Đất Bắc Vân Phong bất ngờ nóng trở lại, Đại biểu Quốc hội đề xuất “siết” chính sách ưu đãi

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước thông tin mới về quy hoạch khu kinh tế Bắc Vân Phong cùng sự xuất hiện của hàng loạt dự án lớn khiến giá đất Bắc Vân Phong có dấu hiệu tăng mạnh. Tuy nhiên, một số ý kiến đề xuất “siết” chính sách ưu đãi với khu vực này.

Giá đất tăng tới 50%

Thị trường bất động sản Bắc Vân Phong từng được nhắc đến như "rốn" hút dòng tiền đầu tư với hàng loạt cuộc giao dịch nhanh chóng và chớp nhoáng. Đỉnh điểm, giá đất nhiều khu vực tăng tới 5 – 6 lần, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ kiếm hàng chục tỷ trong một khoảng thời gian ngắn.

Tháng 5/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có lệnh cấm giao dịch. Động thái này đã khiến giá đất ở Vạn Ninh giảm mạnh. Thị trường bất động sản Bắc Vân Phong dần chững lại, nhiều văn phòng môi giới "rút" biển. Nhiều lô đất nhanh chóng hạ nhiệt còn khoảng 3-5 triệu đồng/m2. Thị trường không còn ghi nhận sự xuống tiền ồ ạt với cả đất rừng, đất vườn, đất nuôi trồng thủy sản như trước.

Có những lô đất nhà đầu tư "ôm" từ đầu năm 2021 đến nay đã có giá tăng tới 50%

Có những lô đất nhà đầu tư "ôm" từ đầu năm 2021 đến nay đã có giá tăng tới 50%

Đầu năm 2021, thị trường khu vực này ấm trở lại. Một số nhà đầu tư đi săn hàng khi xuất hiện tình trạng nhà đầu tư đang đẩy hàng. Nhà đầu tư L.N ở Hà Nội đã từng tiết lộ, thời điểm đầu năm 2021, ông từng mua hơn 10 lô đất chỉ trong thời gian ngắn tại Bắc Vân Phong với mức giá chỉ bằng 60-65% giá trị lô đất năm 2018. Các văn phòng môi giới ở khu vực này đã dần mở lại.

"Lô đất tái định cư mà tôi xuống tiền vào đầu năm 2021 với giá 4 tỷ đồng, 200m2, nằm ngay mặt đường lớn, sát biển. Vào năm 2018, mức giá của lô đất này là 7 tỷ đồng", ông L.N kể.

Mới đây, anh Vũ Văn Hải - một nhà đầu tư đến từ Hà Nội cũng cho hay, những lô đất mà anh "ôm" vào đầu năm 2021 đều đã ra hàng với mức giá tăng tới 50%.

Theo anh Hải, nguyên nhân khiến giá bất động sản Bắc Vân Phong sôi động trở lại đến từ thông tin Khánh Hòa đang khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả khu vực Bắc Vân Phong. Bên cạnh đó là thông tin các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đề xuất các dự án khủng tại khu vực Bắc Vân Phong trở thành chất xúc tác đẩy giá đất tăng cao.

Khảo sát cho thấy, giá đất gần khu công nghiệp như Vạn Thắng và Dốc Đá Trắng khoảng 6-8 triệu đồng/m2, khu vực gần trung tâm có mức giá 75-80 triệu đồng/m2, chạm và thậm chí nhỉnh hơn so với thời điểm đỉnh sốt đất năm 2018. Có lô đất vị trí đẹp ghi nhận mức giá đến 90 triệu đồng/m2. Giá đất khu vực tái định cư dao động 25-35 triệu đồng/m2.

Một số lô đất ruộng, đất rẫy không có pháp lý an toàn được ghi nhận giao dịch ở mức thấp. Loại hình đất đất cây lâu năm, nông nghiệp cũng không còn chuộng như trước. Nhóm cá mập săn hàng không còn nhiều nhưng nhu cầu tìm kiếm đất vẫn gia tăng.

Trước thông tin giá đất Bắc Vân Phong tăng mạnh, UBND huyện Vạn Ninh cũng đã tuyên truyền và chỉ đạo công bố công khai Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Vạn Ninh.

Đề xuất không nên đầu tư sân golf, khu đô thị, trung tâm thương mại

Thảo luận tại tổ ở Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa mới đây, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), đề nghị không nên ưu đãi đầu tư vào các lĩnh vực không thiết yếu ở khu kinh tế Vân Phong như sân golf, khu đô thị, trung tâm thương mại.

"Nếu đưa ra chính sách ưu đãi cho đầu tư vào sân golf, có thể nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về thuế, rồi lại bán đất để thu lời mà vẫn giàu. Trong khi Nhà nước thu tiền không được bao nhiêu", ông Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Theo ông, là nhà đầu tư chiến lược nhưng nếu dự án không trong diện Chính phủ ưu đãi đầu tư thì không được hưởng ưu đãi, dù thí điểm cơ chế đặc thù cho Khánh Hoà.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế, cũng cho rằng ngay cả khi không có chính sách ưu đãi gì, việc đầu tư khu đô thị, trung tâm thương mại cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ông đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn để tăng tính thuyết phục về đề xuất này, vì "nguồn lực đầu tư có hạn, nên chắt chiu để tăng thu hút vào lĩnh vực, ngành nghề đúng, trúng".

Về vấn đề này, khi thẩm tra một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, một số thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị chưa quy định chính sách đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong khu kinh tế Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.

Một vấn đề nữa, theo dự thảo nghị quyết, nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án trong 3 - 5 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, thời hạn đưa ra như vậy là quá ngắn, dễ dẫn tới hệ lụy nhà đầu tư không đầu tư thực mà chỉ có ý định "chiếm đất, bán sang tay lại". Từ đó, đề nghị thời hạn cấm chuyển nhượng dự án nên dài hơn và có chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm. 

Phát biểu trong thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, khi thiết kế các cơ chế chính sách, dự thảo quy định rất chặt chẽ như thực hiện chuẩn bị thu hồi đất thì lập đề án thế nào, HĐND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền… Rồi khuyến cáo truyền thông cho tốt, để tránh tình trạng vừa bắt đầu kiểm đếm, đo vẽ thì giá đất tăng. "Van, khóa trong đây cũng nhiều lắm, dự thảo nghị quyết quy định chặt chẽ chứ không làm tùy tiện được đâu", Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Cũng trong thảo luận tổ, có đại biểu cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù được nhiều địa phương mong muốn. Từ đó, đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, nếu không mang tính đặc thù thì nên áp dụng chung để tạo sự lan tỏa trong cả nước.

Trước ý kiến trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điều này rất đáng suy nghĩ. Bởi nếu 10 tỉnh xin cơ chế chính sách như vậy thì trở thành phổ biến, không còn là đặc thù nữa rồi.

"Chính phủ đang phân công nhau để quản lý từng lĩnh vực một, liên quan quản lý đất đai, quản lý nông nghiệp, quản lý rừng. Làm sao Trung ương thực hiện đúng quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch; tăng cường kiểm tra giám sát; phân cấp phân quyền... Chúng ta phải suy nghĩ cái này!" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khánh Hòa có vị trí "hết sức quan trọng" khi vừa kết nối với các tỉnh, với Tây Nguyên, vừa có cảng Cam Ranh và vịnh Vân Phong. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 09, trong đó có nêu, Khánh Hòa phải trở thành một trong những hình mẫu hết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh. 

Dự thảo nghị quyết thiết kế 10 cơ chế, chính sách. Bên cạnh 6 cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện thì có 4 cơ chế, chính sách mới.

Đó là, chính sách thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Theo dự thảo của Chính phủ, một trong các ngành nghề được ưu đãi khi đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), là xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn từ 12.000 tỷ đồng; xây dựng và kinh doanh khu đô thị diện tích từ 300 ha hoặc quy mô dân số trên 50.000 người; xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf quy mô vốn từ 25.000 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

HoSE hủy niêm yết 60 triệu cổ phiếu PXS từ ngày 24/6: Vì sao?

Sở GDCK TP. HCM vừa có quyết định hủy niêm yết cổ phiếu của Công ty Cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí (HoSE: PXS). Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu này là...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN