của cộng đồng mạng. Một số ý kiến đồng tình cho rằng, đề xuất giới hạn quyền sở hữu chung cư là hợp lý, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng.
Chị Mỹ Hạnh (một Việt kiều sinh sống tại Mỹ) chia sẻ: Ở Mỹ, nhà chung cư có thời hạn 50 năm, chỉ có nhà đất ở riêng lẻ mới được sở hữu vô thời hạn. Quy định nhà chung cư có thời hạn nên ở đây không có chuyện cứ phải mặc cả mãi với người dân mỗi khi hết hạn, cần xây mới hoặc cải tạo lại như ở Việt Nam.
Tương tự, anh Phạm Đức Anh (Hà Nội) cũng cho rằng, quy định nhà chung cư có thời hạn là hợp lý và rất hay, như vậy thì giá nhà chung cư sẽ không còn cao chót vót nữa. Khó có chung cư nào bền được theo thời gian 50 -70 năm. Giá chung cư phải thấp hơn nhà liền thổ thì mới hợp lý.
Trong một hội nghị góp ý sửa đổi Luật nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ, trên thế giới nhiều nước đã quy định nội dung này. Có nước quy định thời gian sở hữu 40 năm, có nước 70 năm, có nước 100 năm.
Đề xuất này giúp giải quyết tình trạng chung cư hết hạn sử dụng, xuống cấp nhưng không thể cải tạo, xây mới như hiện nay. Ngoài ra, nó cũng giúp cho giá căn hộ chung cư giảm xuống.
Tuy nhiên, phần đông ý kiến lại không đồng tình với đề xuất trên và cho rằng nếu quyền sở hữu chỉ còn 50 năm thì chung cư lại càng “mất giá”. Bởi với mỗi người dân, nhà ở chính là một tài sản để giành và khi chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn có nghĩa là bao năm tích cóp để rồi mất đi.
Bà Trương Thị Bích Hạnh (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) đang sống tại chung cư cho biết, bà không đồng tình với đề xuất sở hữu căn hộ chung cư có thời hạn 50 năm, 70 năm bởi như vậy chẳng khác nào đi thuê nhà dài hạn, khi hết hạn đồng nghĩa tôi sẽ phải ra đường.
Nhiều người lo ngại mua chung cư có thời hạn, khi hết hạn đồng nghĩa sẽ phải ra đường
Theo bà Hạnh, khi mua chung cư hay nhà đất người dân cũng mong muốn được an cư lạc nghiệp và sau này được để lại cho con cái.
“Qua 50 năm nếu người khá giả thì có thể có lựa chọn mới nhưng với những người không có điều kiện thì sẽ ra sao? Giải pháp để ổn định cho người dân như thế nào? Điều này sẽ khiến nhiều người cân nhắc khi mua chung cư”, bà Hạnh nói.
Cùng quan điểm với bà Hạnh, anh Dũng (một người dân sống tại chung cư ở quận Cầu Giấy) nói rằng, nên áp dụng như hiện nay, nghĩa là khi chung cư hết niên hạn sử dụng sẽ kiểm định nếu chất lượng vẫn còn tốt thì gia hạn thêm, ngược lại nếu xuống cấp không đạt chất lượng quy định an toàn của Nhà nước sẽ được yêu cầu xây mới để tái định cư tại chỗ hoặc tái định cư nơi khác.
“Quan điểm của người Việt là tậu nhà đất sở hữu lâu dài, cũng như của để dành cho con cháu. Nếu sổ hồng chỉ có hạn 50 năm, với người có khả năng tài chính để mua nhà khác thì không sao, nhưng với gia đình khó khăn thì họ sẽ ở đâu? Khi không có tiền mua nhà khác, con cái học hành ra sao, điều kiện sinh hoạt như thế nào cùng hàng loạt vấn đề phát sinh khác sẽ xảy ra... Và đặc biệt, hàng triệu người dân sẽ không mặn mà mua nhà nữa.” anh Dũng nói thêm.
Góp ý về vấn đề này, Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, văn hóa chung của người Việt, nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn có giá trị thừa kế. Hiện tại trừ hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TPHCM thì người dân nhìn chung chưa có thói quen ở chung cư. 61 tỉnh, thành còn lại rất khó bán được căn hộ chung cư, ngoại trừ khu vực lõi các đô thị trung tâm.
Như vậy, nếu chọn chính sách chung cư sở hữu có thời hạn 50 năm sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là khuyến khích thói quen, tập quán ở nhà chung cư. Thậm chí người dân sẽ thêm hoang mang với loại hình nhà ở này.
Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu quan điểm, đây là phương án tiến bộ giống như nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, về mặt xã hội với quốc gia như Việt Nam có phù hợp hay không thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi. Còn thời hạn 50 năm hay 70 năm cũng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng sao cho đồng thuận với ý kiến của người dân...
Bốn chung cư cũ và hai nhà chung cư đơn lẻ thuộc cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ (cấp D), sẽ phải hoàn thành việc di dời người dân trong quý I/2022.
Nguồn: [Link nguồn]