“Đánh thuế lũy tiến với những tài sản đầu cơ”
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đối với những người đầu cơ đất đai, ngày hôm nay mua ngày mai bán, "lướt sóng" đất đai cần phải đánh thuế cao hơn...
Chiều 16/3, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề đầu cơ đất đai, trốn thuế giao dịch đất đai.
Khá nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu được đưa ra, xoay quanh hành vi trốn thuế trong giao dịch đất đai đang ngày càng nghiêm trọng, nhưng chưa có giải pháp căn cơ ngăn chặn.
Rất nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng đầu cơ đất đai, trốn thuế giao dịch đất đai
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nêu vấn đề đầu cơ đất đai đã được nhận diện nhiều năm nhưng hiện vẫn còn phức tạp.
Ông Ba nói từ năm 2019 Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai bằng chính sách thuế.
Giải pháp cụ thể theo hướng những người sử dụng nhiều đất, mà nhà, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế cao. Tuy nhiên, sau 3 năm vẫn chưa đề xuất được chính sách này.
Ông Ba đề nghị Bộ trưởng Hà và bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết có đề xuất được việc này không và khi nào đề xuất?
Trả lời ĐB Ba, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này cần sửa các quy định tại Luật thuế và Luật Đất đai. Nếu điều chỉnh mọi quan hệ đất đai và thống nhất được thì có thể bổ sung, sửa trong luật đất đai.
Về thuế sử dụng đất, với dự án chậm sử dụng đất khi đấu giá, theo Bộ trưởng Hà, phải đưa ra lộ trình sử dụng và coi đây là quy định bắt buộc. "Nếu kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào thì sẽ bàn tiếp", ông nói.
"Phải đánh thuế lũy tiến để nhà đầu tư tính toán lợi ích của họ", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói
"Đánh thuế cao hơn với các trường hợp đầu cơ, găm đất, bởi các trường hợp này không làm phát sinh giá trị kinh tế xã hội. Đánh thuế cao cũng khiến người đang ôm đất phải từ bỏ. Giá đất đang cao có thể thấp xuống", ông nói.
Ông Hà cũng dẫn chứng ở Mỹ người dân rất e ngại khi có nhà mà không ở, không cho thuê, kể cả đất ở, dự án không đầu tư, đất nông nghiệp không sử dụng vẫn phải đánh thuế sử dụng. Còn người có 5-6 nhà mà không ở, không mang lại hiệu quả cho xã hội như không cho thuê, kinh doanh, thương mại... phải đánh thuế.
"Phải đánh thuế lũy tiến thế nào để nhà đầu tư tính toán lợi ích của họ", ông Hà nêu thêm.
Trước đó, trả lời đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk) về tình trạng trốn thuế trong giao dịch đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin có trường hợp quyết định giao đất nhưng tiền đất thì vẫn nợ, chưa thực hiện trách nhiệm tài chính.
Hoặc đất được giao làm dự án khu công nghiệp nhưng găm lại không làm dẫn đến đất vẫn lên giá. Như vậy, chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng cũng là hiện tượng trốn thuế.
Do đó, theo ông Hà, khi dự án đấu thầu, đấu giá cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi, kể cả nhà ở thương mại, khu công nghiệp và phải làm xong. Nếu không làm xong, đất đó phải tăng thuế lũy tiến để thu bổ sung vào ngân sách.
"Đối với các anh đầu cơ đất đai, ngày hôm nay mua ngày mai bán lướt sóng, tôi cho rằng cần phải đánh thuế cao hơn, bởi những hành vi này trên thực tế không mang lại giá trị kinh tế cho xã hội. Bên cạnh đó cũng cần thêm các công cụ, biện pháp khác", ông Hà nhấn mạnh.
Trả lời thêm về giải pháp thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay đã chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp với chính quyền địa phương, bộ ngành thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng bất động sản.
Ông nêu, trong vòng 15 ngày đầu tháng 1, qua kiểm tra 85.000 bộ hồ sơ và cho kê khai lại đã tăng thuế được 222 tỉ. Hiện bộ đang tập trung thanh tra những hồ sơ có nghi vấn về việc chuyển giao không đúng giá kê khai nộp thuế, giá chuyển nhượng.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng "thổi giá, dìm giá đất", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần có chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm.