Đất ven đô đội lốt dự án bán tràn lan
Tại khu vực ven đô Hà Nội, dự án “ma” mọc lên như nấm dưới chiêu trò hiến đất làm đường, tách thửa, phân lô để bán...
Đội lốt dự án, rầm rộ tách thửa
Những ngày đầu tháng 11, tại thôn Phúc Tiến, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, con ngõ nhỏ cách cổng UBND xã khoảng 1km nườm nượp đoàn xe lớn nhỏ, rất nhiều người rồng rắn nối đuôi nhau vào xem đất.
Tách thửa phân lô dự án Tiến Xuân
Phía sâu trong con ngõ dài khoảng 300m, 2 thửa đất đã được san phẳng, lộ màu đất đồi đỏ rực. Cả 2 thửa đất được chia đôi bằng con đường mới vừa rải nhựa, đấu nối trực tiếp vào đường ngõ.
Phần đất còn lại hai bên đường được chia thành hàng chục lô lớn nhỏ, ngăn nhau bằng những đường chỉ gạch ngang dọc.
Trong vai một nhà đầu tư, đứng trước tấm biển giới thiệu dự án có tên Vinland, PV Báo Giao thông được một nhân viên môi giới tư vấn, trong ngõ này có 3 thửa đất được phân lô, tương ứng với 3 giai đoạn do Công ty CP Bất động sản Vinland làm chủ đầu tư.
“Giai đoạn 1 nằm ngay đầu ngõ đã được phân lô, tách thửa và bán hết. Vị trí đang đứng là giai đoạn 2, gồm 16 lô, diện tích từ 77 - 110m2, tất cả đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hiện đã bán 8 lô mặt đường, chỉ còn 8 lô bên trong, giá bán dao động từ 13 - 15,5 triệu đồng/m2. Giai đoạn 3 đang thực hiện, sẽ sớm xong trong nay mai”, nhân viên môi giới vừa nói vừa chỉ thửa đất đang được máy móc san gạt mặt bằng, nằm tiếp giáp với thửa đất được giới thiệu là giai đoạn 2.
Hai lô đất này nằm cuối ngõ cụt, nhưng nhân viên môi giới khẳng định, khi giai đoạn 3 mở bán sẽ chừa đất mở 1 con đường mới, nối thông từ vị trí ngõ cụt chạy vòng ra đầu ngõ, tạo thành cung đường hình tròn bao quanh cả 3 giai đoạn.
“Giai đoạn 3 bên em đang giải phóng mặt bằng và lên đất ở (chuyển đổi đất sang đất ở - PV) khi đường sá hoàn thành, đất phân lô vuông vức chắc chắn giá đất sẽ lên.
Anh có vào tiền thì vào ngay. Hợp đồng mua đất sẽ ký trực tiếp với chủ tịch bên em. Những lô trước đây bán 12 - 13 triệu đồng/m2 nay đã lên 16 - 18 triệu đồng/m2”, nhân viên môi này giới chèo kéo.
Dạo quanh địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, hàng chục dự án tương tự hiện hữu với những cái tên mỹ miều như: Dự án Khu dân cư Khoang Mái, Khu dân cư sinh thái Hòa Lạc, Hòa Lạc Louis, Diamond Riverside...
Cũng có những dự án chỉ đặt tên theo đặc điểm số lô, ví dụ như: 72 và 108 lô Bãi Dài, Tiến Xuân; 34 lô đất thôn Hòa Lạc, 40 lô Phú Cát...
Các dự án dạng này tập trung nhiều tại các xã Đồng Trúc, Phú Cát, Thạch Hòa, Hòa Thạch của huyện Quốc Oai; xã Bình Yên, Tiến Xuân thuộc huyện Thạch Thất; Yên Bài thuộc huyện Ba Vì.
Những nhà đầu tư quảng cáo gắn liền với dự án này gồm Công ty CP Bất động sản Green Land, Cao Nguyên Land (CN land), Công ty CP Đầu tư Phát triển Địa ốc Hưng Vượng Holdings (Hưng Vượng Holding), Công ty CP Vakaland...
Ngoài ra, còn hàng trăm dự án khác được đề xuất khi vào trang tìm kiếm Google, với các cụm từ khoá như “đất nền ven đô”, “đất nền Hòa Lạc”...
Các dự án này được thiết kế, in tờ rơi quảng cáo, gắn biển rầm rộ nhưng đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất khẳng định, địa phương không phê duyệt bất cứ một dự án nào.
Vị đại diện cho hay, những trường hợp tách thửa, bán đất được đơn vị này thực hiện thủ tục đều là của các cá nhân.
Chính quyền “đau đầu”
Vị trí 108 lô Bãi Dài, Tiến Xuân
Khi hỏi về công tác quản lý, vị này phân trần, người dân tách thửa bán đất đúng quy định của pháp luật về đất đai nên địa phương không theo dõi và thống kê.
Vị này cũng xác nhận, trên địa bàn có hiện tượng người dân tự hiến đất làm đường, xin chuyển đổi đất khác sang đất ở, tách thửa, phân lô bán.
Tuy nhiên vị này từ chối thông tin số lượng đất ở gia tăng trong thời gian qua với lý do có quá nhiều hồ sơ nên không thống kê ngay được.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Bình Yên Trương Quang Hồng xác nhận, trường hợp xin tách thửa và số lượng đất ở trên địa bàn tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo đó, năm 2018, tổng diện tích đất ở của xã là 245,88ha; sang năm 2020 đã tăng thêm 5,9ha, nâng tổng diện tích đất ở của xã lên 251,85ha (2,4%); năm 2021 tăng thêm 6,42 ha, lên 252,3ha (2,6%). Dựa trên tổng hợp hồ sơ, dự kiến năm 2022, xã này sẽ tăng thêm 10ha.
Ông Hồng cho hay, việc tách thửa, phân lô bán tràn lan như hiện nay khiến chính quyền cơ sở “đau đầu” trong việc thu thuế phi nông nghiệp và quản lý dân cư.
“Không thể nào liên hệ được với các chủ đất, không biết họ là ai và ở đâu. Có những người tận Sài Gòn, Hải Phòng đến mua rồi bỏ đấy nên rất khó quản lý được dân cư và thu thuế phi nông nghiệp theo quy định”, ông Hồng than thở.
Chiêu trò lách luật cần ngăn chặn
Theo ghi nhận của PV, việc “trộn” đất vườn với đất ở để bán khiến cho giá bán đất tại các dự án “ma” dạng này chỉ bằng 1/3 so với giá đất ở thông thường tại địa phương.
Những dự án này đã cạnh tranh trực tiếp về giá, khách hàng với các dự án đấu giá do Nhà nước đầu tư hạ tầng hay các dự án thương mại được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách từ đất.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, những sản phẩm dạng này chính là nguồn cơn tạo ra những cơn “sốt ảo”, mang đến nhiều hệ lụy trong quản lý, nhất là tính ổn định, bền vững của thị trường.
Thị trường chỉ bền vững khi phát triển dự án phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, công ăn việc làm, ổn định cho người dân địa phương và địa phương thẩm định, phê duyệt.
Ngoài ra khi chuyển đổi mục đích sang đất ở gia tăng có thể dẫn đến tăng đột biến về dân số khiến công tác quy hoạch gặp khó khăn.
Do đó, ông Đính cho rằng, cơ quan chức năng cần “siết” hoạt động này, đảm bảo an sinh xã hội và sự tôn nghiêm của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm, theo quy định của Luật Đất đai, người dân được quyền tách thửa khi đủ điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, theo Nghị định 43/2013, chỉ có những chủ đầu của các dự án xây dựng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định mới được thực hiện việc phân lô, bán nền.
Chẳng hạn, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở… Phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án.
“Chính quyền địa phương cần vào cuộc làm rõ mục đích của việc tách thửa, có giải pháp kịp thời, ngăn chặn chiêu trò “lách” luật, tác động không tốt đến thị trường, an sinh xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời làm rõ trách nhiệm những nhà đầu tư dựng biển, quảng cáo, bán những dự án “ma”, không được phê duyệt theo quy định”, ông Sơn nói.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, Hòa Lạc, Thạch Thất luôn là một trong những điểm nóng của hiện tượng “sốt” đất ảo trên địa bàn Thủ đô. Đất từ trong đường làng, ngõ xóm đến vườn ruộng đều “nóng sốt”; giá thực từ 3 - 7 triệu đồng/m2 được “thổi” lên 10 - 18 triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư chạy theo cơn “sốt” đã phải chịu “tiền mất, tật mang” khi khoản tiền lớn nằm “đắp chiếu” trên đống đất, trong khi nhiều lô đất còn chưa hoàn thiện về pháp lý.
Nguồn: [Link nguồn]
Chấp nhận tìm mua đất ở khu vực vùng ven nhưng với số vốn 1 tỷ đồng nhiều gia đình trẻ vẫn gặp khó khi tìm chốn...