Đất nền vùng ven bất ngờ tăng "vù vù", đội giá gấp đôi
Tại một số tỉnh giáp ranh các thành phố lớn của Hà Nội và Tp. HCM, thời gian gần đây xuất hiện những cơn sốt đất cục bộ, có địa phương giá đất tăng gấp rưỡi, thậm chí tăng gấp đôi chỉ sau một vài tháng.
Giá đất tăng theo từng ngày
Có nhu cầu đầu tư đất nền với mức tài chính 1 tỷ đồng, chị Phạm Bích Phương (Hà Nội) tham khảo thị trường BĐS tại một số thị trường giáp ranh Hà Nội như Hoài Đức, Sóc Sơn và các tỉnh lân cận Hà Nội là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh,… Tuy nhiên, sau khi đi thực tế từng địa bàn chị Phương tỏ ra hoang mang vì giá đất ở các thị trường trên đều đồng loạt tăng từ 30% - 50%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 đến 6 tháng.
Giá đất nền tại một số địa phương giáp ranh các thành phố lớn tăng giá "chóng mặt" trong thời gian ngắn
“Tham khảo một số lô đất giãn dân lân cận khu công nghiệp Quế Võ 3 (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), nhân viên môi giới báo giá 20 - 21 triệu/m2 trong khi thời điểm tháng tư, vẫn những lô đất cùng địa phận trên được giao dịch ở mức 8 - 10 triệu/m2.
Có lô đất hai mặt tiền sau khi bán sang tay chưa tới một tháng đã có người mua lại chênh lệch lên 4 giá. Chứng kiến giá đất lên chóng mặt, tôi lo ngại tình trạng sốt ảo nên không dám xuống tiền” – chị Phương cho hay.
Được biết, không chỉ ở Bắc Ninh, mà thị trường đất nền tại Hạ Long, Thái Nguyên,… cũng sôi động không kém.
Nhiều nơi vẫn là ruộng lúa nhưng đã được mua đi bán lại tới 3 lượt chỉ trong vòng 10 tháng
Các chuyên gia bất động sản nhận định, có nhiều lý do khiến các nhà đầu tư địa ốc buộc phải chuyển hướng.
Bà Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nhận định, khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục chuyển dịch sang các tỉnh, thành khác có lợi thế phát triển kinh tế khoáng sản, công nghiệp, đặc biệt là phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư có xu hướng lựa chọn các địa phương để xây dựng các đô thị mới, vì thủ tục đấu thầu đất thuận lợi và chu kỳ đầu tư một dự án ngắn hơn so với dự án tại đô thị
Tại phía Bắc, sự chuyển dịch phát triển các dự án BĐS nhà ở về các vùng như Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam… là bởi đây là các tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI mạnh, đồng thời BĐS công nghiệp cũng phát triển. Để đón đầu cơ hội, đáp ứng nhà ở cho người dân các địa phương này và các chuyên gia tại các khu công nghiệp, các dự án đô thị đang phát triển mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của sự dịch chuyển này là do quỹ đất tại các khu đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh dần khan hiếm, thủ tục pháp lý các dự án khó khăn và mức giá bán cũng đẩy lên cao.
Trong khi đó, các thị trường mới nhà đầu tư được ưu ái từ chính sách, cơ chế để thực hiện dự án nhanh chóng. Đồng thời là quỹ đất những địa phương này còn rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển. Đặc biệt là giá đất vẫn còn thấp và kỳ vọng vào khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.
Các chuyên gia cảnh báo, mặc dù tiềm năng nhưng tính mạo hiểm ở những thị trường mới sẽ rất cao
Không phải sân chơi "dễ ăn"
Cũng theo các chuyên gia, đầu tư bất động sản ở các địa phương mới nổi là một xu hướng tất yếu mà các nhà đầu tư đã và sẽ lựa chọn trong thời gian tới. Khi thị trường chưa có sức nóng, chưa có nhiều nhà đầu tư để mắt, cùng với đòn bẩy hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, bất động sản vùng ven sẽ còn nhiều dư địa để nổi sóng. Nhu cầu tăng cao ở mọi phân khúc, “dòng tiền” sẽ tiếp tục được đổ về các địa phương tỉnh lẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đầu tư nên nắm bắt, các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo khi chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi này.
“Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng đây không phải là sân chơi dễ dàng cho tất cả các nhà đầu tư địa ốc. Bởi tính mạo hiểm ở những thị trường mới sẽ rất cao. Dù chi phí đầu tư thấp, nhưng chu kỳ kinh doanh lại có thể rất lâu mới có thể thu hồi vốn. Nhà đầu tư buộc phải chờ đợi và có những quyết định đầu tư, thời điểm ra hàng đúng đắn, chứ không thể vội vàng”… GS Đặng Hùng Võ cho hay.
Bạn có phải là kiểu người hoàn toàn tin tưởng vào ngân hàng và luôn ký tên mà không cần đọc điều khoản trong giấy...
Nguồn: [Link nguồn]