Đề xuất bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng với BĐS: Tái xuất đô thị 'ma'?

Trong khi hàng loạt dự án bất động sản có giá trị đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng đắp chiếu nhiều năm tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác chưa biết khi nào bàn giao cho khách hàng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa đề xuất Chính phủ cho phép bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng với bất động sản và cho khách hàng thỏa thuận với chủ đầu tư…

Chục năm đòi nhà

Khá nhiều ý kiến bức xúc được khách hàng nêu ra trong cuộc gặp mới đây với chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà Thăng Long. Nhiều người vì mua nhà của dự án mà lâm vào cảnh bần hàn, nợ nần chồng chất, gia đình mâu thuẫn, chia ly. Ông Ngô Quang Thiệu, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nói rằng, gia đình ông tin tưởng chủ đầu tư nên dồn toàn bộ vốn liếng tích lũy được sau mấy chục năm đi làm (chục tỷ đồng) để mua 2 căn hộ của dự án. Tiền đã nộp đầy đủ theo hợp đồng từ năm 2010 mà đến nay chưa thấy nhà đâu. “Đến nay vợ tôi cũng đã chết mà vẫn chưa thấy nhà đâu. Bây giờ tôi vẫn đang phải đi thuê nhà, cuộc sống rất khó khăn”, ông Thiệu nghẹn ngào.

“Trường hợp đề xuất bỏ quy định về bảo lãnh thì Hiệp hội cần phải đưa ra được một phương thức bảo vệ khách hàng khác có giá trị và đủ mạnh”, Luật sư Lê Nết

Dự án khu đô thị Văn Khê mở rộng có tên thương mại là Usilk City chỉ là một trong hàng chục dự án lớn mặc dù đã bán nhà, thu tiền của khách hàng nhưng vẫn dậm chân nhiều năm nay, không có nhà để bàn giao. Điển hình như nhiều dự án ven quốc lộ 32, ở các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng… (Hà Nội). 

Điều này có nguyên nhân từ khe hở của luật pháp trước khi Luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua năm 2014. Chủ đầu tư thu hàng chục nghìn tỷ đồng của người mua nhà hình thành trong tương lai. Công ty CP Sông Đà Thăng Long đã bán hết hàng nghìn căn hộ, đã thu tiền rồi nhưng không đầu tư xây dựng khu căn hộ mà đầu tư vào các dự án, lĩnh vực khác dẫn tới thua lỗ kéo dài. Quyền lợi của hàng nghìn người mua nhà vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quên quyền lợi người mua?

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản: “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”, thực tế, đối với các chủ đầu tư triển khai nhiều dự án với quy mô lớn cùng thời điểm, việc cấp bảo lãnh trong hạn mức tín dụng là không thể thực hiện được.

Đề xuất bỏ quy định bảo lãnh ngân hàng với BĐS: Tái xuất đô thị 'ma'? - 1

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, theo Luật Đầu tư, chủ đầu tư phải ký quỹ để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, theo đó, việc hoàn thành đúng tiến độ xây dựng để bàn giao đã bao gồm trong nghĩa vụ này. Nay lại thêm yêu cầu về bảo lãnh khiến chủ đầu tư phải chịu quá nhiều nghĩa vụ chồng chéo và chi phí đầu tư tăng lên đáng kể…

Hiệp hội đề xuất Chính phủ chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ theo hướng để doanh nghiệp và khách hàng tự thỏa thuận về nội dung này hoặc bỏ quy định bảo lãnh này và thay bằng quy định khác mà chủ đầu tư có thể thực hiện trong thực tiễn áp dụng (như bổ sung quy định hợp lý về ký quỹ với nhà ở thương mại), xếp hạng tín nhiệm, chủ đầu tư có độ tín nhiệm cao sẽ không phải thực hiện bảo lãnh...

Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia pháp lý và nhà đầu tư cho rằng, tìm biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản thời điểm ảnh hưởng bởi dịch covid - 19 là rất cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc các giải pháp phù hợp. Luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT và cộng sự) cho rằng, không phải bỗng nhiên Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định về nghĩa vụ phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng với nhà ở hình thành trong tương lai vì đó là nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người mua nhà. Còn quy định ký quỹ 3% để đảm bảo tiến độ dự án theo Luật Đầu tư chủ yếu là thực hiện nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước và là số tiền không nhiều so với tổng mức đầu tư một dự án. “Trường hợp đề xuất bỏ quy định về bảo lãnh thì Hiệp hội cần phải đưa ra được một phương thức bảo vệ khách hàng khác có giá trị và đủ mạnh”, luật sư Lê Nết nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, cá nhân ông và Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có góp ý khi xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản từ năm 2014 và đến bây giờ vẫn giữ nguyên quan điểm phải có biện pháp mạnh để bảo vệ quyền lợi người mua nhà bằng quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Châu đề nghị không cứng nhắc trong thực hiện. Tức là giữa chủ đầu tư và ngân hàng có quyền đàm phán với nhau về hạn mức bảo lãnh, về số tiền bảo lãnh theo từng dự án. “Mỗi dự án, mỗi chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực khác nhau. Những gì thuộc về thị trường thì phải trả lại để thị trường điều tiết. Ngoài ra, tôi đề xuất có thể áp dụng hình thức mua bảo hiểm cho dự án cũng là cách lựa chọn bảo vệ quyền lợi người mua nhà”, ông Châu nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuỗi nhà hàng đầu tiên phá sản vì COVID-19 khiến hơn 18.000 người thất nghiệp

Công ty đứng sau chuỗi nhà hàng Logan's Roadhouse tại Mỹ đã thông báo sa thải hàng ngàn công nhân khi đại dịch corona khiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÀ ANH ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN